CTCP đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) được thành lập từ năm 2004, sau 18 năm hoạt động với các lĩnh vực Thủy điện, xây dựng, bất động sản...
Vài năm trở lại đây, Trung Nam Group nổi lên như một hiện tượng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo bằng một số dự án điện mặt trời, điện gió. Và mới đây nhất, Trung Nam Group là cái tên xuất hiện trong danh sách 5 nhà đầu tư đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 với vốn đầu tư khoảng 49.000 tỷ đồng của tỉnh Ninh Thuận.
5 nhà đầu tư gồm: Liên danh Korea Consortium gồm Tổng công ty Năng lượng Hanwha - Tổng công ty Khí Hàn Quốc - Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc; Công ty Gulf MP Company Limited; Tập đoàn Jera Company Inc; Liên danh Công ty Total Gaz Electricite Holding France - Công ty Novatek Gas & Power Asia Pte - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) - Công ty Siemens Energy AG - Công ty Cổ phần Zarubezhneft; CTCP đầu tư xây dựng Trung Nam.
Sẽ là đáng mừng khi một doanh nghiệp thuần Việt có khả năng đối đầu với các đối thủ ngoại tại một dự án lớn. Tuy nhiên, nhìn vào tiềm lực của Trung Nam Group thì lại không mấy khả quan.
Bán cổ phần công ty con
Trung Nam Group được biết đến dự án Khu đô thị sinh thái Golden Hills tại Đà Nẵng. Ban đầu, trên trang web của doanh nghiệp, tập đoàn này giới thiệu dự án có tổng mức đầu tư 1,67 tỷ USD. Thế nhưng, sau đó, Trung Nam Group đã âm thầm sửa lại tổng mức đầu tư của dự án Golden Hills chỉ là 4.900 tỷ đồng.
Giảm mức đầu tư, song Trung Nam Group dường như không đủ năng lực thực hiện dự án. Bởi vậy, tập đoàn này đã phải ký hợp đồng để Kita Land và Cen Lan. Theo đó, Kita Land tham gia với vai trò là đơn vị đồng đầu tư; CenLand là đơn vị phân phối độc quyền dự án Golden Hills.
Ngoài ra, trong thời gian qua, Trung Nam Group phải bán bớt cổ phần tại các dự án năng lượng. Nguồn tiền thu về có thể được sử dụng tái đầu tư vào các dự án còn đang bị ngưng trệ.
Cụ thể, tháng 4/2021, Trung Nam Group đã bán 49% cổ phần của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW cho CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT).
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc được cho là có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Nằm tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, nhà máy này hoàn thành sau gần 12 tháng thi công, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm với hơn 700.000 tấm pin.
Đây là dự án điện mặt trời đầu tiên của Trung Nam tại Ninh Thuận, thời điểm đó dự án này được bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với mức giá cao 9,35 cent/kWh trong vòng 20 năm.
Chỉ 1 tháng sau đó, Tập đoàn Trung Nam lại bán 35,1% cổ phần Nhà máy Điện gió Trung Nam cho Công ty Hitachi Sustainable Energy. Việc bán cổ phần tại nhà máy điện gió được Trung Nam tiến hành sau khi khánh thành nhà máy này cách đây một tháng.
Tập đoàn Trung Nam cho biết, với 64,9% cổ phần còn lại họ vẫn giữ vai trò quyết định trong điều hành, định hướng phát triển của dự án điện gió Trung Nam. Bán hơn 35% cổ phần cho Hitachi SE, Trung Nam sẽ có thêm vốn để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.
Trung Nam Group huy động hàng chục nghìn tỷ
Việc phải bán “lúa non” tại các dự án dường như thể hiện sự “khát vốn” của Trung Nam Group.
“Khát vốn” của Trung Nam Group còn thể hiện thông qua dự án BT chống ngập 10.000 tỷ tại TP.HCM. Khi Ngân hàng BIDV ngừng cấp vốn thì Trung Nam cũng không còn tài chính để tiếp tục thực hiện dự án.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, Tập đoàn Trung Nam liên tục “gom vốn” thông qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Trong năm 2021, nhóm Trung Nam Group đã huy động gần 16.000 tỷ đồng trái phiếu, hầu hết các lô trái phiếu đều có kỳ tính lãi 3 hoặc 6 tháng/lần, lãi suất 9,5 - 11%/năm.
Chỉ tính riêng năm 2020 và 2021, nhóm Trung Nam Group đã huy động gần 30.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.
Tháng 4/2022, Trung Nam Group tiếp tục huy động thêm 2.000 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu. Trái chủ và tài sản đảm bảo của lô trái phiếu không được công bố.
Tuy nhiên, theo thông tin từ những đợt phát hành trước đây của Trung Nam Group, doanh nghiệp mày dùng cổ phần sở hữu, quyền sử dụng đất, quyền tài sản gắn liên với dự án tại Đà Nẵng để làm tài sản đảm bảo.
Từ năm 2019, MBBank là ngân hàng thu xếp những đợt tín dụng cả nghìn tỷ cho các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhóm Trung Nam.
Có thể kể đến như, cuối tháng 8/2019, MBBank là tổ chức thu xếp hai lô trái phiếu cho nhóm Trung Nam Group, gồm 2.100 tỷ đồng kỳ hạn 9 năm cũng cho Trung Nam SPC và 945 tỷ đồng khác có kỳ hạn 5 năm trực tiếp cho CTCP Trung Nam.
Đến tháng 12/2019, MBBank lại tiếp tục được nhắc đến trong thương vụ phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Điện mặt trời Trung Nam (Trung Nam SPC) - một thành viên của Trung Nam Group. Lô trái phiếu này cùng có kỳ hạn 4 năm, chia làm 4 đợt: Đợt 1 ngày 3/12 (400 tỷ đồng), đợt 2 ngày 4/12 (400 tỷ đồng), đợt 3 ngày 5/12 (400 tỷ đồng) và đợt 4 ngày 6/12 (300 tỷ đồng). Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là toàn bộ quyền tài sản và tài sản trên đất hình thành trong tương lai gắn liền với dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam (tại tỉnh Ninh Thuận), toàn bộ số cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại TN Solar Power.
Nếu chỉ mình MBBank thì có lẽ sẽ không đủ khả năng tài trợ tín dụng cho Trung Nam Group, bởi doanh nghiệp này đang sở hữu nhiều dự án lớn, cần lượng vốn khổng lồ.
Đặc biệt, với tham vọng trở thành chủ đầu tư dự án điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 49.000 tỷ thì Trung Nam lại càng “khát vốn” hơn. Bởi vậy, thời gian qua Trung Nam Group không ngừng hợp tác với các tổ chức tín dụng khác.
Đầu năm 2022, Trung Nam Group và Vietcombank đã ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện. Vietcombank đã tài trợ nhiều dự án lớn của Trung Nam Group hiện đã đi vào hoạt động như: Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam công suất 450 MW tại Ninh Thuận, Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 công suất 100 MW tại Trà Vinh và Nhà máy Điện gió Ea Nam công suất 400 MW tại Đắk Lắk với tổng giá trị thu xếp vốn lên tới gần 13.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, tháng 2 vừa qua, Trung Nam Group đã hợp tác với Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam (HSBC Việt Nam) để tìm kiếm nguồn tài chính triển khai các dự án năng lượng tái tạo.