Thái Lan bắt đầu trưng cầu dân ý về hiến pháp mới

(Kinhdoanhnet) - Hôm nay 7/8, người dân Thái Lan bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới do lực lượng quân đội đưa ra kể từ sau đảo chính năm 2014.

Bắt đầu từ 8 giờ sáng 7/8, tất cả các điểm bỏ phiếu trên toàn đất nước Thái Lan đã mở cửa để đón hơn 50 triệu cử tri đến bày tỏ ý kiến của về dự thảo hiến pháp mới, văn kiện chế định hệ thống chính trị cũng như con đường phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia này trong tương lai.

Thái Lan bắt đầu trưng cầu dân ý về hiến pháp mới - Ảnh 1
Khoảng 50 triệu cử tri tại Thái Lan tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: Reuters

Bản hiến pháp mới dự kiến sẽ mở đường cho tổng tuyển cử vào năm tới nhưng sẽ buộc Thái Lan phải vận hành theo điều kiện do lực lượng quân đội đưa ra.

Theo Reuters, cuộc trưng cầu dân ý là phép thử lớn đầu tiên của hội đồng quân sự do Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người đã đàn áp một loạt các hoạt động chính trị trong suốt hai năm kể từ khi ông đảo chính vào 2014.

Thủ tướng Prayuth đã tuyên bố ông sẽ không từ chức nếu người Thái phản đối dự thảo hiến pháp và rằng một cuộc tổng tuyển cử sẽ vẫn diễn ra vào năm tới bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.

Có hai vấn đề sẽ được nêu ra trưng cầu ý kiến của người dân Thái Lan. Câu hỏi thứ nhất là họ có đồng ý với dự thảo bản hiến pháp mới với nhiều thay đổi về cấu trúc chính trị và hệ thống bầu cử hay không. Câu hỏi thứ hai là liệu họ có chấp nhận một Thượng viện được chính quyền hiện tại chỉ định và có quyền cùng Hạ viện tham gia bầu chọn thủ tướng mới hay không. 

Các thăm dò dư luận cho thấy bản hiến pháp mới có thể được thông qua với tỉ lệ sát sao. Nhưng phần lớn các cử tri hiện vẫn phân vân chưa quyết định là sẽ bỏ phiếu thế nào. 

Theo Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) dự kiến các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa lúc 16 giờ và đến 21 giờ ngày 7/8 sẽ có kết quả kiểm 95% số phiếu trong khi kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng 3 ngày sau đó. 

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục