Thanh Hóa: Công ty Minh Tuấn vừa hợp tác, vừa đối đầu trong nhiều cuộc thầu trên “sân nhà”

Công ty Minh Tuấn đã trúng hàng loạt gói thầu có giá trị lớn nhưng tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu lại rất thấp, nhiều gói dưới 1%. Đáng chú ý, công ty có những mối quan hệ “thất thường” với một số nhà thầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khi lúc thì liên danh trúng thầu, lúc lại là đối thủ của nhau.

Nhà thầu quen, tiết kiệm ngân sách “nhỏ giọt”

Tổng công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn (sau gọi tắt là công ty Minh Tuấn – PV) được thành lập năm 2008 với mã số thuế 2800177514. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng nhà để ở.

Trụ sở công ty được đặt tại số 45 phố Cao Sơn, phường An Hưng, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Ông Nguyễn Thanh Quân là người đại diện kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Công ty Minh Tuấn được biết đến là nhà thầu lớn và "quen mặt" trong các dự án thi công xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Kể từ khi được phê duyệt trên mạng đấu thầu Quốc gia vào năm 2016, công ty đã tham gia 75 gói thầu, trúng 60 gói với tổng giá trị hơn 6,3 nghìn tỷ đồng, trong đó có 42 gói thầu được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa.

Dữ liệu về công ty Minh Tuấn trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia. (Ảnh chụp màn hình ngày 30/8/2023).
Dữ liệu về công ty Minh Tuấn trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia. (Ảnh chụp màn hình ngày 30/8/2023).

Tỉ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán đạt 97,9%, tức tỉ lệ tiết kiệm trung bình chỉ 2,1%. Đáng chú ý, sau khi khảo sát 10 gói thầu có giá trị lớn nhất mà công ty Minh Tuấn đã trúng (trong cả vai trò độc lập và liên danh), PV nhận thấy có những gói thầu giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm vài trăm triệu đồng, tỉ lệ tiết kiệm không tới 1%.

Khảo sát 10 gói thầu có giá trị lớn nhất mà công ty Minh Tuấn đã trúng trong cả vai trò liên danh và độc lập (theo thứ tự giá từ cao xuống thấp) với tổng giá trị trúng thầu 3,9 nghìn tỷ đồng, tiết kiệm 8,6 tỷ đồng, tỉ lệ trung bình 0,22%.
Khảo sát 10 gói thầu có giá trị lớn nhất mà công ty Minh Tuấn đã trúng trong cả vai trò liên danh và độc lập (theo thứ tự giá từ cao xuống thấp) với tổng giá trị trúng thầu 3,9 nghìn tỷ đồng, tiết kiệm 8,6 tỷ đồng, tỉ lệ trung bình 0,22%.

Đơn cử như gói thầu xây lắp số 01XL năm 2021 tại ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên, Trưởng ban Nguyễn Xuân Hùng đã phê duyệt cho Minh Tuấn và 4 thành viên khác trong liên danh trúng thầu với giá 1,17 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên số tiền tiết kiệm chỉ 3,4 tỷ đồng, tương ứng tỉ lệ 0,29%.

Hay như gói thầu thi công xây dựng năm 2022 tại UBND huyện Hà Trung, liên danh Minh Tuấn – Hoàng Tuấn – Giao thông I đã trúng thầu với giá 380,3 tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm “vỏn vẹn” hơn 400 triệu đồng cho ngân sách Nhà nước, tương đương 0,11%.

Cũng trong năm 2022 tại UBND huyện Hà Trung, công ty Minh Tuấn là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng gói thầu xây lắp số 07 với giá 114,3 tỷ đồng, tiết kiệm được 341,9 triệu đồng, đạt tỉ lệ “tượng trưng” 0,3%.

Hiện trạng này cũng xảy ra tại một số gói thầu khác như gói thầu số 02 năm 2022 tại ban QLDA Đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa có giá trúng thầu 719,4 tỷ đồng, tiết kiệm 1,3 tỷ đồng (tương ứng 0,18%); gói thầu số 4 năm 2020 tại sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa có giá 425,5 tỷ đồng, tiết kiệm 381,4 triệu đồng (0,09%)…

Cũng cần phải nói rõ, tỉ lệ tiết kiệm được coi là thước đo đánh giá hiệu quả chi tiêu ngân sách của mỗi địa phương, đơn vị. Thực tế, tỉ lệ tiết kiệm càng cao càng có lợi cho ngân sách đầu tư công.

Tỉ lệ giá trúng thầu so với giá dự toán tại các đơn vị chủ đầu tư mà công ty Minh Tuấn đã tham gia dự thầu luôn ở mức cao, đồng nghĩa với việc tỉ lệ tiết kiệm trung bình của các gói thầu sẽ rất thấp, khó tiết giảm được cho ngân sách Nhà nước. (Ảnh chụp màn hình trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia).
Tỉ lệ giá trúng thầu so với giá dự toán tại các đơn vị chủ đầu tư mà công ty Minh Tuấn đã tham gia dự thầu luôn ở mức cao, đồng nghĩa với việc tỉ lệ tiết kiệm trung bình của các gói thầu sẽ rất thấp, khó tiết giảm được cho ngân sách Nhà nước. (Ảnh chụp màn hình trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia).

Luân phiên “liên danh - đối thủ” cùng các nhà thầu “đồng hương”

Kể từ khi việc công khai hợp đồng đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia được quy định, hiện tượng nhà thầu đấu thầu theo “cặp” trên cùng một địa bàn không khó để nhận ra. Có những cặp nhà thầu lúc thì liên danh với nhau nhưng trong cuộc đấu thầu khác lại trở thành đối thủ của nhau.

Theo nghiên cứu của PV, công ty Minh Tuấn đã “song hành” cùng Tổng công ty Công trình giao thông I Thanh Hóa – CTCP (Sau gọi tắt là công ty Giao thông I; MST: 2800803835; địa chỉ: Núi Một, xã Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa) trong 7 gói thầu tại các đơn vị chủ đầu tư khác nhau.

Cụ thể, gói thầu XL04 năm 2018 tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã “đánh dấu” lần đầu tiên 2 doanh nghiệp kết hợp cùng nhau để tham dự thầu. Tuy nhiên, liên danh này đã bị loại cùng với công ty TNHH Yên Long và CTCP Xây dựng 465 với lí do không đạt ĐGSB (đánh giá sơ bộ - PV). Đơn vị trúng thầu là liên danh Vạn Thành – VHS.

Gói thầu mà công ty Minh Tuấn cùng công ty Giao thông I đã từng tham dự tại các đơn vị chủ đầu tư khác nhau.
Gói thầu mà công ty Minh Tuấn cùng công ty Giao thông I đã từng tham dự tại các đơn vị chủ đầu tư khác nhau.

Thế nhưng, đến năm 2020, hai doanh nghiệp lại trực tiếp đối đầu nhau trong gói thi công xây dựng số 04 do UBND huyện Hà Trung tổ chức. Kết quả, công ty Minh Tuấn trúng thầu với giá 83,8 tỷ đồng, còn công ty Giao thông I trượt thầu vì không đạt ĐGKT (đánh giá kỹ thuật – PV).

Giai đoạn năm 2021 – 2022, sau những lần ở hai đầu “chiến tuyến”, Minh Tuấn và Giao thông I lại kết hợp cùng nhau và trúng liên tiếp 4 gói thầu khác. Trong đó, 2 doanh nghiệp này cùng các thành viên khác trong liên danh “một mình một ngựa” trúng 3 gói thầu tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên và UBND huyện Hà Trung.

Chỉ duy nhất tại gói thi công xây dựng số 05 năm 2022 tại ban QLDA đầu tư Công trình giao thông Thanh Hóa, liên danh Minh Tuấn – Giao thông I có đối thủ cạnh tranh. Sau cùng thì 2 công ty này vẫn trúng thầu với giá 99,4 tỷ đồng, còn liên danh Hà Nam – Hồng Hải trượt thầu do không đạt ĐGKT.

Ngoài công ty Giao thông I, Minh Tuấn cũng có mối quan hệ tương tự với công ty Cổ phần Tân Thành (công ty Tân Thành – PV; MST: 2800176140; địa chỉ: 01 phố Tây Sơn, thành phố Thanh Hóa).

Cụ thể, năm 2018, tại gói thầu xây lắp số 01 do ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh, công ty Minh Tuấn đã đối đầu với Tân Thành và liên danh Thành Đô – 38. Kết quả, công ty Tân thành trúng thầu với giá 9,1 tỷ đồng.

Các gói thầu mà công ty Minh Tuấn tham dự cùng công ty Tân Thành. (Ảnh chụp màn hình từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia ngày 9/6/2023)
Các gói thầu mà công ty Minh Tuấn tham dự cùng công ty Tân Thành. (Ảnh chụp màn hình từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia ngày 9/6/2023)

Đến giai đoạn năm 2019 – 2020, hai công ty đã kết hợp cùng nhau, liên tiếp trúng 2 gói thầu sửa chữa và xây lắp công trình với giá lần lượt là 21,2 tỷ đồng và 11,6 tỷ đồng. Cả hai gói thầu này đều được tổ chức bởi ban QLDA Giao thông III Thanh Hóa. Cả 3 nhà thầu đều có trụ sở đặt tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Công ty Minh Tuấn đã có nhiều lần vay vốn tại ngân hàng, dùng các loại máy móc, thiết bị thi công, xe ô tô,… và đặc biệt là các hợp đồng thi công để làm tài sản bảo đảm. Đơn cử như hợp đồng số 109974.22.840.2260773.BD tại MBBank chi nhánh Thanh Hóa ký ngày 22/12/2022, tài sản bảo đảm là các khoản phải thu hình thành từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 996/BQLDA/2022/HĐXD ngày 22/12/2022 được ký kết giữa công ty Minh Tuấn và ban QLDA ĐTXD huyện Đông Sơn.

Hay như hợp đồng số 145206.23.840.2260773.BD ký ngày 28/6/2023 cũng tại MBBank chi nhanh Thanh Hóa, tài sản bảo đảm là các khoản phải thu hình thành từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 83/2023/HĐ-TCXD ngày 22/06/2023 giữa Minh Tuấn và ban QLDA ĐTXD thành phố Thanh Hóa.

Ngọc Bảo

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục