Bài 1: Tư vấn BĐS, một nghề lắm nỗi truân chuyên!
Thị trường BĐS đang dần định hướng chuyên nghiệp hơn, trong đó Môi giới bất động sản (MGBĐS) là một trong những nghành kinh doanh BĐS, dịch vụ này không thể thiếu cho dù công nghệ thế giới có phát triển đến đâu. Bởi vì: hoạt động này không chỉ đơn thuần là dẫn dắt người mua, thuê đến cho người bán, người cho thuê mà còn có khả năng tìm giải pháp tối ưu cho từng khách hàng. Tuy nhiên với những đặc thù của nghề này không phải ai muốn cũng làm được, ngay cả nhưng người trụ được với nghề cũng luôn phải đối mặt với những thách thức mà chỉ những người thực sự yêu nghề mới đủ sức vượt qua.
Định kiến xã hội
Theo một nghiên cứu tại Việt Nam, hiện nay BĐS chiếm khoảng 70% của cải quốc gia. Do vậy sự phát triển thị trường này có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung, trong đó vai trò của người MGBĐS là không thể phủ nhận. Thế nhưng chị Minh Phương - một người có thâm niên trong nghề lâu năm chia sẻ: ngoài áp lực của nghề, họ phải chịu rất nhiều định kiến, đơn cử ngay từ tên gọi nghề nghiệp, cũng được nhiều người gọi một cách không mấy thiện cảm đó là: “Cò đất”!
Trong vai một người MGBĐS, chúng tôi gọi đến số điên thoại 090330019... rao bán nhà tại quận Thanh xuân, chủ nhà rất nhiệt tình cung cấp thông tin về căn hộ đó cho chúng tôi. Khi chúng tôi đề nghị gặp mặt chủ nhà để xác minh thông tin và nói rõ chúng tôi là đơn vị trung gian, chủ nhà liền đổi giọng và khẳng định không làm việc với “cò”. Chủ số thuê bao trên cũng không quên nhắc nhở: lần sau gọi cho người khác “làm ơn” nói mình là “cò” ngay từ đầu để đỡ mất thời gian của người khác nhé! Rách việc quá!
Lướt một vòng trên các trang thông tin nhà đất, chúng tôi cũng đọc được không ít tin rao bán, cho thuê ghi rõ thông tin: “Miễn làm việc với trung gian”! Được hỏi về cảm giác của mình như thế nào trước những lời từ chối, Minh Phương tâm sự: thời gian đầu mỗi lần bị từ chối buồn lắm! Đêm về, Phương thường đặt câu hỏi MGBĐS là một nghề được pháp luật cho phép, muốn làm nghề phải có chứng chỉ của cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, phải thành thục các kỹ năng giao tiếp, thường xuyên cập nhật, tìm hiểu dự án…mới tư vấn tốt cho từng khách hàng được. Vậy mà người ta cứ nhìn mình bằng “nửa con mắt”, buồn ghê!
Chứng chỉ môi giới bất động sản
Học đại học ra, sau một thời gian làm một số công việc khác, nhận định mình phù hợp với công việc MGBĐS nhất. Phương lại phải đối diện với câu hỏi của người thân: Hết việc để làm rồi hay sao mà đi làm “cò đất”? Thật phí công học hành! Ngay cả những người cần tìm mua, thuê BĐS cũng mang nặng tâm lý không muốn giao dịch qua trung gian, Phương cho biết thêm.
Chủ nhà “xù” tiền phí dịch vụ!
Cách đây chưa lâu, chị T.H làm tại một Công ty cổ phần môi giới bất động sản đã giới thiệu thành công một căn hộ thuộc khu đô thị ở Hà Đông. Theo thỏa thuận ban đầu, chị sẽ được hưởng 10 triệu nếu giao dịch thành công. Thật không may cho chị, vì người nhờ chị rao bán căn hộ là hàng xóm, với sự quen biết đó nên chị đã không làm hợp đồng môi giới. Điều không ngờ nhất đã xảy ra, người hàng xóm đã này tìm mọi cách không trả thù lao cho chị!
Anh S - một đồng nghiệp của chị T.H cho biết: mới đây anh cũng giúp chủ nhà cho khách thuê một căn hộ thuộc khu đô thị ở Cầu Giấy. Qua điện thoại, chủ nhà đồng ý trả phí cho bên môi giới 5 triệu. Điều kiện là: hợp đồng phải được ký ít nhất là 1 năm, người thuê phải đặt cọc 1 tháng, thanh toán 3 tháng/lần…Tuy nhiên sau khi giao dịch thành công, đến nay đã hơn 2 tháng với rất nhiều lần chủ nhà hứa trả, nhưng anh S vẫn chưa nhận được tiền như đã thỏa thuận.
Theo những người làm nghề môi giới BĐS: có rất nhiều tình huống họ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì chủ nhà bán hoặc cho thuê “quỵt phí” mà họ chỉ biết nhận mình là “chưa khôn”, hơn nữa theo họ cũng chẳng rút kinh nghiệm được vì “chẳng cái dại nào, giống cái dại nào”!
Anh Thăng - một trưởng phòng kinh doanh, hiện nay đang làm việc tại sàn Phú Quý kể: hơn 1 năm trước, Hoa - một đồng nghiệp của anh giới thiệu khách mua cho một chủ nhà thuộc khu chung cư 183 Hoàng Văn Thái. Theo anh chủ nhà này giàu có và là người tốt, nên anh đã hướng dẫn Hoa không cần phải làm hợp đồng môi giới
Sau khi giới thiệu khách thành công giao dịch, chủ nhà rất vui vì cuối cùng đã bán được căn hộ như giá mong muốn. Nhưng lần này chị nhất quyết không trả phí dịch vụ như đã thỏa thuận, mà chỉ “bồi dưỡng” cho Hoa 500 nghìn! Hoa vì không làm hợp đồng và cũng không có gì làm chứng với việc đã thỏa thuận, nên cũng chẳng biết kêu ai!
Câu hỏi đặt ra là: Đến bao giờ người ta mới coi môi giới là một nghề thực thụ, quan trọng và được hưởng các quyền lợi xứng đáng với công sức và tâm huyết của người làm nghề? Theo quan điểm của một lãnh đạo công ty Bất động sản: “nghề môi giới đâu chỉ đầu tư mỗi nước bọt”! “Trên thực tế vì chưa được “bình đẳng nghề”, nên trong quan hệ giữa người môi giới với bên bán, cho thuê BĐS dường như đang tồn tại theo kiểu “xin cho” mà người môi giới luôn bị lép vế!”.
Nên chăng, khi dư luận đang đòi hỏi trách nhiệm của bên MGBĐS đối với những giao dịch xảy ra kiện tụng; cũng tạo ra một mối quan tâm thấu đáo về trách nhiệm phải trả thù lao của bên bán, cho thuê BĐS cho bên môi giới. Để ai đó khỏi chép miệng: không trả tiền môi giới cũng chẳng kiện cáo gì được, vì nhiều khi chỉ là thỏa thuận trên điện thoại bởi “lời nói gió bay”. Kể cả có làm hợp đồng thì cũng chỉ là hợp đồng dân sự, chẳng pháp luật nào quan tâm!
Trần Đẳng