Thanh Hoá dẫn đầu thị phần bất động sản công nghiệp khu vực miền Trung

Theo thống kê của VCCA, Thanh Hóa cùng với Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Nam và Quảng Ngãi đang là 5 tỉnh dẫn đầu tổng thị phần bất động sản công nghiệp toàn khu vực miền Trung. Trong đó Thanh Hoá chiếm 19% thị phần, đứng đầu khu vực.

Theo báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA) trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, Thanh Hóa hiện đang là tỉnh có quy mô bất động sản công nghiệp lớn nhất tại miền Trung.

Hiện nay, Thanh Hóa cùng với Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Nam và Quảng Ngãi đang là 5 tỉnh dẫn đầu, chiếm hơn 60% tổng thị phần bất động sản công nghiệp toàn khu vực miền Trung.

Địa phương này đang có 12,1 nghìn ha đất quy hoạch, chiếm 19% thị phần toàn khu vực. Với quy mô kinh tế đứng thứ 8 và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, VCCA cho rằng trong tương lai gần Thanh Hóa sẽ có sự phát triển mạnh mẽ về bất động sản công nghiệp, nhiều tiềm năng trở thành một trong những khu công nghiệp lớn của cả nước.

Thị phần bất động sản công nghiệp miền Trung theo tỉnh thành (Nguồn: VCCA).
Thị phần bất động sản công nghiệp miền Trung theo tỉnh thành (Nguồn: VCCA).

Theo số liệu tổng hợp, thị trường bất động sản công nghiệp miền Trung đang có khoảng 260 dự án khu công nghiệp được đưa vào quy hoạch, tổng quy mô là 62,8 nghìn ha. Trong đó, khu công nghiệp Nghi Sơn, Thanh Hóa là khu công nghiệp có quy mô diện tích dẫn đầu khu vực, với mức thị phần 14,4% tương đương với 9.057 ha.

Diện tích khu công nghiệp này gấp gần ba lần so với hai khu công nghiệp liền kề là cụm công nghiệp Sa Huỳnh, Quảng Ngãi (quy mô 3.369 ha, chiếm 5,37% thị phần) và khu công nghiệp WHA Hemaraj 1, Nghệ An (quy mô 3.200 ha, chiếm 5,1% thị phần).

Còn lại, hầu hết các khu công nghiệp tại thị trường bất động sản công nghiệp miền Trung không có mức thị phần quá cao, chỉ dao động ở mức 1 - 4%.

Nhận định chung về thị trường bất động sản công nghiệp miền Trung, theo VCCA, thị trường bất động sản khu vực này vốn kém phát triển hơn hai khu vực còn lại do những khó khăn về địa hình, khí hậu và quỹ đất chủ yếu là đất nông nghiệp. Tuy nhiên trong những năm gần đây, miền Trung thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, tạo tiền đề cho sự phát triển mới trong lĩnh vực bất động sản của khu vực này.

Về mức độ cạnh tranh, chỉ số CR và HHI của thị trường miền Trung mức thấp so với ngưỡng gây hạn chế. Điều này cho thấy rằng thị trường đang có mức độ cạnh tranh cao, mức tập trung thị trường thấp, chưa có khu công nghiệp nào chiếm lĩnh thị trường và các khu công nghiệp đều có mức thị phần phân bổ đồng đều.

Mạnh Linh

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục