Loạt ông lớn bất động sản bắt tay hợp tác với ‘ông trùm’ khoan hầm Việt Nam
Tại Đại hội cổ đông ngày 25/4, ông Võ Quốc Khánh, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (mã: SCR) cho biết, đã ký hợp đồng và sẽ tiến tới là cổ đông chiến lược của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) – đây là công ty con của CTCP Tập đoàn Đèo Cả (Đèo Cả Group).
Thông tin này đã được công bố tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Tập đoàn Đèo Cả vào ngày 24/4. Hai bên sẽ cùng phát triển hạ tầng và các sản phẩm bất động sản (BĐS) theo mô hình mới. Trong đó, TTC Land sẽ trực tiếp tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm cùng Đèo Cả.
Trước đó, vào đầu năm 2021, Tập đoàn Hưng Thịnh (mã: HTN) và Tập đoàn Đèo Cả cũng tổ chức Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa hai bên. Hướng đến xây dựng chiến lược tăng trưởng bền vững thông qua mở rộng thị trường và ngành nghề từ xây dựng dân dụng và công nghiệp sang hạ tầng, giao thông, vật liệu xây dựng cơ bản và công nghệ vật liệu mới.
Để cụ thể hoá các bước hợp tác, Tập đoàn Đèo Cả sẽ nghiên cứu việc trở thành cổ đông chiến lược của Hưng Thịnh Incons. Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả sẽ sớm ứng cử vào HĐQT của Hưng Thịnh Incons, tư vấn hoạch định chiến lược phát triển mới cho công ty nhằm khai thác tối đa nguồn tài nguyên của hai bên, bên cạnh đó sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao của hai bên cũng như công nghệ trong lĩnh vực thi công.
Ngoài ra, Tập đoàn Đèo Cả và HTN sẽ hợp tác chuyển giao công nghệ cũng như kinh nghiệm về xây dựng và quản lý xây dựng, phát triển công nghệ trong lĩnh vực thi công, xây lắp và hạ tầng, từng bước đưa HTN vươn mình ra khu vực.
Hai bên sẽ liên danh, liên kết đấu thầu, đầu tư và thi công các dự án về hạ tầng và dự án xây dựng lớn. Đồng thời, cùng nhau mở rộng nghiên cứu các dự án về vật liệu xây dựng nhân tạo đáp ứng nhu cầu của ngành trong tương lai.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, Tập đoàn Đèo Cả đã bắt tay hợp tác với hai doanh nghiệp lớn là Hưng Thịnh và TTC Land.
Tập đoàn Đèo Cả là ai?
CTCP Tập đoàn Đèo Cả (Đèo Cả Group) hiện là thương hiệu hàng đầu Việt Nam về đầu tư hạ tầng giao thông, được mệnh danh “ông trùm” khoan hầm Việt Nam, có nhiều thế mạnh, kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động: Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng giao thông; Quản lý vận hành công trình giao thông; Tổng thầu thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị; Đầu tư tài chính...
Những dự án làm nên thương hiệu “vua hầm” của Đèo Cả có thể kể đến như: Hầm đường bộ Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân) có tổng mức đầu tư hơn 21.612 tỷ đồng; dự án hầm Cù Mông; hầm Hải Vân (giai đoạn 2); hầm Cổ Mã; hầm Phước Tượng – Phú Gia,…
Từ dự án hầm xuyên núi, doanh nghiệp này còn mở rộng xây dựng các tuyến cao tốc với hàng loạt công trình trọng điểm như: Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, cao tốc Hồng Đăng – Trà Lĩnh, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL1A đoạn qua tỉnh Khánh Hoà, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng,…
Các dự án BOT đều có tổng mức đầu tư lớn. Trong giai đoạn trước đây, gần như các dự án BOT đều không có nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia. Đáng chú ý, tại dự án Hầm Đèo Cả có một phần vốn ngân sách tham gia nhưng vẫn chưa được giải ngân hết (còn lại 1.186 tỷ đồng). Nguồn vốn chính để hình thành các dự án là từ nguồn vốn chủ sở hữu do các nhà đầu tư góp vào và nguồn vốn vay tín dụng.
Năm 2021, Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận doanh thu hợp nhất 3.853 tỷ đồng, tăng 45% so với 2020 và vượt 20% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 410 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm trước đó và vượt 157% kế hoạch.
