Thế giới di động: Chi phí lãi vay đè nặng, thất bại với nhiều mô hình kinh doanh

Hết thời tiền rẻ, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đang \'sống\' trong cảnh chi phi lãi vay ăn mòn lợi nhuận do lãi suất leo thang. Đặc biệt, MWG không ngần ngại thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới nhưng không phải mô hình nào cũng mang lại hiệu quả.

Đẩy mạnh vay nợ, lãi vay đang bào mòn lợi nhuận của Thế giới di động

SSI Research dự báo lãi suất trung bình vẫn có thể tăng vào năm 2023, nhưng với tốc độ chậm hơn (khoảng 50 đến 100 điểm cơ bản vào năm 2023 so với 200 đến 300 điểm cơ bản vào năm 2022).

Tuy nhiên, các nhà bán lẻ như Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã chứng khoán: MWG) có thể chọn tích trữ ít hàng tồn kho hơn do dự đoán nhu cầu yếu – điều này sẽ giúp giảm áp lực lên chi phí lãi vay. Do đó, tổng chi phí tài chính của MWG có thể sẽ giảm với kế hoạch mở mới thận trọng trong năm 2023.

Các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng tăng vốn là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt trong bối cảnh chi phí vay tăng cao. MWG hoãn thực hiện tăng vốn cho công ty mảng bách hoá từ quý 1/2023 sang quý 3/2023. Việc phát hành cổ phiếu thành công sẽ giúp công ty giảm bớt áp lực về chi phí tài chính.

Thực tế, tính đến cuối năm 2022, khoản tiền và các khoản tương đương tiền gồm tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển, tiền gửi có kỳ hạn tại MWG ghi nhận hơn 5.061 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm.

Đặc biệt, với chiến lược mở rộng thần tốc các chuỗi hiện hữu, đồng thời thử nghiệm thêm nhiều chuỗi mới trong vài năm qua đã khiến khoản nợ vay của Thế Giới Di Động liên tục tăng cao từ năm 2018 đến nay. Cụ thể, nợ vay tài chính tăng mạnh từ 7.044 tỷ đồng (năm 2018) lên 24.647 tỷ đồng (năm 2021).

Đáng chú ý, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và đặc biệt là năm 2021, thời kỳ tiền rẻ với lãi suất thấp đã giúp chi phí lãi vay của MWG ngang ngửa năm 2019 dù nợ vay gia tăng gấp đôi. Cụ thể, năm 2019 nợ vay hơn 14.000 tỷ đồng, chi phí lãi vay ở mức 568 tỷ đồng, trong khi đó năm 2021 nợ vay hơn 24.000 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay cũng chỉ ở mức hơn 674 tỷ đồng.

Cần biết rằng, giai đoạn 2020 - 2021, thời kỳ tiền rẻ, nghiệp vụ đem gửi tiền ngân hàng với lãi suất cao và huy động vốn giá rẻ từ các nhà băng nước ngoài đã giúp Thế giới di động tốn ít chi phí trả lãi, thậm chí còn có lãi hàng trăm tỷ từ hoạt động này. Cụ thể, năm 2021 lãi tiền gửi ghi nhận hơn 968 tỷ đồng, trong khi đó chi phí lãi vay chỉ ghi nhận hơn 674 tỷ đồng. Song năm 2022 khi mặt bằng lãi suất leo thang đã khiến doanh nghiệp thất thu từ hoạt động này.

Cụ thể, năm 2022, trong bối cảnh lãi suất leo thang, MWG đã chủ động mạnh tay cắt giảm nợ vay, chủ yếu là vay ngắn hạn. Cuối năm 2022, MWG vay ngắn hạn 10.688 tỷ đồng, giảm 57% so với đầu năm và giảm gần 37% so với cuối quý 3/2022. Toàn bộ khoản vay ngắn hạn này đều là vay tín chấp từ ngân hàng với lãi suất thả nổi để bổ sung vốn lưu động. Ngày đáo hạn từ 6/11/2022 đến ngày 17/3/2023.

Bên cạnh việc giảm nợ vay ngắn hạn thì cuối quý 3/2022, MWG đã phát sinh khoản vay tín chấp dài hạn từ ngân hàng với lãi suất thả nổi nhằm bổ sung vốn lưu động có giá trị 5.901 tỷ đồng. Khoản vay này sẽ được đáo hạn vào ngày 15/9/2025.

Dù nợ vay năm 2022 giảm mạnh so với giai đoạn trước nhưng do lãi suất tăng leo thang đã khiến chi phí lãi vay vượt khoản lãi từ tiền gửi. Cả năm 2022, tổng chi phí lãi vay tại MWG ghi nhận hơn 1.382 tỷ đồng, tăng tới 102% so với năm 2021. Trong khi đó, lãi tiền gửi cả năm 2022 chỉ ghi nhận 854 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước.

Thế giới di động: Chi phí lãi vay đè nặng, thất bại với nhiều mô hình kinh doanh - Ảnh 1
Thế giới di động: Chi phí lãi vay đè nặng, thất bại với nhiều mô hình kinh doanh - Ảnh 2

Sự gia tăng của chi phí tài chính do mặt bằng lãi suất tăng cao và chi phí bán hàng đã khiến biên lãi thuần quý 4/2022 của công ty sụt mạnh xuống còn 2%, là quý thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý tới nay (2014).

Tính chung cả năm, doanh thu thuần của MWG tiếp tục lập kỷ lục với 133.405 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so với năm 2021 nhưng chỉ hoàn thành 95% mục tiêu năm. Lợi nhuận giảm sâu trong quý 4 đã kéo lãi ròng cả năm ngoái còn 4.100 tỷ, giảm 16% so với mức kỷ lục của 2021 và mới đạt 65% chỉ tiêu năm.

Từng thất bại với hàng loạt mô hình kinh doanh?

Hàng loạt chiến lược mở rộng thần tốc các chuỗi hiện hữu, đồng thời thử nghiệm thêm nhiều chuỗi mới trong vài năm qua khiến khoản vay nợ của Thế Giới Di Động liên tục tăng cao nhằm bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, một số thử nghiệm mô hình kinh doanh mới của MWG đã thất bại dù được quảng bá rộng rãi.

Mới đây nhất, doanh nghiệp thông báo sẽ chủ động dọn dẹp, thu hẹp chuỗi AVASport và Bluetronics do đánh giá không có tiềm năng đóng góp doanh thu/lợi nhuận đáng kể trong tương lai.

Một số thử nghiệm mô hình kinh doanh mới của MWG đã thất bại (nguồn ảnh: Internet).
Một số thử nghiệm mô hình kinh doanh mới của MWG đã thất bại (nguồn ảnh: Internet).

Cụ thể, MWG quyết định đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics tại Campuchia, do thị trường nhỏ và chính sách thuế khóa phức tạp; dự kiến đến quý 1/2023 sẽ hoàn tất.

MWG gia nhập thị trường Campuchia từ giữa năm 2017 khi mở cửa hàng điện thoại đầu tiên tại thủ đô Phnom Penh với tên gọi BigPhone. Sử dụng bộ nhận diện thương hiệu tương tự chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, công ty kỳ vọng mỗi cửa hàng thuộc chuỗi này có doanh số 2 tỷ đồng/tháng.

Đến cuối năm 2019, BigPhone được đổi tên thành Bluetronics để kinh doanh điện thoại lẫn điện máy. Bluetronics khi đó được ban lãnh đạo Thế Giới Di Động xem là bàn đạp cho tham vọng xâm nhập thị trường bán lẻ Đông Nam Á.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý 4/2022 cho thấy, Bluetronics liên tục lỗ từ 2017 đến nay. Năm 2021 và 2022 lỗ lớn nhất với 187 tỷ đồng và 330 tỷ đồng. Lỗ lũy kế 605 tỷ đồng.

Công ty quyết định đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics tại Campuchia, do thị trường nhỏ và chính sách thuế khóa phức tạp; dự kiến đến quý 1/2023 sẽ hoàn tất.

Với AVASport, đây là chuỗi chuyên bán thời trang thể thao được MWG khai trương hồi đầu năm 2022. Cửa hàng này bán đồ thể thao từ giày dép, quần áo, phụ kiện, dụng cụ tập luyện của các thương hiệu lớn trên thế giới như Nike, Adidas, Puma…

Theo công bố từ MWG, tính đến cuối năm 2022, hệ thống có tất cả 12 cửa hàng AVASport. Tuy nhiên, số liệu cập nhật mới nhất từ website của AVASport, hiện hệ thống chỉ còn 5 cửa hàng, nằm rải rác tại các quận 5, quận Bình Tân, quận 12 và tỉnh Bình Phước.

Giữa năm 2022, Thế Giới Di Động đã quyết định đóng chuỗi thời trang AVAFashion. Hệ sinh thái AVA của MWG ra mắt hồi năm 2022 sẽ chỉ còn AVAKid - chuỗi siêu thị kinh doanh sản phẩm dành cho mẹ và bé.

Trước đó, Thế giới di động cũng đã từng thất bại với trang thương mại điện tử Vui Vui. Ở thời điểm ra mắt năm 2016, MWG từng kỳ vọng Vui Vui sẽ tăng trưởng mạnh trong vòng 4-5 năm tham gia thị trường và vượt doanh thu chuỗi cửa hàng Thế giới di động. Công ty cũng không giấu tham vọng dẫn đầu ngành thương mại điện tử với đích đến vào năm 2020, cùng với đó là kế hoạch trở thành nhà bán lẻ đa ngành hàng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên, gần 2 năm sau trang thương mại điện tử này đã đóng cửa. Toàn bộ nền tảng website, hậu cần và giao nhận của vuivui.com đã được chính thức chuyển sang cho bachhoaxanh.com từ ngày 27/11/2018. MWG khi đó giải thích lý do khai tử Vui Vui là do quyết định tập trung vào thị trường online hàng tiêu dùng, vì quy mô thị trường này rất lớn. Thực tế, nguyên nhân chính là do việc hoạt động không hiệu quả khi doanh thu năm 2017 của Vui Vui chỉ đạt 73 tỷ đồng, chỉ bằng 0,1% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động năm 2017.

Từng được kì vọng vượt Thế Giới Di Động, Vuivui.com vẫn bị ‘khai tử’.
Từng được kì vọng vượt Thế Giới Di Động, Vuivui.com vẫn bị ‘khai tử’.

Ngoài ra, chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ, được mở vào tháng 8/2019 với kỳ vọng lấy thêm miếng bánh thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống. Tuy nhiên chưa đầy 1 năm sau ngày ra mắt, MWG đã đóng cửa chuỗi này.

Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty khi đó, mặc dù bình quân mỗi cửa hàng đạt doanh thu 250-300 triệu đồng/mỗi tháng nhưng đóng góp về mặt doanh số của chuỗi này quá nhỏ và lợi nhuận rất thấp vì giá bán sản phẩm rẻ. Một cửa hàng nhỏ gọn, doanh thu chỉ đến mức đó dù đầu tư thêm.

Cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ trong ngày khai trương hồi tháng 8/2019 (nguồn ảnh: Internet)
Cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ trong ngày khai trương hồi tháng 8/2019 (nguồn ảnh: Internet)

Còn nhớ năm 2019, MWG công bố thử nghiệm mô hình kinh doanh kính mắt bằng cách kê thêm tủ kính mắt tại cửa hàng điện thoại thuộc chuỗi Thế giới di động, nằm tại phường Phước Long B, quận 9, TPHCM. Đây cũng là cửa hàng đầu tiên bán mắt kính theo mô hình “shop in shop”. MWG khi đó cho rằng, cặp đôi đồng hồ và mắt kính thường đi chung với nhau và tập đoàn muốn tăng doanh thu từ mặt hàng này. Tuy nhiên, trong khi đồng hồ liên tục được công ty mở rộng thì mắt kính lại sớm bị "khai tử". Kết quả, đến tháng 3/2020, MWG lại quyết định ngừng bán kính mắt với lý do các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài có lợi thế về kính thuốc. Nếu đưa máy đo mắt vào các cửa hàng điện thoại, điện máy thì có phần không phù hợp.

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, tính đến 31/12/2022 hàng tồn kho về đồng hồ, mắt kính tại MWG ghi nhận hơn 420 tỷ đồng; hàng tồn kho về phụ kiện còn hơn 1.074 tỷ đồng.

Có thể thấy, chuỗi Thế giới di động và Điện Máy Xanh vẫn là động lực tăng trưởng chính của MWG. Ngoài ra, công ty cũng đang dồn lực cho 2 mô hình bán lẻ khác là Bách Hoá Xanh và chuỗi nhà thuốc An Khang. Tuy nhiên tính đến cuối năm 2022, Bách Hoá Xanh đang lỗ luỹ kế gần 7.200 tỷ đồng, còn An Khang lỗ luỹ kế gần 320 tỷ đồng.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT Thế Giới Di Động và cũng là người phụ trách hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh dự báo thị trường điện thoại và điện máy không mấy lạc quan.

6 tháng đầu năm tới, lãnh đạo MWG không kỳ vọng vào sự tăng trưởng và doanh nghiệp cũng không đặt mục tiêu mở mới thêm chuỗi TGDĐ và ĐMX trong thời điểm này. Nếu những tháng cuối năm tới, tuỳ tình hình thực tế, doanh nghiệp có thể xem xét đặt ra các mục tiêu khác.

Có thể thấy, so với giai đoạn trước đây, MWG đang rất thận trọng mở mới các chuỗi trong năm 2023.

 

Hà Phương 

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục