Thị trường biệt thự liền kề: Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn
Dù được đánh giá là vẫn còn khó khăn, nhưng phân khúc biệt thự, nhà liền kề đã có nhiều “điểm sáng” tích cực. Theo thống kê của Công ty tư vấn BĐS Savills Việt Nam, trong quý 1/2015, tiếp theo sự khởi sắc của phân khúc căn hộ, phân khúc biệt thự, nhà liền kề Hà Nội đang rục rịch chuyển mình về thanh khoản và giá bán, dù nguồn cung được dự báo tiếp tục tăng khi hàng loạt dự án mới sẽ mở bán trong quý 2 và quý 3 năm nay.
Trong quý 1/2015, tổng nguồn cung biệt thự và liền kề đạt khoảng 30.040 căn từ 107 dự án. Nguồn cung sơ cấp đến từ 16 dự án với tổng số 1.100 căn. Có khoảng 28.900 căn từ nguồn cung thứ cấp. Hai dự án mới thuộc quận Tây Hồ và Cầu Giấy được ghi nhận trong quý, cung cấp thêm 33 biệt thự và 30 nhà liền kề.
Đối với biệt thự, mức giá chào bán sơ cấp bình quân đạt cao nhất 110 triệu VND/m² ở quận Tây Hồ và thấp nhất đạt 11,6 triệu VND/m² ở huyện Mê Linh. Đối với nhà liền kề, mức giá chào bán sơ cấp bình quân cao nhất đat 180 triệu VND/m2 ở quận Cầu Giấy.
Giá chào bán thứ cấp bình quân theo quý giảm -0,4% cho biệt thự và tăng 0,2% cho nhà liền kề.
Từ quý 2/2015 trở đi, có 73 dự án biệt thự/liền kề tương lai tại 16 quận. Nhiều dự án đã hoàn thành cơ sở hạ tầng nhưng vẫn đang trì hoãn thời điểm mở bán. Từ nay đến năm 2016, có sáu dự án mới dự kiến sẽ gia nhập thị trường, hai dự án trong số đó sẽ cung cấp khoảng 190 căn biệt thự và liền kề.
Theo Savills, trong thời gian tới, phân khúc nhà biệt thự/liền kề sẽ tiếp tục chịu sự cạnh tranh ngày càng lớn từ nhà đất thổ cư và căn hộ chung cư ngày càng lớn do mức giá thấp hơn của những phân khúc này.
Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, nhận định: “Giá chào trung bình của biệt thự giảm nhẹ, trong khi giá nhà liền kề tăng nhẹ. Cả tỷ lệ hấp thụ và số lượng giao dịch trong quý đều tăng so với quý trước.”
Trước đó, báo cáo của Công ty tư vấn BĐS CBRE cũng cho thấy các khu vực có sự cải thiện tích cực nhất về thanh khoản được kể đến là các khu vực lân cận trung tâm (Hà Đông, Hoàng Mai, Gia Lâm, Hoài Đức). Đây là những khu vực dân cư mới nổi và đang được đầu tư lớn về hạ tầng xã hội, trong đó, quận Gia Lâm là khu vực được ghi nhận có mức tăng giá lớn nhất, lên đến 5%.\
Theo thống kê của CBRE, trong 3 quý cuối năm, dự kiến nguồn cung nhà liền kề, biệt thự tại thị trường Hà Nội có thể lên đến khoảng 3.000 sản phẩm. Các sản phẩm được mở bán, theo CBRE, chủ yếu đến từ các dự án như: Dự án The Manor Central Park (với 80 căn, dự kiến mở bán vào tháng 5/2015); Dự án Park City giai đoạn 2 (với 165 căn, được mở bán vào quý II/2015); Dự án Nam đường 32- Wespoint (với 1.746 căn, dự kiến mở bán vào quý III/2015); Dự án FLC Garden (với 140 căn, dự kiến mở bán vào quý II/2015).
Đây là những dự án đã được chủ đầu tư lên kế hoạch bán hàng. Trên thực tế, Hà Nội vẫn còn nhiều dự án khác, đã và đang được chủ đầu tư triển khai hạ tầng, dự kiến sẽ tạo thêm nguồn cung rất lớn cho thị trường. Chẳng hạn, Dự án Nam An Khánh (huyện Hoài Đức), doanh nghiệp còn lượng hàng rất lớn chưa bán hết; Dự án Thanh Hà Cienco 5 Land hay Dự án Khu đô thị mới Phú Lương…
Nhận định về thị trường, CBRE cũng cho rằng, niềm tin của khách hàng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản ngày càng tăng lên, giá bán và thanh khoản của phân khúc đất nền liền kề, biệt thự tại Hà Nội cũng trong xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, theo CBRE, thanh khoản và giá bán tăng không đến với mọi dự án, mà phụ thuộc vào chất lượng, tiến độ của từng dự án. Bởi thực tế, trong khi nhà liền kề, biệt thự tại nhiều dự án tại Hà Nội tăng giá trong thời gian qua, một số dự án giá không hề tăng nhưng đơn vị phân phối vẫn khó bán hàng.
Mai Hoa