Thận trọng với những bộ phận có độc ở rau củ quả

(Kinhdoanhnet) - Nhiều loại rau củ quả rất ngon và tốt cho sức khỏe nhưng những bộ phận khác trên cây có thể ẩn chứa độc tố gây nguy hiểm.

Ths. Hồng Sơn – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, việc tận dụng tất cả các bộ phận của rau củ để cho vào chế biến là một biện pháp tránh lãng phí những dưỡng chất từ thực phẩm. Tuy nhiên, có những bộ phận từ thực vật tuyệt đối không nên chế biến thành bất kỳ món ăn nào bởi chúng sẽ gây độc cho cơ thể. Cụ thể:

Thận trọng với những bộ phận có độc ở rau củ quả - Ảnh 1
Trong khoai tây, solanin gây ngộ độc tập trung chủ yếu ở cành và các mầm

Cành và mầm khoai tây

Khoai tây thuộc họ Cà là họ gồm những loài thực vật ưa bóng râm và tất cả những loài thuộc họ này đều có chứa độc tố có tên gọi solanin. Bạn có biết rằng trong tác phẩm Macbeth rất nổi tiếng của Shakespeare, vua xứ Scotland là Macbeth đã sử dụng một loài thực vật cùng họ với khoai tây là cà độc dược để đầu độc những kẻ địch từ Đan Mạch.
Trong khoai tây, solanin tập trung phần lớn ở cành và các mầm, do vậy bạn cần lưu ý cắt bỏ hết những bộ phận này trước khi chế biến chúng. Ngoài ra, những củ khoai tây xanh cũng đặc biệt chứa hàm lượng solanin rất cao.

Lá và hoa của cây cà tím

Cà tím là một thành viên khác của các cây họ Cà khét tiếng. Khác với khoai tây, solanin trong cà tím thường thường tập trung nhiều nhất ở lá và hoa. Do đó, bạn không nên thử chế biến những bộ phận này.

Lá cà chua

Cà chua cũng thuộc một nhánh của các cây họ Cà. Cà chua đã từng là loài thực vật gây nỗi sợ hãi ở châu Âu trong vòng hơn 200 năm sau khi được đưa từ Mỹ sang và chỉ được sử dụng với mục đích trang trí mãi cho tới những năm 1800. Bởi lá cà chua có chứa một lượng nhỏ solanin và tomatin có thể gây rối loạn tiêu hóa nếu ăn quá nhiều một lúc (liều tối thiểu để gây tử vong vào khoảng hơn 450 gram).

Hạt táo

Thận trọng với những bộ phận có độc ở rau củ quả - Ảnh 2
Khoảng 200 hạt táo được nhai kỹ có thể tạo ra một liều cyanid đủ để gây tử vong

Có thể bạn chưa biết rằng trong hạt táo có chứa các chất độc cyanid. Cụ thể hơn, chúng có chứa amygdalin, một chất có thể giải phóng cyanid khi tiếp xúc với các enzyme tiêu hóa của đường ruột.

Bình thường, lớp vỏ ngoài rắn chắc của hạt táo giúp ngăn cản hiện tượng này xảy ra, trừ khi bạn nhai nát hạt táo trước khi nuốt nó vào bụng. Khi tiêu thụ thì khoảng 200 hạt táo được nhai kỹ có thể tạo ra một liều cyanid đủ để gây tử vong. Hơn nữa, loại hạt này có vị không hề hấp dẫn nên tốt nhất là bạn hãy loại bỏ chúng trước khi ăn.

Quả của cây măng tây

Nếu bạn đã từng trồng măng tây, bạn sẽ để ý thấy rằng những cây cái cho ra những quả mọng màu đỏ trông rất hấp dẫn (hầu hết những cây được lai tạo ngày nay đều là giống đực và không có quả). Tuy nhiên, đừng dại dột mà động vào chúng! Những quả mọng này có thể khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu do sự hiện diện của các sapogenin, một chất độc nhẹ đối với con người và có thể gây ngộ độc cho động vật. Nếu ăn những quả mọng này, chúng sẽ khiến bạn bị nôn mửa và tiêu chảy.

Ngoài những bộ phận từ thực vật trên thì nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo là nên thận trọng khi ăn sắn. Bởi mặc dù củ sắn giàu tinh bột nhưng các bộ phận khác như rễ, thân và lá đều có chứa chất độc hại. Và ngay lớp vỏ củ sắn cũng chứa glycosides. Nếu trong quá trình hấp, nấu canh, đồ xôi mà không nấu chín kỹ hay bóc sạch vỏ có khả năng gây ngộ độc.

Dung Nguyễn (Theo SK&ĐS, GĐVXH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục