Quan điểm trên được Ông Chu Thanh Hiếu - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản MIK Home đưa ra khi bình luận về diễn biến cũng như triển vọng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng (Second – Home) hiện nay.
Trao đổi với phóng viên, ông Hiếu nói: Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, bao gồm sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn (condotel)… rất phát triển trong những năm gần đây. Việt Nam có khá nhiều lợi thế về du lịch với phong cảnh thiên nhiên, bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam. Việt Nam cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất châu Á đối với khách du lịch quốc tế cũng như khách trong nước. Theo thống kê, năm 2018 chúng ta đón khoảng 15 triệu khách du lịch, kỳ vọng năm nay đạt khoảng 19 triệu, tức là tốc độ tăng trưởng mỗi năm trung bình 30%. Con số rất ấn tượng này mở ra những cơ hội vô cùng tiềm năng cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Ông Chu Thanh Hiếu – Giám đốc MIKHome phát biểu tại Hội thảo về Second Home vừa được tổ chức tại TP HCM.
Từ con số tăng trưởng của ngành du lịch, chúng ta có thể thấy nhu cầu rất lớn về dịch vụ cư trú, đặc biệt ở những vùng biển với cảnh đẹp thiên nhiên hiếm có. Những năm trở lại đây, Phú Quốc đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất của Viêt Nam bởi những lợi thế do thiên nhiên ban tặng như khí hậu, dự trữ sinh quyển, bờ biển cát trắng trong vắt trải dài; và đặc biệt là dòng tiền đầu tư rất lớn từ các nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cùng với PhuKet (Thái Lan) và BaLi (Indonesia), Phú Quốc – vùng biển được so sánh như Maldives của Viêt Nam - được đánh giá là 1 trong 3 thị trường du lịch tiềm năng nhất của châu Á. Dưới góc độ một nhà đầu tư, tôi cho rằng đầu tư vào Phú Quốc là quyết định thông minh bởi những tiềm năng kể trên.
Chúng ta hãy thử so sánh: PhuKet là một điểm du lịch nhỏ của Thái Lan nhưng có đến 100 nghìn cơ sở lưu trú, trong khi Phú Quốc hiện mới chỉ có khoảng 7 nghìn cơ sở lưu trú để phục vụ du khách. Tốc độ tăng trưởng du lịch hàng năm của Phú Quốc đạt trên 35%, với hơn 4 triệu khách du lịch năm 2018 cho thấy nhu cầu lưu trú rất lớn tăng trưởng mạnh qua từng năm
Tiềm năng là vậy, nhưng không hẳn là thị trường bất động sản nghỉ dưỡng không có những vấn đề đáng phải lưu ý, thưa ông?
Với kinh nghiệm của mình, tôi có lời khuyên cho các nhà đầu tư thứ cấp. Đó là chúng ta cần là những nhà đầu tư thông minh, lựa chọn những dự án có tiềm năng phát triển lớn để đảm bảo lợi nhuận ổn định lâu dài, khả năng hoàn vốn nhanh và quan trọng là giữ được giá trị tài sản đó bền vững và gia tăng theo thời gian.
Ngoài việc lựa chọn một sản phẩm tốt, nhà đầu tư phải lựa chọn dự án được quản lý, vận hành bởi những đơn vị có uy tín trên thế giới và được phát triển bởi những công ty bất động sản uy tín, có năng lực thực sự để đảm bảo dự án đó được đầu tư bài bản, đúng tiến độ và chất lượng tốt nhất.
Hiện trên thị trường đang có nhiều ý kiến trái chiều về nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng, quan điểm của ông như thế nào?
Về nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng, hiện cũng có một số vấn đề cần thảo luận thêm, trong đó có ý kiến cho rằng, nguồn cung đang có dấu hiệu bão hòa. Theo tôi, dư địa dành cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển là rất lớn. Như tôi đã nói ở trên, nếu so sánh với những thị trường trong khu vực và gần Việt Nam nhất như PhuKet của Thái Lan thì cơ sở lưu trú 4 -5 sao có tới 100 nghìn cơ sở, trong khi thị trường tốt nhất của Việt Nam hiện nay cũng chưa đến 10 nghìn cơ sở lưu trú. Như vậy, khó có thể nói là nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng của chúng ta đã bão hòa. Nếu nói dư thừa nguồn cung thì cũng không đúng.
Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại, đâu đó một vài nơi có thể có dư thừa nguồn cung và hiện tượng bất động sản nghỉ dưỡng phát triển khá nóng tại một số địa phương thu hút đông khách du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang… Tuy nhiên, theo tôi trong vòng 5 năm tới thì sẽ mọi chuyện sẽ khác vì thực tế quỹ đất để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang ngày càng thu hẹp lại. Trong 15-20 năm tới, tôi cho rằng chúng ta chưa cần phải nghĩ tới vấn đề dư thừa nguồn cung.
Vừa qua, sau khi dư luận và nhà đầu tư băn khoăn về tính pháp lý của sản phẩm condotel thì Thủ tướng Chính phủ có giao cho Bộ Xây dựng cùng một số bộ ngành khác phải ban hành thông tư, quy định hướng dẫn rõ ràng. Vậy ông có thể nói điều gì khiến nhà đầu tư cảm thấy yên tâm trong thời gian chờ đợi từ nay cho đến khi có phán quyết của cơ quan quản lý?
Thực tế bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn khá mới mẻ nên những quy định phát lý có thể chưa được đầy đủ, hoàn thiện, từ đó dẫn tới những băn khoăn, lo lắng cho nhà đầu tư. Tôi cho rằng, trong thời gian ngắn tới đây, những quy định hay các chính sách cho loại hình sản phẩm này sẽ phải rõ ràng để nhà đầu tư có thể hoàn toàn yên tâm. Cá nhân tôi rất tin tưởng vào tiềm năng phát triển của sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng (second home) này đặc biệt là các dự án cao cấp có vị thể đẹp được đầu tư bài bản, chất lượng.
Tôi hy vọng, cơ quan quản lý sẽ sớm giải quyết xong những vướng mắc này và thị trường sẽ lại sôi động trở lại.
Ông Hiếu cho rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm sôi động trở lại.
Thế còn những rủi ro khi đầu tư vào thị trường này, theo ông có đáng quan ngại?
Thực ra đã đầu tư thì có rủi ro. Với bất động sản nghỉ dưỡng, cụ thể là condotel thì rủi ro chủ yếu là vấn đề cam kết lợi nhuận dành cho khách hàng trong trường hợp nhà đầu tư không may rót tiền vào những dự án không tốt. Đó là lý do tôi luôn khuyên các nhà đầu tư lựa chọn sản phẩm của nhà phát triển bất động sản uy tín, tiềm lực tài chính mạnh, đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và kết hợp với các đơn vị quản lý, vận hành uy tín trên thế giới, nhằm có thể đảm bảo lợi nhuận theo mức cam kết với nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện có một số vấn đề pháp lý, tức là việc sở hữu của khách hàng chưa được đảm bảo nên có thể dẫn tới một số rủi ro nhất định. Tuy nhiên, theo tôi những vấn đề này sẽ sớm được giải quyết, đặc biệt là sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa qua đối với loại hình bất động sản này. Đây có thể xem là một bước ngoặt quan trọng, sẽ sớm giúp thị trường condotel khởi sắc trở lại.
Tôi rất tin tưởng thị trường condotel sau khi có những quy định rõ ràng, đặc biệt là quy định về tính sở hữu loại hình bất động sản này được ban hành, chắc chắn thị trường sẽ bước thêm một bước tiến mới. Thị trường có thể không còn quá sốt nhưng nó sẽ phát triển ổn định và bền vững.
Nếu có tiền thì ông có đầu tư vào sản phẩm condotel hay không?
Nếu nói về tính hấp dẫn của thị trường, so với các thị trường trong khu vực khi các chủ đầu tư chỉ cam kết 5-6% trong vòng 4 -5 năm thì ở Việt Nam, nhiều chủ đầu tư đưa ra cam kết lợi nhuận lên đến 10%, kéo dài trong 10, thậm chí là 12 năm. Điều đó đủ nói lên tính hấp dẫn của bài toàn đầu tư và đương nhiên tôi cũng sẽ không bỏ qua những cơ hội như vậy.
Hiện cơ quan quản lý vẫn chủ trương hạn chế người nước ngoài mua sản phẩm condotel tại Việt Nam. Theo ông điều này có bất hợp lý?
Xét dưới góc độ của các nhà phát triển dự án, tôi vẫn mong muốn có một hành lang pháp lý rõ ràng cho việc này. Còn ở các nước phát triển, việc sở hữu của người nước ngoài đối với các sản phẩm căn hộ condotel là hoàn toàn bình thường. Tôi mong rằng, điều này cũng sẽ sớm được thực thi ở Việt Nam.
PV