Thanh Xuân, Hà Nội: Dân khiếu kiện vì cải tạo hồ quá “mạnh tay”?

(Kinhdoanhnet)- Cải tạo sông hồ trong nội thành Hà Nội là một dự án mang ý nghĩa to lớn nhằm cải tạo môi trường sống cho người dân hướng đến một Thủ đô xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, các dự án này lại được thực hiện quá “mạnh tay” khiến cho nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

Liên lạc đến đường dây nóng của báo Kinh doanh & Pháp luật, nhiều hộ dân hiện đang sinh sống trong khu vực dự án Cải tạo hồ Khương Trung I (thuộc dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - Dự án II) tỏ ra bức xúc trước cách thực hiện chưa “thấu lý, đạt tình” từ phía chính quyền.

Gia đình bà Nguyễn Thị Minh Hải (trú tại tổ 19 phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một hộ gia đình nằm trong dự án này.

Theo thông tin bà Hải cung cấp, toàn bộ diện tích 23,5m2 tại tổ 19, phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội của gia đình bà Hải nằm cách hồ Khương Trung I khá xa. Đây là diện tích đất gia đình bà Hải nhận chuyển nhượng từ bà Đỗ Thị Minh. Khi nhận chuyển nhượng, trên đất đã có ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ trước năm 2004. Mặc dù việc xây dựng này không có phép, từ thời điểm xây dựng đến khi có quyết định thu hồi, các cơ quan chức năng không hề có văn bản ngăn chặn hay xử lý hành chính đối với việc xây dựng đó.

Thanh Xuân, Hà Nội: Dân khiếu kiện vì cải tạo hồ quá “mạnh tay”? - Ảnh 1

  Đơn khiếu nại của gia đình bà Nguyễn Thị Minh Hải về quyết định cưỡng chế thu hồi đất còn nhiều bất cập

Trong đơn khiếu nại gửi đến UBND quận Thanh Xuân, bà Hải cho rằng quyết định cưỡng chế số 691/QĐ-CTUBND ngày 9/2/2015 không phù hợp với những cam kết của Ban Bồi thường – GPMB quận Thanh Xuân và Ban quản lý dự án cải tạo hồ Khương Trung I.

Cụ thể: “Trong cuộc họp ngày 6/2/2015, ông Đào Duy Cường- Phó Giám đốc Ban QLDA đã trả lời với các hộ dân rằng: Thứ nhất, Ban QLDA sẽ hướng dẫn việc xác nhận đối tượng được mua nhà ở xã hội; thứ hai, Ban QLDA sẽ cung cấp đầy đủ thông tin đến các hộ dân để các hộ dân biết thời gian, địa điểm để các hộ dân lựa chọn và làm thủ tục mua nhà ở xã hội. Việc thuê mua nhà ở xã hội phải đặt trong tổng thể quy hoạch dự án, do đó cần phải giải quyết thống nhất với kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất”.

“Tuy nhiên, trong khi người dân vẫn đang mơ hồ với vấn đề thuê mua nhà ở xã hội và chính quyền vẫn chưa có một phương án, lộ trình cụ thể cho việc thuê mua nhà ở xã hội thì UBND quận Thanh Xuân đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất với hàng chục hộ dân, đẩy chúng tôi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, bà Hải bức xúc.

Hộ gia đình bà Hải thuộc diện bị thu hồi toàn bộ đất nên phải di chuyển chỗ ở. Tuy nhiên theo phương án bồi thường, số tiền gia đình bà nhận được ít ỏi đến đáng thương: 10.587.000 đồng (mười triệu năm trăm tám mươi bảy triệu đồng) cho hơn 20m2 đất. Bên cạnh đó, gia đình bà Hải cũng không được nhận bất kỳ một khoản hỗ trợ nào khác (như hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ tiền thuê nhà ở trợ thời gian chờ tạo lập chỗ ở mới…) và cũng không được bố trí tái định cư.

Bi đát hơn, gia đình bà Đỗ Ngọc Loan, người cũng trong diện giải phóng mặt bằng rưng rưng cầm quyết định thu hồi cho PV biết: “Vợ chồng chúng tôi đã về hưu sau bao năm cống hiến cho đất nước, nay chỉ còn chỗ chui ra chui vào duy nhất này. Nay, nhà nước thu hồi chúng tôi không được tái định cư và chỉ được đền bù vài chục triệu, rồi đây chắc chắn sẽ rơi vào cảnh màn trời chiếu đất cho đến hết đời”

Thanh Xuân, Hà Nội: Dân khiếu kiện vì cải tạo hồ quá “mạnh tay”? - Ảnh 2

 Quyết định cưỡng chế photo được dán trên cửa nhà bà Đỗ Ngọc Loan 

Trao đổi với PV báo Kinh doanh & Pháp luật, bà Loan cũng tỏ ra thắc mắc trước cách bàn giao quyết định cưỡng chế “lạ lùng” của phía chính quyền: “Gia đình tôi cũng như hầu hết các hộ dân bị thu hồi đất đều nhận được Quyết định cưỡng chế thu hồi đất bản photo, không đủ giá trị pháp lý được dán trước cửa nhà từng hộ dân. Khi giao quyết định, nếu gia đình tôi vắng mặt thì UBND cấp xã/phường phải lập biên bản mà không thể dán quyết định trước cửa nhà dân”.

“Điều này đã vi phạm khoản d, Điều 70, Luật Đất đai 2013 về điều kiện tiến hành cưỡng chế”, bà Loan cho biết.

Điều đáng nói đây chỉ là dự án cải tạo hồ điều hòa Khương Trung nên chỉ cần xây kè, nạo vét lòng hồ, trồng cây xanh bao quanh hồ là đủ. Tuy nhiên, khi tham khảo bản đồ quy hoạch người dân nhận thấy việc thu hồi đất của 26 hộ dân nằm sâu phía trong và không thuộc đường ven hồ đã tạo nên một đường cong khó hiểu và không có bất kỳ một ý nghĩa hay giá trị nào đối với dự án này?

Rất nhiều hộ dân khác cũng có cùng thắc mắc, quan điểm như trên đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng giải thích rõ về mục đích của việc thu hồi đất nhiều hơn mức cần thiết của dự án. Nhưng đến nay, các hộ dân vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Nam Hưng

Mọi thông tin phản ánh, kiến nghị của quý độc giả xin vui lòng gọi số: 0904309996 hoặc email: banbandockdpl@gmail.com

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục