Trong ngày 4/11/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 3799/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà, trên địa bàn xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cụm công nghiệp này có diện tích sử dụng đất khoảng 23,36 ha.
Tổng mức đầu tư Cụm công nghiệp Vạn Hà là 189 tỉ đồng và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Lam Kinh là đơn vị thực hiện xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật. Cụm công nghiệp Vạn Hà có ngành nghề hoạt động là sản xuất hàng chăn ga, thời trang may mặc và giầy da, nội thất, điện, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ (không được thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp đối với các cơ sở sản xuất, kho tàng có mức độ độc hại cấp I, cấp II theo quy định tại mục 2.5.1 của QCVN 01:2021/BXD; các dự án sản xuất giấy, bột giấy, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng)…
Cùng ngày, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 3800/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Thạch Bình huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa có diện tích sử dụng đất khoảng 68,74 ha. Vị trí, phạm vi được xác định: phía Đông Bắc giáp đất nông nghiệp, kế tiếp là đường tỉnh lộ 516; phía Đông Nam giáp kênh thoát nước kế tiếp là đê sông Bưởi khoảng 80m; phía Tây Nam giáp đất nông nghiệp và phía Tây Bắc giáp đất nông nghiệp.
Ngành nghề hoạt động trong cụm công nghiệp là phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng; điện tử; cơ khí; sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn; may mặc, da giày; chế biến nông, lâm sản. Tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 490 tỉ đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH FDI Thạch Bình. Thời gian thực hiện được bắt đầu từ quý IV.2022 và đến trước ngày 1.4.2025 phải hoàn thành toàn bộ hạ tầng cụm công nghiệp…
Tiếp theo, đến ngày 18/11/2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Mai Xuân Liêm ký đã ký Quyết định số 3968/QĐ – UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Ngọc Vũ (địa điểm tại xã Thiệu Ngọc và xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa) có diện tích khoảng 48,6 ha.
Ngành nghề hoạt động là sản xuất hàng chăn ga, thảm dệt, thời trang may mặc và giầy da, nội thất, điện, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, thức ăn gia súc, gia cầm. Do Công ty TNHH Thanh Hưng Group làm Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Với tổng mức đầu tư dự án khoảng 350 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu 52,5 tỷ đồng, chiếm 15%. Còn lại là vốn vay và vốn huy động khác.
Được biết, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030 sẽ hình thành 134 CCN với tổng diện tích 5.966,1 ha. Trong đó: Vùng đồng bằng 67 cụm, với diện tích 3.044,1 ha; vùng ven biển 29 cụm, với diện tích 1.415,9 ha; vùng miền núi 38 cụm, với diện tích 1.506,1 ha.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết