Chủ sở hữu sẽ góp thêm vốn trực tiếp để duy trì tỷ lệ sở hữu 100% vốn điều lệ. Mục đích tăng vốn là để Tasco Land triển khai các hoạt động kinh doanh và dự án.
Theo báo cáo tài chính gần nhất, hệ thống của Tasco có 10 công ty con và 2 công ty liên doanh liên kết. Trong đó, Tasco nắm giữ 100% vốn điều lệ Tasco Land - công ty con duy nhất trong lĩnh vực bất động sản.
Trước đó vào tháng 10/2022, Tasco góp thêm 100 tỷ đồng vào Tasco Land để nâng vốn điều lệ của công ty này lên 200 tỷ đồng. Động thái được cho là để đầu tư gián tiếp vào Công ty TNHH NVT Holdings – chủ sở hữu Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay.
Ninh Vân Bay hiện sở hữu những khu resort sang trọng như: Six Senses Ninh Van Bay, khu Biệt thự Pháp cổ Ana Mandara Đà Lạt và sẽ triển khai một dự án tại Mũi Né trong năm 2023.
Việc liên tục bỏ tiền vào mảng bất động sản vẫn nằm trong chiến lược tái cấu trúc mà doanh nghiệp này từng đề cập. HĐQT Tasco hồi tháng 3/2022 thông qua chủ trương thành lập Tasco Land với định hướng tập trung quản lý và phát triển chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao.
Trong năm 2023, ông lớn ngành hạ tầng giao thông đặt mục tiêu tổng doanh thu 22.500 tỷ đồngvà chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 600 tỷ đồng. Kế hoạch này đã bao gồm kịch bản sẽ hợp nhất SVC Holdings trong năm.
Tasco cho biết trong năm nay sẽ phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần nhằm sở hữu 100% vốn của CTCP SVC Holdings, dự kiến hoàn thành trong quý 2.
Do chưa được hợp nhất, báo cáo quý đầu năm của Tasco chỉ ghi nhận doanh thu thuần Tasco đạt 295 tỷ đồng tăng 23% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt hơn 928 triệu đồng, tương ứng với mức giảm 99% và cách rất xa kế hoạch năm.
Quy mô tổng tài sản của Tasco đạt 11.600 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó lượng tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn chiếm 1.169 tỷ đồng. Tổng nợ vay khoảng 4.788 tỷ đồng, gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 41% tổng nguồn vốn.
Trong đó, công ty có khoản dư nợ dài hạn với ngân hàng 4.485 tỷ đồng để thực hiện các dự án BOT, xây dựng hệ thống thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe.