Thuốc corticoid được gọi đầy đủ là glucocorticoid. Trong cơ thể chúng ta có 2 corticoid thiên nhiên được tiết ra từ vỏ thượng thận (là tuyến úp trên 2 quả thận), gồm cortison và hydrocortison. Thuốc corticoid dùng trong điều trị gồm nhiều loại: dexamethason (thường gọi nôm na là “đề xa” hay “hột dưa” vì thuốc có dạng viên hình hạt dưa), prednison, prednisolon, methylprednisolon, triamcinolon….
Thận trọng với những tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc corticoid
Về phương diện chữa bệnh, corticoid là thuốc rất quý do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch. Corticoid dùng để chống viêm, giảm đau, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, corticoid còn có nhiều tác dụng khác nhau ảnh hưởng đến sự chuyển hóa chất đường, chất đạm, chất béo, sự cân bằng nước và muối khoáng, hệ tim mạch, thần kinh, cơ xương cùng nhiều cơ quan khác. Vì thế, cơ thể có vẻ như mập ra và tăng trọng khi uống corticoid liên tục, kéo dài (mà một số người cứ tưởng rằng tốt) nhưng lại là biểu hiện một tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc.
Do corticoid có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể gây phù, gây rối loạn chuyển hóa lipid, làm đọng mỡ lại ở trên mặt, cổ và lưng nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ béo phì, mặt tròn như mặt trăng nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ (đây là các biểu hiện trong hội chứng có tên Cushing). Thuốc còn gây cảm giác thèm ăn, làm cho người dùng ăn ngon hơn.
Bên cạnh đó, thuốc có các tác dụng phụ nguy hiểm khác, như: làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng (dễ bị lao và các bệnh nấm). Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận. Bởi lẽ, tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết và như thế là rất nguy hiểm.
Còn BS. Nguyễn Phúc Cẩm Anh, nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM - thành viên Hiệp hội Thẩm Mỹ Y khoa Hoa Kỳ cho biết, corticoid được dùng dạng uống, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp và tiêm tại chỗ hay bôi da tại chỗ. Corticoid dùng lâu dài thường gây nhiều biến chứng như: giảm khả năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ thể, rối loạn hoạt động nội tiết và các biến chứng: đái tháo đường, hội chứng Cushing, cao huyết áp, đặc biệt là hiện tượng nghiện corticoid.
Corticoid bôi da có đặc điểm tác dụng chống viêm, chống dị ứng rất mạnh, nhưng chỉ trị ngọn mà không trị tận gốc của bệnh. Ngoài ra, thuốc này làm da căng mọng, trắng, không một nếp nhăn hay tỳ vết do tác dụng giữ nước mạnh hay là hiện tượng phù da. Những tác dụng trên làm cho người dùng làm đẹp rất thích và nhầm tưởng đó là sản phẩm tốt. Tuy nhiên, corticoid là chất độc bảng B theo phân loại của Bộ Y tế, gây biến chứng và gây nghiện.
Nói cho đúng nghĩa thì corticoid nguy hiểm như “ma túy” vì nó vừa là thuốc chống viêm mạnh hiệu quả nhanh nhưng chỉ điều trị triệu chứng, không điều trị nguyên nhân viêm; gây lệ thuộc thuốc và hiệu ứng phản hồi, do vậy khi dừng thuốc thì vấn đề da trở lại còn nặng hơn trước nhiều.
Ngoài ra, corticoid còn làm yếu hệ thống bảo vệ của da nên dễ bị nhiễm trùng da lan rộng; làm giảm đến mất khả năng sinh sản của tế bào da, gây tình trạng teo, da mỏng, chảy nhão. Làn da mỏng ấy dễ bị tàn phá bởi yếu tố có hại từ bên ngoài như nắng, gió, bụi, ô nhiễm.
Hoài Anh (Theo Người lao động, Sức khỏe & đời sống)