Trong vài năm trở lại đây, Tập đoàn Tân Hiệp Phát thành lập 11 công ty với tổng vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng đều do ái nữ Trần Uyên Phương con gái ông Trần Quý Thanh - chủ tịch Tân Hiệp Phát nắm giữ, các doanh nghiệp này tập trung gom nhiều dự án “khủng” nhằm hướng đến thị trường bất động sản.
Sau sự việc Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành vừa ra văn bản chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra sự việc một công ty tại Đồng Nai tố cáo bà Trần Uyên Phương - Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát, ái nữ đại gia Trần Quí Thanh, chiếm đoạt phần vốn góp của công ty này.
Cụ thể, theo Văn bản số 4335/VPCQCSĐT ngày 9/11/2020 do Phó Thủ trưởng Thường trực CQĐT Bộ Công an, Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành ký, ngày 16/10/2020, cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận được đơn của ông Lê Văn Lâm - TGĐ Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh Đồng Nai tố cáo nhiều cá nhân, trong đó có bà Trần Uyên Phương (SN 1981, HKTT 169, Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh, Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát) có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt hơn 1000 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án và trốn thuế xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai và Công ty CP đầu tư xây dựng Nhơn Thành.
Liên quan đến việc gom đất trong những năm gần Tạp chí Vietnam Traveller/ Travelmag.vn, điểm lại những thương vụ gom đất của gia đình đại gia Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Cha con cùng nhau gom đất
Động thái gom quỹ đất quy mô lớn ngay đầu năm 2020 của nhà Tân Hiệp Phát là minh chứng rõ nét cho những gì ông chủ Tập đoàn này đang hướng đến lĩnh vực bất động sản. Được biết, trong vài năm gần đây, các thành viên của gia đình Tân Hiệp Phát mạnh tay thu gom nhiều khu đất vị trí đẹp thông qua đấu giá hoặc nhận chuyển nhượng.
Mới nhất, bà Trần Ngọc Bích - con gái thứ hai của nhà Tân Hiệp Phát đã trúng đấu giá quyền sử dụng 9.995m2 đất tại huyện Côn Đảo với giá hơn 80 tỷ đồng cùng 2ha đất tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với giá 170 tỷ đồng. Như vậy 2 khu đất vào tay nhà Tân Hiệp Phát với tổng trị giá là 250 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 5/2019, ông Trần Quý Thanh cũng tham gia và trúng đấu giá khu đất 18.000m2 giữa thành phố Vũng Tàu với giá 394 tỷ đồng.
Được biết, khu đất 9.995m2 có mục đích sử dụng đất là đất thương mại dịch vụ, thời hạn cho thuê đất là 50 năm. Khu đất được sử dụng để xây dựng khu du lịch, nhà nghỉ theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Và khu đất 2ha với mục đích sử dụng là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; hình thức sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thông qua hình thức bán đấu giá quyền sử dụng đất và thời hạn cho thuê đất là 50 năm kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
Gần 50.000 m2 "đất vàng" về tay Tân Hiệp Phát
Theo thông tin tra cứu, từ giữa năm 2019 đến nay nhà Tân Hiệp Phát đã nắm trong tay tổng cộng 3 khu đất với quỹ đất gần 48.000m2 (4,8ha) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng số tiền bỏ ra là 644 tỷ đồng.
Liên quan đến quỹ đất đang sở hữu, ông Thanh từng “úp mở” chia sẻ chuyện Tập đoàn đã sở hữu quỹ đất lớn, đang trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng. Mặc dù không tiết lộ cụ thể quy mô quỹ đất hiện có nhưng theo như lời ông Thanh thì chỉ nói riêng 4 nhà máy đã có khoảng 160ha cả trong và ngoài khu công nghiệp.
Theo tìm hiểu của Vietnam Traveller/Travelmag.vn, trong khoảng thời gian từ 18-24/4, đã có khoảng 10 công ty được thành lập với cùng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và cùng cơ cấu sở hữu: bà Trần Uyên Phương nắm giữ 99,9%, bà Trần Ngọc Bích nắm giữ 0,05% và bà Phạm Thị Nụ nắm giữ 0,05%. Tính đến ngày 14/5/2019, thêm CTCP Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền được thành lập với vốn điều lệ lớn hơn hẳn, đạt 3.830 tỷ đồng nhưng cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi.
Trong khi đó, ông Trần Quí Thanh rất ít khi đứng tên sở hữu phần vốn góp trong các công ty thuộc hệ thống Tân Hiệp Phát mà hầu hết do vợ - bà Phạm Thị Nụ và 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đứng tên.
Như vậy chỉ trong chưa đầy 1 tháng, có ít nhất 11 công ty có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản đã được thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến 18.830 tỷ đồng.
Bên cạnh những công ty có vốn tương đối lớn được thành lập gần đây, từ đầu năm 2018 đến nay gia đình ông Thanh cũng thành lập cả chục công ty khác. Một số cái tên đáng chú ý như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh có vốn 1.200 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản TQT (50 tỷ đồng) do ông Trần Quí Thanh sở hữu 99,9% vốn.
Trước đó, hồi năm 2018, gia đình ông Thanh cũng thành lập công ty mua bán nợ VNAMC. Việc thành lập công ty mua bán nợ được nhận định có liên quan đến tuyên bố lấn sân kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản. Tân Hiệp Phát nhiều khả năng thông qua việc mua những khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản để tích lũy quỹ đất.
Bên cạnh việc chuẩn bị tiến quân vào mảng bất động sản, Tân Hiệp Phát cũng rút bớt vốn khỏi mảng đồ uống nhưng cơ cấu sở hữu vẫn giữ nguyên.