Trong năm 2021, Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành nhiều công trình hạ tầng, như hầm Bao biển, thông hầm Thung Thi, thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận… Đặc biệt, tại dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Đèo Cả hoàn thành thu xếp vốn sớm nhất trong ba dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Sang năm 2022, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.916 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với năm 2021. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 472 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm ngoái.
Về hoạt động đầu tư, Tập đoàn sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để hoàn thành việc phê duyệt triển khai các dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú - Bảo Lộc.
Đồng thời, nghiên cứu và tiếp cận một số dự án mới dự kiến đầu tư theo hình thức PPP như cao tốc TP HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, An Hữu - Cao Lãnh và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý thúc đẩy các dự án đầu tư công khác.
Với các dự án trên, Đèo Cả ước tính tổng nhu cầu sử dụng vốn là 4.244 tỷ đồng cho giai đoạn 2022 - 2023, trong đó tập đoàn sẽ góp vốn đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) số tiền 1.200 tỷ đồng.
HHV là công ty con của tập đoàn, đi đầu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP), tổng mức đầu tư các dự án của HHV tính đến thời điểm này hơn 60.000 tỷ đồng.
Với nhu cầu trên, các cổ đông của Đèo Cả đã thông qua việc tăng vốn điều lệ thêm 4.234 tỷ đồng thông qua việc chào 404,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP. Nếu thành công, vốn điều lệ của tập đoàn sẽ tăng lên thành 8.287 tỷ đồng.
Lợi nhuận tại HHV tăng mạnh, nợ vay cao ngất
Năm 2021, HHV đạt doanh thu thuần tăng 55% so với năm 2020 lên 1.859 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu vận hành các trạm thu phí tăng từ 937 lên hơn 1.264 tỷ đồng, mảng xây lắp cũng tăng trưởng gần 3 lần lên 550 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế trong năm của HHV tăng 67% lên 293 tỷ đồng. Lãi ròng doanh nghiệp cao gần gấp đôi năm 2020 với 273 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của công ty kể từ khi chuyển sang công ty cổ phần vào năm 2014.
Tuy nhiên, so với kế hoạch năm điều chỉnh năm 2021 với doanh thu 2.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 283 tỷ đồng, HHV chưa hoàn thành chi tiêu doanh thu, mới chỉ thực hiện được 93% và vượt gần 4% mục tiêu lợi nhuận năm.
Lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, song tình hình tài chính tại HHV lại không mấy sáng sủa.
Cụ thể, tổng tài sản của HHV tính tới cuối năm 2021 hơn 33.894 tỷ đồng, được hình thành từ 26.287 tỷ đồng nợ phải trả và chỉ có 7.676 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Như vậy, có tới 77% tài sản của HHV được tài trợ bởi nợ.
Đáng chú ý nhất là các khoản vay nợ tại HHV. Tính đến cuối năm 2021, công ty đi vay ngắn hạn gần 236 tỷ đồng, trong khi vay dài hạn lên đến 20.872 tỷ đồng. Tổng nợ vay lên đến 21.107 tỷ đồng, gấp 2,76 lần vốn chủ sở hữu, chiếm tới 80% nợ phải trả và 62% tổng tài sản.
Trong 20.872 tỷ đồng nợ vay dài hạn, chỉ có 218 tỷ đồng là nợ vay trên 1 năm đến 5 năm. Bên cho vay là ngân hàng Vietinbank với hơn 194 tỷ đồng; ngân hàng TPBank với 52 tỷ đồng. Ngoài ra, CTCP Tập đoàn Đèo Cả cho vay gần 37 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Hải Thạch BOT và CTCP BOT Hưng phát cũng cho vay hơn 2 tỷ đồng.
Hơn 20.653 tỷ đồng còn lại là vay nợ trên 5 năm. Trong đó, ngân hàng Vietinbank là chủ nợ lớn nhất của HHV với hơn 19.693 tỷ đồng và ngân hàng Việt Á cho vay hơn 960 tỷ đồng.
Các khoản vay của HHV phần lớn được đảm bảo bằng hình thức tín chấp.
Việc tăng cường vay nợ dẫn đến chi phí lãi vay trong năm tại HHV tăng 15%, tương đương tăng thêm 70,5 tỷ đồng, lên gần 551 tỷ đồng.
Bước sang năm 2022, HHV dự kiến doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.515 tỷ đồng và lãi sau thuế 396 tỷ đồng, lần lượt tăng 35% và 36% so với kết quả thực hiện năm 2021. Đây sẽ là mức lãi cao kỷ lục nếu doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu này.
