Do đó, một khối lượng rất lớn tài nguyên đang bị “chảy máu”, cũng như gây đảo lộn cuộc sống hàng ngày của những hộ dân xung quanh nơi đây. Có mặt tại địa phận xã Sơn Thủy, PV mới được tận mắt chứng kiến cảnh khai thác khoáng sản đang diễn ra rất sôi động và công khai.
Tài nguyên khoáng sản đang bị “chảy máu”.
Các chuyến xe trung chuyển tài nguyên nối đuôi nhau chạy trên những con đường bê tông mà Nhà nước và nhân dân vừa làm xong còn khá mới. PV cũng thấy vô cùng khó hiểu, vì sao mà chính quyền từ cấp xã cũng như cấp huyện vẫn không có động thái gì khi khoáng sản nơi đây mỗi ngày bị "chảy máu".
Thời gian gần đây, người dân xã Sơn Thủy rất bức xúc vì tình trạng khai thác khoáng sản đang diễn ra. Trong quá trình khai thác đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, xe trung chuyển khoáng sản rơi vãi ra đường, mưa thì trơn trượt, nắng thì bụi mù.
Để tìm hiểu rõ vấn đề này, ngày 6/3/2019, PV đã về làm việc với UBND xã Sơn Thủy về tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn xã thì được ông Nguyễn Bá Hùng - Chủ tịch xã cho biết là có giấy phép khai thác và cung cấp giấy phép hạ cốt nền đất trồng lâu năm và đất rừng.
Theo đó, ngày 27/2 và 14/5/2018, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện và ông Khổng Danh Đạt - Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy đã ký Quyết định số 185/UBND-TNMT; Quyết định số 505/UBND-TNMT và Quyết định số 506/UBND-TNMT cho 3 hộ: Hộ ông Trần Quang Sơn; hộ ông Nguyễn Xuân Hương và hộ ông Nguyễn Bá Tửu ở khu 5, xã Sơn Thủy cải tạo đất trồng rừng với thời hạn là 90 ngày và 120 ngày kể từ ngày ký. Thế nhưng tại thời điểm PV phản ánh thì các giấy phép này đã hết hạn mấy tháng nay nhưng vẫn khai thác. Và đến nay, chính quyền xã Sơn Thủy và các cơ quan chuyên môn mà đặc biệt là 2 vị lãnh đạo UBND huyện Thanh Thủy vẫn không có động thái gì trước hoạt động khai thác khoáng sản đang diễn ra rầm rộ trên địa bàn khiến dư luận hết sức bất bình và trên thực tế PV nhận thấy, không có vị trí nào được san lấp để cải tạo mặt bằng như trong giấy phép.
Các phương tiện khai thác khoáng sản rầm rộ trên địa bàn huyện Thanh Thuỷ.
Làm việc với PV, ông Nguyễn Anh Tùng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Thủy cho biết: "Về Vấn đề này, chúng tôi xin tiếp thu và sẽ tìm hiểu. Vì ở phòng tôi hiện tại rất thiếu cán bộ nên cũng không sâu sát nắm được tình trạng khai thác này. Từ cuối năm 2018, UBND huyện đã không cấp phép mới khai thác khoáng sản trên địa bàn".
Từ thực trạng trên nhận thấy, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại huyện Thanh Thủy còn khá lỏng lẻo, bộc lộ không ít hạn chế, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, không những làm thất thu ngân sách Nhà nước mà còn gây ra những hậu quả xấu cho môi trường và xã hội. Một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên đã bị trục lợi, những khoản tiền khổng lồ không biết sẽ chảy về đâu.
Trong các bài báo tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc những bất cập trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện.
KD&PL