Chống dịch bằng mọi nguồn lực
Những ngày tổ quốc đang gồng mình chống dịch, hàng trăm cán bộ nhân viên sân bay Vân Đồn luôn trong tình trạng sẵn sàng “trực chiến”. Chỉ cần nhận được thông báo có chuyến bay giải cứu sắp hạ cánh thì dù là tối khuya, sáng sớm hay đang giữa bữa cơm những “chiến sĩ” sân bay đều ngay lập tức lên đường.
Không khó để bắt gặp hình ảnh những cán bộ sau 1 ngày dài căng thẳng đã lả đi vì hạ đường huyết, những nhân viên cố gắng bốc vài trăm kg hành lý chỉ trong 1-2 giờ để hành khách không phải chờ đợi lâu … Dù vất vả tới đâu, thì đối với đội ngũ cán bộ sân bay Vân Đồn, nhiệm vụ đón các chuyến bay giải cứu không chỉ là đón hành khách thông thường, mà đó trách nhiệm với tổ quốc.
Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Sân bay Vân Đồn từng chia sẻ rằng Vân Đồn là sân bay tư nhân mới chỉ hơn 1 năm tuổi. Tuy còn non trẻ song ngay khi được giao nhiệm vụ là một trong ba sân bay “giải cứu” người Việt từ Vũ Hán về, sân bay Vân Đồn đã ngay lập tức triển khai một quy trình đặc biệt bên ngoài nhà ga. Hành khách làm thủ tục, khai báo y tế, di chuyển tới xe chuyên dụng đưa đi cách ly ngay. Thậm chí WC lưu động cũng được bố trí nhằm rút ngắn thời gian và hạn chế tối đa lây nhiễm.
Bởi vậy, tính từ đầu tháng 2 tới nay, sân bay Vân Đồn đã đón 31 chuyến bay với hơn 4.600 hành khách về nước an toàn. Sân bay Vân Đồn cũng là sân bay đầu tiên ngay lập tức triển khai phân luồng, kẻ vạch đảm bảo khoảng cách an toàn 2m khi khách xếp hàng, theo chủ trương “cách ly xã hội” mà Chính phủ chỉ đạo. Nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng được ngăn tối đa.
“Ngay từ ngày đầu chống dịch, Sân bay Vân Đồn nói riêng và Tập đoàn Sun Group nói chung đã tâm niệm mỗi CBNV chính là một ‘pháo đài chống dịch’ vững chắc, nỗ lực hết mình bằng sức người và nguồn tài nguyên sẵn có”, ông Phạm Ngọc Sáu khẳng định thêm. Khi phục vụ các chuyến bay về từ vùng dịch, việc tránh lây nhiễm chéo là tiêu chí được ban lãnh đạo sân bay và Tập đoàn Sun Group đặt lên hàng đầu. Bản thân mỗi cán bộ nhân viên sân bay phải chuyên nghiệp, cẩn trọng, hiểu biết, bởi người làm nhiệm vụ ngay tuyến đầu mà không chuẩn các khâu sau sẽ rất khó kiểm soát.
Không chỉ Sun Group, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn khác cũng chung tay đồng hành cùng Chính phủ. Như Tập đoàn Mường Thanh đầu tháng 4 vừa qua đã tình nguyện sử dụng khách sạn 4 sao Mường Thanh Grand Xa La làm nơi nghỉ ngơi, lưu trú miễn phí cho toàn bộ tập thể cán bộ, y, bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Bạch Mai. Tập đoàn Vinamilk đã tiếp sức cho đội ngũ gần 1.000 y bác sĩ tuyến đầu của TP. Hồ Chí Minh bằng các sản phẩm dinh dưỡng, tăng cường đề kháng do Vinamilk sản xuất…
Những đóng góp thầm lặng của Sun Group, Mường Thanh, Vinamilk… cho thấy, khi Tổ quốc cần, DN tư nhân luôn sẵn sàng ở đầu trận tuyến.
Nhìn nhận đúng vai trò của kinh tế tư nhân
Thủ tướng đã kêu gọi “mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, các giới, các đơn vị và người dân tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức góp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, kể cả bà con ở nước ngoài xa xôi, hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái", "thương người như thể thương thân”.
Thực tế dưới sự tác động của Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đều khốn đốn, người lao động bị cắt giảm việc, sản xuất đình đốn, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Công ty lớn khó lớn, nhỏ khó nhỏ.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group Bùi Thị Thanh Hương cho biết, hàng loạt khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí của tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động vui chơi giải trí chiếm 70% doanh thu, thiệt hại bước đầu dự kiến 1.200 tỷ đồng. Các điểm kinh doanh của tập đoàn phải đóng cửa. Tập đoàn phải lùi tiến độ khai trương một số khách sạn; đóng cửa tạm thời một số khách sạn để bảo đảm an toàn; cán bộ, nhân viên phải bố trí nghỉ luân phiên, thu nhập và đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.
Với Tập đoàn BRG, chỉ tính từ cuối tháng 1 đến nay, ước tính tập đoàn thiệt hại ở mảng kinh doanh khách sạn là 100 tỷ đồng và 11 tỷ đồng kinh doanh sân gôn với 12 nghìn phòng đã bị hủy.
Thế nhưng các DN tư nhân vẫn đáp lại lời kêu gọi của Thủ tướng, đồng hành cùng Chính phủ để phòng, chống dịch bằng việc chủ động đóng góp bằng nguồn lực hiện có, bằng quy trình và con người. Điều này thể hiện trách nhiệm xã hội, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, cùng nhau chung tay, góp sức khi đất nước cần.
“Đừng nghĩ họ giàu có, nhiều tiền giờ chi ra một chút cũng không sao. Thực tế, càng tập đoàn lớn, càng doanh nghiệp lớn thì mức độ chịu tác động càng nặng nề. Chi phí vận hành bộ máy, lãi vay ngân hàng... tất cả đều “khổng lồ”. Khi không có doanh thu, họ sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn hơn nhiều so với các DN vừa và nhỏ. Thế nhưng họ vẫn chung tay với Chính phủ chống dịch, vẫn hỗ trợ đối tác để cùng vượt khó, vẫn cố gắng giữ việc, chi trả thu nhập cho người lao động... Qua đây, chúng ta cũng cần thay đổi cách nhìn, đánh giá đúng và hoan nghênh những đóng góp của các doanh nghiệp kinh tế tư nhân. Những người làm giàu chân chính, lương thiện không nên bị đánh đồng, nhìn bằng cái nhìn kém thiện cảm và thành kiến”, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.W, nói.
Như vậy, trong cuộc chiến này không ai đứng ngoài. Trách nhiệm xã hội đã thực sự được thể hiện và lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp tư nhân thông qua cuộc chiến đặc biệt này.
PV