Mới đây tại trụ sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Techcombank có địa chỉ tại 191 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã xuất hiện 4 cháu bé khoảng tầm 9 đến 10 tuổi, giơ bìa carton ghi dòng chữ "Ngân hàng Techcombank thu giữ tài sản trái phép, đàn áp khách hàng"; "Ngân hàng chiếm giữ tài sản trái phép của bà Phan Thị Hồng ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội"; "Trả lại tài sản cho chúng tôi".
Techcombank bị khách hàng “bêu” trên phố.
Người đứng đằng sau vụ việc này là vợ chồng bà Phan Thị Hồng và ông Phan Ích Trí trú tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Theo thông tin từ phía ngân hàng Techcombank vào thời điểm cuối tháng 8 năm 2011, bà Hồng cùng ông Trí đã mang thế chấp tài sản tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất để đảm bảo nghĩa vụ tại ngân hàng theo hợp đồng đã kí kết.
Trong quá trình vay vốn, hai ông bà đã không hoàn trả bất kì khoản nợ lãi hay nợ gốc nào cho ngân hàng, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trả nợ, không thực hiện nghĩa vụ quy định tại hợp đồng đã kí kết. Vì vậy đến ngày 12/12/2011, ngân hàng Techcombank gửi bà Hồng và ông Trí thông báo vi phạm nghĩa vụ và thu hồi toàn bộ khoản nợ. Sau đó mặc dù ngân hàng đã nhiều lần thông báo, đôn đốc khách hàng trả nợ nhưng bà Hồng và ông Trí vẫn không thực hiện, bỏ đi khỏi nơi cư trú trong một thời gian dài.
Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật ngày 2/3/2012, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, ngân hàng Techcombank đã thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm xử lí nợ, dán thông báo và niêm phong nhà cửa, công trình xây dựng... Tiếp sau đó, ngân hàng này đã xử lí tài sản bảo đảm bằng phương thức bán đấu giá để thu hồi nợ. Trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản đều được niêm yết công khai và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi phiên đấu giá thành công, ngân hàng tiến hành bàn giao tài sản bảo đảm cho người trúng đấu giá theo quy định thì bà Hồng lại xuất hiện và có những hành vi không lành mạnh mang tính côn đồ, ăn vạ, vu khống cán bộ ngân hàng thực thi nhiệm vụ.
Bà Phan Thị Hồng cho rằng, phía ngân hàng Techcombank khi phát mãi tài sản của gia đình bà chưa thỏa mãn quyền lợi và ý nguyện của gia đình. Bà Hồng cũng khẳng định, đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Thạch Thất (Hà Nội) và cơ quan này đã chính thức thụ lí vụ án.
Về phía ngân hàng bà Nguyễn Thu Lan, Tổng Giám đốc Công ty Quản lí nợ và Khai thác tài sản (Techcombank AMC) cho biết đây là một trường hợp nợ xấu mà ngân hàng đã giải quyết và đã tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.
Theo ý kiến của luật sư, việc tổ chức đông người căng băng rôn, biểu ngữ "bêu" ngân hàng của gia đình bà Hồng như trên là có dấu hiệu "gây rối trật tự công cộng". Ngân hàng có thể báo cơ quan công an nhờ can thiệp.
Hiện các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi tài sản của mình. Nhiều món nợ xử lý phải mất 3 - 5 năm, thậm chí 8 - 10 năm mới giải quyết xong.
Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật làm căn cứ để xử lý tài sản đảm bảo khá đầy đủ như Nghị định 163 về giao dịch bảo đảm, Nghị định 83 sửa đổi bổ sung Nghị định 163, Thông tư liên tịch số 16/2014, Thông tư 20 về đăng ký giao dịch bảo đảm… nhưng trên thực tế muốn xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, cần có sự phối hợp của các cơ quan Nhà nước có liên quan.
Ngọc Anh (TH theo Tuổi Trẻ Thủ Đô)