Có hay không bỏ quên giá trị “đất vàng”?
Hiện nay Tổng công ty thép Việt Nam (VnSteel) đang thoái vốn khỏi một số DN như Công ty CP Lưới thép Bình Tây, Công ty CP Giao nhận kho vận ngoại thương Việt Nam.
VnSteel đang đẩy mạnh thoái vốn khỏi nhiều DN. Ảnh: L.Bằng
Một công ty có 3 mảnh đất trị giá nghìn tỷ lại chỉ có giá trị 19 tỷ đồng khiến dấy lên các ý kiến việc định giá chưa tính đủ giá trị đất đai vào giá trị DN, gây thất thoát tiền Nhà nước. Thực hư việc này thế nào?Theo đó, Công ty CP Lưới thép Bình Tây có tổng cổ phiếu là 19 tỷ đồng, trong khi DN đang quản lý 3 mảnh đất tại TP.HCM. Còn Công ty CP Giao nhận kho vận ngoại thương Việt Nam quản lý 7 lô đất giá trị từ Hà Nội và TP.HCM, tổng cổ phiếu giá trị chỉ có 255 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, hiện tại Công ty Lưới thép Bình Tây đang quản lý 3 khu "đất vàng". Khu đất tại số 117 đường Âu Cơ (quận Tân Phú, TP.HCM) có diện tích hơn 13.000m2, khu đất tại phường 10, quận 6 có diện tích hơn 4.000m2; khu đất hơn 1.100m2 tại phường 7, quận 6.
Các khu đất này được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định ngày 2/3/2006 của UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Trong 3 khu đất kể trên, Công ty CP Lưới thép Bình Tây đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các đối tác để khai thác 2 khu đất. Cụ thể, khu đất ở đường Âu Cơ hợp tác xây Trung tâm thương mại – chung cư Steel Cali. Còn khu đất ở quận 10 làm công trình chung cư kết hợp diện tích công cộng.
Trước các nghi vấn trên, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã vào cuộc. Trong đó, Bộ Công Thương, Tài chính đã làm việc với Công ty CP Lưới thép Bình Tây.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết: Hiện tại, Công ty CP Lưới thép Bình Tây có vốn điều lệ 19,65 tỷ đồng, trong đó VnSteel chiếm 40,06% vốn điều lệ. Đây là công ty có quy mô nhỏ và không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần theo tiêu chí phân loại của Chính phủ.
Trước phản ánh về việc giá trị quyền sử dụng đất lên đến hàng nghìn tỷ không đưa vào giá trị cổ phiếu, giá trị DN, Bộ Công Thương cho hay: “Về bản chất, cho đến nay 2 khu đất vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước, Công ty CP Lưới thép Bình Tây chỉ là đơn vị được thuê lại theo hình thức đất thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm (không phải là giao đất sử dụng lâu dài có thu tiền sử dụng đất) nên không phải là đơn vị sở hữu các khu đất này. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Công ty CP Lưới thép Bình Tây chỉ có giá trị đến hết tháng 12/2006, đến nay đã hết hạn trên 10 năm, việc cho thuê hay chấm dứt cho thuê thuộc quyền của địa phương”, Bộ Công Thương giải thích.
“Không có căn cứ để kết luận DN đang sở hữu giá trị quyền sử dụng đất hàng nghìn tỷ đồng, cũng như không có căn cứ để tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN và tách riêng phần giá trị quyền sử dụng đất để đấu giá riêng như trong thư phản ánh”, văn bản do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ký khẳng định.
Báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính cũng cho biết các khu đất nêu trên chưa được các công ty liên doanh nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng: Việc Công ty CP Lưới thép Bình Tây tiến hành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại các khu đất này để ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các DN khác trong giai đoạn 2010-2011 trên cơ sở Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã hết hiệu lực từ tháng 12/2006 là không phù hợp với quy định tại Quyết định 599 ngày 14/2/2006 của UBND Tp.HCM và quy định của pháp luật đất đai.
Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương dừng việc thoái vốn tại Công ty CP Lưới thép Bình Tây; giao UBND TP.HCM chủ trì, kiểm tra làm rõ việc quản lý, sử dụng đất đai tại Công ty CP Lưới thép Bình Tây theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013.
Bị đề nghị dừng thoái vốn, Tổng công ty thép nói gì?
Ngay sau ý kiến của Bộ Tài chính, ngày 31/5 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi 4 Bộ (Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tư Pháp) cùng VnSteel có ý kiến.
Các bộ ngành đang kiểm tra việc thoái vốn ở một số DN thuộc VnSteel
Đại diện VnSteel thừa nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các lô đất đã hết hạn từ tháng 12/2006, nhưng VnSteel cho hay Công ty vẫn đang được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Đây cũng là căn cứ để công ty hợp tác với các đối tác xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 2 khu đất trên.Thông tin của PV. VietNamNet cho hay, ngày 6/6, VnSteel đã có văn bản giải trình thêm với Văn phòng Chính phủ về đề nghị của Bộ Tài chính.
Giải thích việc góp vốn của Công ty để thực hiện các dự án trên bằng giá trị tài sản trên đất, VnSteel cho rằng việc này được thực hiện trên cơ sở công ty bỏ chi phí để thực hiện di dời nhà máy về Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai); các đối tác hỗ trợ công ty tiền di dời, đền bù tài sản trên đất và công ty sử dụng nguồn này góp vốn cùng đối tác để triển khai dự án.
Trước quan điểm cho rằng việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất "là không phù hợp", VnSteel phủ nhận việc công ty Lưới thép Bình Tây góp vốn đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Bởi VnSteel cho hay: 2 khu đất của công ty là đất thuê trả tiền đất hàng năm thì tổ chức thuê đất chỉ có quyền và nghĩa vụ đối với tài sản trên đất. Vì vậy công ty không góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm đã hết hạn vào tháng 12/2006. Việc các bên ghi nhận Công ty CP Lưới thép Bình Tây đang có giấy chứng nhận quyền sử đụng đất (đã hết hạn tháng 12/2006) chỉ là cơ sở để hợp tác, không là căn cứ ghi nhận việc góp vốn quyền sử dụng đất thuê đã hết hạn theo quy định tại Luật Đất đai.
VnSteel cũng nói rằng trong quá trình hợp tác đầu tư trung tâm thương mại, các bên tham gia hợp tác đầu tư sẽ thực hiện các thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án. Công ty CP Lưới thép Bình Tây sẽ đứng tên nộp tiền sử dụng đất để hình thành lên quyền sử dụng đất theo hình thức Nhà nước giao đất ổn định lâu dài và thực hiện nộp tiền một lần. Khi đó công ty mới thực hiện góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để cùng các đối tác hợp tác triển khai dự án.
“Điều này là hoàn toàn phù hợp với điều 110, Luật Đất đai năm 2003, điều 174 Luật Đất đai năm 2013”, VnSteel khẳng định.
Đối với việc thoái vốn ở Công ty CP Giao nhận kho vận ngoại thương Việt Nam, Bộ Công Thương cho hay hiện VnSteel mới chỉ đang xem xét đánh giá để xây dựng phương án, chưa có phương án thoái vốn cụ thể.
|
Theo Lương Bằng/Vietnamnet