Thị trường có 614 cổ phiếu dưới mệnh giá

Số mã cổ phiếu dưới mệnh giá tăng vọt là một trong những minh chứng rõ ràng cho đà giảm sâu của thị trường chứng khoán trong 10 tháng qua.

Số liệu do Chứng khoán SSI tổng hợp cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam có 614 mã cổ phiếu dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp sau phiên ngày 24/10, cao gấp gần hai lần so với con số 316 mã vào ngày 31/12/2021.

Ngược lại, số mã cổ phiếu có giá từ 10.000 đến dưới 50.000 đồng/cp giảm từ 1.092 xuống còn 878, số mã có giá từ 50.000 đến dưới 100.000 đồng/cp lao dốc quá nửa từ 159 còn 76, số mã có giá từ 100.000 đồng/cp trở lên giảm từ 37 còn 22.

Các chỉ số cũng như vốn hóa thị trường đều sa sút. Tính đến cuối phiên 24/10, chỉ số VN-Index có vốn hóa xấp xỉ 3,96 triệu tỷ đồng, hao hụt hơn 1,9 triệu tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương mất 32,5%. Biểu đồ bên dưới cho thấy vốn hóa của chỉ số VN30-Index và UPCoM-Index cũng mất trên 30% trong gần 10 tháng qua.

Sàn HNX chịu thiệt hại nặng nề nhất khi quá nửa giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết tại sàn này đã biến mất.

Vốn hóa tỷ USD, giá dưới 10.000 đồng

Không ít doanh nghiệp có giá trị niêm yết hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí là cả tỷ USD, cũng nằm trong nhóm có cổ phiếu dưới mệnh giá.

Ví dụ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHB) có vốn hóa khoảng 26.400 tỷ, tương đương 1,1 tỷ USD. Giá cổ phiếu cuối phiên 24/10 vừa qua là 9.900 đồng/cp.

Một nhà băng khác là Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (Mã: LPB) có giá trị thị trường khoảng 14.000 tỷ đồng và giá cổ phiếu là 9.350 đồng/cp.

Nhiều cổ phiếu dưới mệnh giá thuộc nhóm ngân hàng gồm VAB, ABB, NAB, VBB. Tại ngày cuối năm 2021, ngành ngân hàng không có cổ phiếu nào dưới 10.000 đồng/cp và chỉ có 4 mã dưới 20.000 đồng/cp.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – Mã: POW) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL – Mã: OIL) có vốn hóa lần lượt hơn 23.000 tỷ và 9.400 tỷ, giá cổ phiếu lần lượt là 9.880 và 9.100 đồng/cp cuối phiên hôm qua 24/10.

Nhóm cổ phiếu VN30 tụt dốc

Vào ngày cuối năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam có ba mã cổ phiếu với vốn hóa trên 300.000 tỷ đồng là VCB của Vietcombank, VIC của Tập đoàn Vingroup và VHM của Vinhomes. Hai mã có vốn hóa trên 200.000 tỷ là HPG của Tập đoàn Hòa Phát và MSN của Tập đoàn Masan.

Đến ngày 24/10 vừa qua, thị trường chỉ còn duy nhất VCB có giá trị trên 300.000 tỷ, vốn hóa của VIC tụt xuống còn khoảng 215.000 tỷ, VHM xuống dưới 200.000 tỷ, HPG của Hòa Phát xuống dưới 100.000 tỷ và rời khỏi top 10 sàn HOSE.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá cũng như vốn hóa của cổ phiếu HPG đã giảm khoảng 51%. Vào cuối tháng 5, Chủ tịch Hòa Phát, tỷ phú Trần Đình Long đã cảnh báo kết quả kinh doanh ngành thép trong ba quý cuối năm 2022 sẽ rất “thê thảm” và thị trường thép năm nay không thuận lợi như 2021.

Đến nay, Hòa Phát chưa công bố báo cáo tài chính quý III, song chứng khoán SSI ước tính tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long có thể chỉ lãi sau thuế 2.100 tỷ đồng, giảm 80% so với đỉnh lịch sử cùng kỳ 2021 và thấp nhất kể từ quý IV/2019 khi COVID-19 chưa bùng phát. Giá cổ phiếu HPG kết phiên 24/10 ở 16.400 đồng/cp, kém 63% so với đỉnh vào tháng 10 năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành thép đã báo lỗ quý III như Thép Vicasa – VNSteel (Mã: VCA) lỗ sau thuế 22 tỷ đồng, Thép Thủ Đức – VNSteel (Mã: TDS) cũng lỗ sau thuế 22 tỷ, và Gang thép Thái Nguyên (Tisco – Mã: TIS) lỗ 25 tỷ.

Tùng Lâm

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục