Mục tiêu “khủng”năm 2022 của Masan
Vào ngày 28/4 tới đây, Đại hội đồng cổ đông năm 2022 của Masan sẽ diễn ra, Hội đồng Quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Tập đoàn Masan - mã CK: MSN) dự kiến sẽ trình Đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần từ 90.000 – 100.000 tỷ đồng, tăng 1,5% – 12,8% so với năm 2021.
Tuy nhiên mục tiêu về lợi nhuận sau thuế lại đi lùi đạt 6.900 – 8.500 tỷ đồng, giảm 15,9% – 31,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông là từ 4.800 – 6.200 tỷ đồng, giảm từ 27,6% – 44%.
Năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Masan đạt 88.629 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với mức 77.218 tỷ đồng năm 2020, nhờ doanh thu hầu hết các mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho Cổ đông của Công ty năm 2021 tăng trưởng 593,8% đạt mức 8.561 tỷ đồng, mức kỷ lục trong lịch sử.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2022 mà Hội đồng Quản trị dự kiến đưa ra gồm 3 chỉ tiêu cụ thể:
Doanh thu thuần năm 2022 đạt từ 90.000-100.000 tỷ đồng. Báo cáo kết quả kinh doanh đã được kiểm toán cho thấy doanh thu thuần hợp nhất của Masan đạt 88.629 tỷ đồng, tăng 14,8% so với con số 77.218 năm 2020. Như vậy kế hoạch kinh doanh năm 2022 đặt mục tiêu doanh thu thuần của Masan sẽ tăng từ 1,5%- 12,8%.
Lợi nhuận sau thuế đạt 6.900- 8.500 tỷ đồng. Số liệu kiểm toán năm 2021 cho thấy lợi nhuận sau thuế Masan đạt mức 10.101 tỷ đồng, gấp 7,24 lần so với mức 1.395 tỷ đồng năm 2020. Như vậy kế hoạch lợi nhuận của Masan sẽ giảm từ 15,8% đến 31,7%.
Lợi nhuận sau thuế TNDN phân bổ cho cổ đông đạt từ 4.800- 6.200 tỷ đồng. Con số này của năm 2021 của Masan là 8.563 tỷ đồng, gấp gần 7 lần mức 1.234 tỷ đồng năm 2020. Chỉ tiêu này cũng được Masan thận trọng đặt ra giảm từ 27,6% đến 43,9%.
Cũng tại đại hội cổ đông sắp tới, Masan sẽ trình cổ đông kế hoạch chào bán cổ phần riêng lẻ và tăng vốn điều lệ.Trong đó, tập đoàn này dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 142,37 triệu cổ phiếu, Masan xin cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định tổng số cổ phiếu chào bán cụ thể và số chào bán cho từng nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo kế hoạch dự kiến, việc chào bán cổ phiếu sẽ diễn ra trong năm nay hoặc trước Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, sau khi được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.
Hiện, Masan cũng chưa công bố giá chào bán cổ phiếu phát hành riêng lẻ nhưng giá sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm gần nhất. HĐQT cũng sẽ xin cổ đông cho quyết định giá chào bán cụ thể.
Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.Masan cho biết số tiền thu được từ việc tăng vốn này sẽ được dùng để phục vụ các mục đích chung, nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động.
Bên cạnh đó, một phần vốn có thể dùng để đầu tư góp vốn vào các công ty con; nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động; tối ưu hóa bảng cân đối kế toán; phục vụ mua bán sáp nhập; tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty con… Cùng với việc phát hành riêng lẻ nói trên, vốn điều lệ của Masan cũng dự kiến tăng lên tương ứng tổng mệnh giá cổ phiếu phát hành.Đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của Masan là 11.805 tỷ đồng, nếu hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ công ty này sẽ tăng lên 13.229 tỷ đồng.
Ngoài ra, ban lãnh đạo cũng dự kiến trình cổ đông chấp thuận phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với số lượng tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành.
“Vũ khí” hiện thực hóa mục tiêu 100.000 tỷ của Masan
Theo ban lãnh Tập đoàn Masan, mấu chốt để đạt được mục tiêu 100.000 tỷ trong năm nay là chiến lược "Point of Life" – phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu trên một nền tảng từ offline đến online. Kế hoạch kinh doanh của từng đơn vị thành viên cũng lấy chiến lược này làm mục tiêu và động lực tăng trưởng.
Điểm khác biệt so với các năm trước là Masan đã xác định mô hình "mini mall" để hiện thực hoá chiến lược này, tức một cửa hàng tích hợp nhiều dịch vụ như nhu yếu phẩm (WinMar), dịch vụ tài chính (Techcombank), trà và cà phê (Phúc Long), chăm sóc sức khoẻ (Phano).
Trao đổi với Vnexpress, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang chia sẻ, mô hình bán lẻ nhu yếu phẩm thuần tuý không mang lại hiệu quả kinh tế nếu triển khai ở khu vực nông thôn – nơi tập trung phần lớn người tiêu dùng. Do đó, công ty đã thử nghiệm và tìm ra công thức chiến thắng bằng "mini mall". Mức doanh thu để đạt điểm hoà vốn tại các "mini mall" giảm từ 20 triệu đồng xuống 14 triệu đồng mỗi ngày.
Cũng theo ông Quang, mini mall chính là chìa khóa để hợp nhất toàn bộ nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời mở rộng quy mô nền tảng từ online đến offline. Vị này cũng khẳng định, đây cũng chính là lời giải cho bài toán phục vụ 100 triệu người tiêu dùng nhưng không cần đốt tiền như các sàn thương mại điện tử.Trước năm 2025, Masan muốn nhân rộng mô hình “mini mall” lên 30.000 cửa hàng, đồng thời bổ sung thêm 2 mảnh ghép còn thiếu là nội dung và giải trí.
Chưa hết, doanh nghiệp này còn dự kiến xây dựng mô hình ki-ốt kỹ thuật số được tích hợp các tiện ích khác nhau như thanh toán không dùng tiền mặt, phân phối sim điện thoại, rút và nạp tiền, giới thiệu các chương trình khuyến mãi.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, mini-mall sẽ là kênh phân phối chính các sản phẩm tài chính tiềm năng của Masan trong tương lai. Nếu hệ sinh thái được hoàn thiện, mini mall được dự đoán sẽ tăng khả năng đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng từ 25% lên 60-80%.