Thêm 3 ngân hàng "kết nạp" basel 2, bốn "ông lớn" ngân hàng có thể ngừng cấp tín dụng

Tuần qua, tiếp tục có thêm 3 ngân hàng đạt chuẩn basel 2. Bốn "ông lớn" ngân hàng có thể ngừng cho vay vì không tăng được vốn. Tổng tài sản hệ thống ngân hàng vượt 12 triệu tỷ, nhóm ngân hàng quốc doanh có CAR thấp nhất hệ thống.

Thêm 3 ngân hàng chính thức đạt Basel 2

Nguồn tin từ NĐH, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố quyết định áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn (Basel II) trước thời hạn cho 3 ngân hàng, gồm Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam (SCBVL); Ngânhàng TMCP Nam Á (Nam A Bank); Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Như vậy, hiện tại có 17 ngân hàng tại Việt Nam đã được chấp thuận áp dụng Basel 2 gồm 2 ngân hàng ngoại và 15 ngân hàng nội gồm Vietcombank, ACB, MB, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, Viet Capital Bank, OCB, VIB, VietBank, LienVietPostBank và NamABank.

Thêm 3 ngân hàng "kết nạp" basel 2, bốn "ông lớn" ngân hàng có thể ngừng cấp tín dụng - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Basel 2 được Ngân hàng Nhà nước đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng từ tháng 2/2016, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank. Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.

Ban đầu thời hạn cho giai đoạn thí điểm được ấn định từ tháng 2/2016 đến cuối năm 2018 và giai đoạn hai tính đến năm 2020. Tuy nhiên, trước áp lực về việc nâng cao vốn tự có gặp nhiều khó khăn, thời hạn áp dụng Basel 2 cho nhóm ngân hàng thí điểm đã được lùi về năm 2020.

Theo tiêu chuẩn Basel 2, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cần đạt mức tối thiểu 8% - giảm 1% về mặt số học so với của Basel 1. Tuy nhiên, việc tính toán lại phức tạp hơn. Báo cáo của Công ty chứng khoán MB đánh giá, nếu áp dụng theo cách tính của Basel 2, CAR của các ngân hàng từ tiêu chuẩn Basel 1 có thể giảm từ 1-3%.

Đổi lại, với việc đáp ứng chuẩn mực Basel 2, những nhà băng mới được công nhận sẽ được một cơ chế thông thoáng hơn về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tại họp báo đầu năm 2019, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định có thể cho phép mức tăng trưởng tín dụng của những ngân hàng đáp ứng Basel 2 cao hơn các tổ chức tín dụng khác.

Nhóm ngân hàng quốc doanh có CAR thấp nhất hệ thống

Tờ Vietnamfinance đưa tin, theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản hệ thống TCTD Việt Nam tính đến hết ngày 30/9/2019 đạt trên 12 triệu tỷ đồng, tăng 8,48% so với hồi đầu năm.

Nhóm 7 ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, GPBank, CBBank và OceanBank) có tổng tài sản đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 7,12% so với đầu năm và giữ tỷ trọng lớn nhất với 43,4%.

Tổng tài sản nhóm ngân hàng thương mại tư nhân đạt trên 4,96 triệu tỷ đồng, tăng 9,06% và chiếm 41,4% tổng tài sản toàn hệ thống.

Nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài ghi nhận tổng tài sản 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 11,36%; nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính ghi nhận 190.797 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 13,69%,...

Vốn tự có của toàn hệ thống (đã loại bỏ tổ chức tín dụng có vốn tự có âm) cuối tháng 9 đạt 882.493 tỷ đồng, tăng 9,47%. Trong đó, vốn tự có của các ngân hàng quốc doanh đạt 293.736 tỷ đồng, ngân hàng thương mại tư nhân là 365.42 tỷ đồng, tăng lần lượt 9,36% và 8,06%. Trong khi đó, vốn tự có của các ngân hàng liên doanh, nước ngoài tăng mạnh hơn với 12,82% đạt 183.751 tỷ đồng.

Việc tốc độ tăng trưởng vốn tự có cao hơn tốc độ tăng trưởng tổng tài sản (9,36% so với 7,12%) giúp tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhóm NHTM Nhà nước tăng trong 9 tháng năm nay, từ mức 9,52% hồi đầu năm lên 9,78% tính đến cuối tháng 9/2019.

Đây là lý do CAR của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân giảm từ mức 11,24% hồi đầu năm xuống mức 10,81% cuối tháng 9/2019, theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước.

Thêm 3 ngân hàng "kết nạp" basel 2, bốn "ông lớn" ngân hàng có thể ngừng cấp tín dụng - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) cả hệ thống cuối tháng 9/2019 là 12,02%. Đứng đầu là nhóm ngân hàng liên doanh nước ngoài 24,84% theo sau là ngân hàng hợp tác xã gần 18,7% và công ty tài chính, cho thuê là 17,93%.

Với nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, CAR là 9,78% trong khi nhóm ngân hàng cổ phần là 10,81%. Đây cũng là 2 nhóm có CAR thấp nhất trong hệ thống (loại trừ ngân hàng chính sách xã hội và quỹ tín dụng nhân dân).

Tỷ lệ CAR là một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến chuẩn Basel II. Hiện có 17 ngân hàng tại Việt Nam đã được chấp thuận áp dụng Basel II gồm 2 ngân hàng ngoại và 15 ngân hàng nội gồm Vietcombank, ACB, MB, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, Viet Capital Bank, OCB, VIB, VietBank, LienVietPostBank và NamABank.

Về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN được ban hành mới đây, các ngân hàng sẽ phải đưa tỷ lệ này về xuống dưới 30% từ năm 2022.

Bốn "ông lớn" ngân hàng có thể ngừng cho vay nếu không được tăng vốn

Theo Vnexpress, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong hoạt động ngân hàng, một yêu cầu quan trọng đối với các tổ chức tín dụng là phải đảm bảo tỷ lệ an toàn trong hoạt động, trong đó tỷ lệ an toàn vốn là tỷ lệ rất quan trọng. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% như Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank đang có tỷ lệ an toàn vốn rất sát ngưỡng so với quy định của Thông tư số 41 cũng như ngưỡng tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn Basel 2.

Trường hợp các ngân hàng này không được tăng vốn thì bản thân các ngân hàng sẽ phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí có thể sẽ phải dừng cấp tín dụng. Từ đó sẽ rất ảnh hưởng tới nhu cầu vốn đầu tư phát triển, nhất là bối cảnh Việt Nam hiện nay nhu cầu vốn đầu tư phụ thuộc rất lớn vào tín dụng ngân hàng.

Thêm 3 ngân hàng "kết nạp" basel 2, bốn "ông lớn" ngân hàng có thể ngừng cấp tín dụng - Ảnh 3
Ảnh minh họa.

Chính phủ cho rằng, việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng thương mại Nhà nước bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, nhất là với Agribank và VietinBank.

Đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 4 ngân hàng (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt khoảng 139.000 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018. Tín dụng cho vay trên thị trường 1 (thị trường dân cư) của nhóm này chiếm gần 48% toàn hệ thống.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục