Theo đó, các chuyên gia nhận định, việc phát triển các dự án mới ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn, trong khi ngành du lịch phát triển mạnh mẽ và hạ tầng đang được quan tâm đầu tư đã thúc đẩy các doanh nghiệp bất động sản tiến về các tỉnh có tiềm năng du lịch, nhất là các thành phố biển săn quỹ đất để phát triển dự án.
Việc nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn vốn quen thuộc ở mảng bất động sản nhà ở rầm rộ đổ ra các tỉnh ven biển đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng được xem là điểm nổi bật nhất trên thị trường bất động sản năm 2019. Làn sóng này được dự báo sẽ càng gia tăng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh các thành phố lớn như TP HCM khan hiếm nguồn cung mới vì quỹ đất khan hiếm và chính quyền cũng hạn chế cấp phép dự án mới để tiến hành rà soát, thanh kiểm tra pháp lý của hàng loạt dự án nhà ở đang triển khai.
Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện đang có hàng chục nghìn căn hộ condotel, biệt thự biển đang được xây dựng và bàn giao. Những địa phương có thế mạnh về du lịch biển như Hạ Long, Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang… đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư trên cả nước.
Hội thảo Xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019.
Phát biểu tại hội thảo, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, bất động sản nghỉ dưỡng đã có một quá trình phát triển khá nhanh từ 2014 tới nay nhờ khả năng tăng trưởng du lịch của Việt Nam rất ấn tượng, trung bình khoảng 30% mỗi năm.
Từ năm 2014 tới nay, nguồn cung các bất động sản du lịch như biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse, condotel đã tăng lên khá cao, trước hết tại các địa phương có tiềm năng du lịch lớn như Hạ Long, Đà Nẵng - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phú Quốc, sau đó đã chuyển sang các địa phương có tiềm năng du lịch nhưng chưa có nhiều dự án đầu tư như Vân Đồn, Sầm Sơn, Hà Tĩnh, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phan Thiết...
Theo ông Võ, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã áp dụng cơ chế “bán nhà trên giấy” (bán bất động sản hình thành trong tương lai) để thu hút vốn đầu tư từ khu vực cá nhân vào phát triển bất động sản. Hơn nữa, các nhà đầu tư dự án bất động sản còn đưa ra nhiều chính sách riêng để thu hút đầu tư như trao đổi kỳ nghỉ, cam kết lợi nhuận từ kinh doanh...
Về phân khúc căn hộ codotel, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng: "Condotel phải được xem là bất động sản kinh doanh, tất cả các chính sách kinh doanh, thuế, phải dựa trên đó là sản phẩm kinh doanh....kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nhanh chóng giải quyết vấn đề pháp lý còn lấn cấn để ngân hàng yên tâm khi nhận thế chấp dự án, người mua nhà an tâm về quyền sở hữu".
Pháp lý hoàn chỉnh sẽ tạo cú hích lớn cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
Theo các chuyên gia, trong năm nay, bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ đón nhận cư hích lớn khi pháp lý của loại hình condotel dần được công nhận. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị tường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.
Một trong những nội dung quan trọng là Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng ban hành, sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel); ban hành quy chế quản lý, vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn, hoàn thành trong quý 3/2019.
Đánh giá về triển vọng thị trường và dự báo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng những tháng cuối năm 2019, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, nửa cuối năm 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều thuận lợi do tiềm năng còn rất lớn và nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang bắt đầu xuất hiện một số loại hình du lịch nghỉ dưỡng mới như du lịch tham quan, du lịch chữa bệnh, du lịch kết hợp hội thảo hội nghị, du lịch tâm linh, du lịch mua sắm. Đây là những loại xu hướng du lịch mới.
Ngoài ra, pháp lý bất động sản đã rõ ràng hơn so với thời điểm những năm trước chỉ là có một số quy định chưa đầy đủ; sự chủ động của địa phương kêu gọi đầu tư vào du lịch và xu hướng đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn. Đồng thời, chính sách của Chính phủ coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn cũng sẽ là cơ hội đối với BĐS nghỉ dưỡng.
Ông Khởi cũng dự báo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ xuất hiện xu hướng đầu tư an toàn, tính toán hơn về các sản phẩm nghỉ dưỡng; nhiều địa điểm khu vực phát triển bất động sản nghỉ dưỡng phong phú hơn, đa dạng sản phẩm hơn; một số sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, căn hộ khách sạn vẫn còn nhiều tiềm năng để đầu tư, đón bắt nhiều dòng tiền.
Tuy nhiên, cũng theo ông Khởi, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay vẫn có những kho khăn nhất định do không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu rõ về cách thức, quy định pháp lý của các loại hình đầu tư. Cùng với đó là một số quy định pháp lý chưa rõ ràng, nguồn vốn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cũng bị siết chặt hơn. Nhìn nhận về phát triển du lịch Việt Nam cũng khác trước đây, không phát triển ào ào nữa mà buộc phải bảo vệ môi trường nên có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Hải Lan