Trong nghiên cứu của mình, hãng tài chính Hargreaves Lansdown cho biết khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 8/2015 cũng khá cao nhưng thực tế BOE đã không có hành động nào vào thời điểm đó. Tuy nhiên các số liệu kinh tế giảm sút và sự lo lắng của các thị trường thời gian gần đây khiến khả năng Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Anh sẽ phải có những hành động để nhanh chóng khắc phục tình trạng này.
Nhà kinh tế cấp cao Ben Brettell của Hargreaves Lansdown nhận định rằng Thống đốc Mark Carney đã phải vắt chân lên cổ để đối phó với các tác động kinh tế của Brexit sau khi 51,8% số phiếu bầu tại cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 23/6 ủng hộ việc Anh rời Liên minh Châu Âu (EU).
Tuần trước, ông Mark Carney đã bày tỏ sự tin tưởng rằng nền kinh tế của Anh đủ kiên cường để ứng phó với những thách thức tới từ Brexit. Mặc dù vậy, ông cũng cho biết BOE giờ đây sẽ tập trung vào vấn đề tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và lãi suất sẽ phải được hạ xuống vào mùa hè năm nay.
Thống đốc Mark Carney
Một số nhà phân tích đã ca ngợi ông Carney trong những nỗ lực trấn an thị trường bằng cách áp dụng chiến lược truyền thông mạch lạc kể từ khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được công bố. BOE đã phần nào thuyết phục được các thị trường rằng điều kiện thị trường hiện nay hoàn toàn khác so với những gì diễn ra trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Mặc dù đa so các nhà phân tích cho rằng khả năng BOE cắt lãi suất trong tuần tới là rất cao nhưng vẫn có những người tin rằng điều này sẽ chỉ có thể xảy ra trong tháng 8. Công ty Investec Economics cho rằng với việc chính trị tại Anh có nhiều biến động, các nhà hoạch định chính sách tại BOE sẽ bước vào giai đoạn bỏ trống chính sách cho tới khi các tuyên bố liên quan đến Brexit được chính phủ tiếp tục đưa ra.
Ngày 14/7 tới, MPC sẽ lần đầu tiên có cuộc họp để đưa ra các quyết định chính sách hậu Brexit. Investec Economics dự báo rằng MPC sẽ cắt giảm lãi suất đi 25 điểm cơ bản và công bố những dự báo kinh tế mới nhưng nhiều khả năng điều này sẽ diễn ra trong cuộc họp tháng 8 chứ không phải cuộc họp này.
Diễn biến lãi suất của BOE trong 10 năm qua
Trong cuộc họp báo ngày 5/7, ông Carney tuyên bố sẽ cắt giảm tỷ lệ vốn dự trữ chống rủi ro chu kỳ tại các ngân hàng tại Anh với hiệu lực tức thì từ 0-0,5%, tương ứng khoảng 5,7 tỷ Bảng Anh. Điều này sẽ nâng cao năng lực cho vay tại các ngân hàng lên 150 tỷ Bảng Anh.
Báo cáo của BOE nhấn mạnh việc họ đang giám sát mảng bất động sản thương mại, giảm sự thèm muốn của các nhà đầu tư và sự mỏng manh của thanh khoản thị trường. Trong báo cáo này, BOE cũng cố gắng trấn an thị trường khi cho biết họ đã sẵn sàng hành động để hỗ trợ cho vay bằng huy động từ nguồn vốn và thanh khoản.
Việc đa số người dân Anh ủng hộ quyết định rời EU đã gây nên chấn động trên các thị trường thế giới. Chỉ trong 2 ngày giao dịch sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được đưa ra, 3.000 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi các thị trường vốn. Những biến động thị trường đã đạt mức đỉnh điểm khi tỷ giá của đồng Bảng Anh so với đồng USD đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 31 năm qua và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Trong khi các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ trở lại, các ngân hàng tại Anh và châu Âu vẫn tiếp tục đi xuống.Chỉ số Stoxx 600 Bank đã giảm gần 21% kể từ khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được công bố. Để giải quyết vấn đề này, Thống đốc Mark Carney tuyên bố BOE sẽ cung cấp 250 tỷ Bảng Anh để hỗ trợ thị trường tài chính.
Ông Carney cho biết các ngân hàng lớn tại Anh đang nắm giữ khoảng 600 tỷ tài khoản luân chuyển chất lượng cao, gấp khoảng 4 lần so với những gì họ nắm giữ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngoài ra, các đối tác có đủ điều kiện đều có những tài sản thế chấp với BOE và điều đó giúp tạo ra ngân sách khoảng 250 tỷ Bảng Anh cho các hoạt động thông thường của ngân hàng trung ương này.
(Theo NDH)