Tính đến hết quý 1/2022, doanh thu hợp nhất HHV đạt 430 tỷ đồng, tăng hơn 20% và lãi sau thuế 76 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.
Năm 2022, HHV sẽ tiếp tục triển khai và duy trì hoạt động quản lý vận hành, bảo dưỡng hầm, đường bộ và các trạm thu phí tại các dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Quốc lộ 1 đoạn qua Khánh Hòa.
Doanh nghiệp dự kiến tiếp nhận thêm công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng đường và trạm thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đồng thời đấu thầu quản lý vận hành một số dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn đưa vào khai thác.
Đối với hoạt động xây lắp, HHV sẽ tiếp tục thi công hợp đồng đã ký chuyển tiếp từ năm 2021 sang 2022, tập trung vào các gói thầu hoàn thiện của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo... sản lượng còn lại gần 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty dự kiến thực hiện thêm các gói thầu cho dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đườnng ven biển tại Bình Định và cao tốc Bắc - Nam phía Đông...
Trong hoạt động đầu tư, HHV sẽ chi 4.000 tỷ đồng để phát triển dự án. Trong đó, 2.000 tỷ đồng cho dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo; 450 tỷ đồng cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1; 100 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Tập đoàn Đèo Cả; 100 tỷ đồng cho cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; 370 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 3 tòa nhà văn phòng ở Lạng Sơn, Hà Nội và Phú Yên; 100 tỷ đồng đầu tư máy móc thiết bị; cuối cùng 880 tỷ đồng còn lại là dự phòng cho các dự án cao tốc.
‘Ông trùm’ khoan hầm Việt Nam từng dính nhiều sai phạm
Mang danh là ông trùm’ khoan hầm Việt Nam với vô số các dự án lớn nhỏ trải dải khắp cả nước, một số dự án của Đèo Cả làm chủ đầu tư cũng vướng hàng loạt sai phạm.
Tháng 7/2021, trong Báo cáo kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT gửi đến Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số sai sót tại Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ sai phạm một số yếu tố trong phương án tài chính đã thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, song nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa điều chỉnh hợp đồng BOT.
Tại dự án này, chi phí sửa chữa thường xuyên cũng chưa phù hợp định mức, chi phí trung tu và đại tu chưa phù hợp. Kiểm toán chỉ rõ, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chi phí thường xuyên tăng 0,34 tỷ đồng; chi phí trung tu tăng 41 tỷ đồng; chi phí đại tu tăng 77,9 tỷ đồng.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, giải ngân vốn vay và vốn góp chủ sở hữu chậm so với dự kiến trong phương án tài chính do vốn góp chủ sở hữu chỉ đạt 86%; vốn vay đạt 88% kế hoạch. Chưa cập nhật vào phương án tài chính thu nhập từ lãi tiền gửi phát sinh tại dự án năm 2019 và 2020 là 10,9 tỷ đồng.
Dự án xuất hiện nhiều yếu tố thay đổi ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án nhưng các bên chưa xem xét kịp thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự án theo quy định. Dự án đưa vào vận hành nhưng các bên chưa thỏa thuận dự toán chi phí quản lý thu phí làm cơ sở thực hiện, chậm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Mới đây nhất, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số vi phạm trong quá trình thực hiện dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng BOT và BT (Đợt 2) của Tập đoàn Đèo Cả.
Cụ thể, Kiểm toán chỉ ra rằng, Gói thầu HV2-TV3 xét thầu chưa phù hợp; Gói thầu HV2-TV7.1 thực hiện lựa chọn nhà thầu kiểm toán trước khi Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận; Gói thầu HV2-TV3 ký hợp đồng nguyên tắc sử dụng tư vấn nước ngoài và triển khai thực hiện khi chưa có ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải.
Gói thầu số 1E hạng mục công việc Bộ cấp nguồn 48V chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ CO, CQ; Gói thầu HV2-XL4 phải điều chỉnh TKKT kết cấu móng mố trụ cầu số 1 và cầu số 3 do có sự sai khác số liệu địa chất giữa TKKT và thực tế hiện trường.
Công ty chưa kịp thời thu hồi về Dự án các khoản tạm ứng vượt giá trị hợp đồng 5.769,8 triệu đồng, thanh toán vượt giá trị quyết toán A-B 56.483,5 triệu đồng.