Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.

Thủ tướng vừa có quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 9/4/2025 về việc chuyển đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Quyết định có hiệu lực từ ngày 9/4/2025.

Quyết định nêu rõ: Đồng ý đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo đề xuất của Tập đoàn, cụ thể như sau:

Tên gọi đầy đủ: Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.

Loại hình doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Tên giao dịch: Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.

Tên giao dịch quốc tế: Vietnam National Industry - Energy Group.

Tên gọi tắt: PETROVIETNAM, viết tắt là PVN.

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo quy định tại Luật Dầu khí năm 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; các Hiệp định, văn bản, thỏa thuận và Hợp đồng đã ký kết với các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã trao quyết định chính thức đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Petrovietnam. Ảnh: PVN
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã trao quyết định chính thức đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Petrovietnam. Ảnh: PVN

Theo định danh mới, Petrovietnam sẽ phát triển trên ba trụ cột gồm năng lượng - công nghiệp - dịch vụ, trong đó năng lượng vẫn là cốt lõi.

Việc chuyển đổi tên gọi sẽ đảm bảo tổ chức và hoạt động của tập đoàn phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị, xu hướng chuyển dịch năng lượng và cam kết Net Zero vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc chuyển đổi tên gọi cũng phù hợp với nghị quyết số 41 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam gắn với phát huy lợi thế trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới như các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ xuất khẩu, các dự án về sản xuất hydrogen, amonia… 

Tại Hội nghị tổng kết cuối năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành đã thực hiện nghi thức chuyển đổi tập đoàn. Đồng thời, Petrovietnam đã xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển, nghiên cứu xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới, hoàn tất các thủ tục liên quan để vận hành với định danh mới.

Cùng ngày, Petrovietnam ký thoả thuận với Công ty Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) gia hạn Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại lô PM3 CAA thêm 20 năm, từ 2028-2047.

Lô PM3 CAA nằm ở khu vực chồng lấn giữa Malaysia và Việt Nam. Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí giữa hai bên được ký lần đầu vào 1989. Tới 1992, Petrovietnam và Petronas được giao đại diện nước chủ nhà triển khai hoạt động dầu khí tại khu vực này.

Hiện, lô dầu khí này được vận hành bởi Tổ hợp nhà thầu do Hibiscus Oil & Gas Malaysia Ltd. điều hành (chiếm 35%). Hai bên tham gia còn lại gồm PVEP (thành viên thuộc Petrovietnam - 30%) và Petronas Carigali Sdn. Bhd. (35%).

Lưu lượng khai thác hiện tại của lô PM3 CAA khoảng 20.000 thùng dầu và khoảng 200 triệu bộ khối khí mỗi ngày (tương đương 5,7 triệu m3 khí). Tính đến hết 2024, dự án đã khai thác khoảng 250 triệu thùng dầu và 1.600 tỷ bộ khối khí (tương đương 43 tỷ m3). Trong đó, gần 25 tỷ m3 khí được cung cấp cho Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển tổ hợp khí - điện - đạm Cà Mau.

Dự án có tổng chi phí đầu tư khoảng 10 tỷ USD, tạo ra doanh thu dầu khí khoảng 24,8 tỷ USD, mang lại giá trị kinh tế và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước của hai quốc gia.

Năm ngoái, Petrovietnam lập kỷ lục về tổng doanh thu toàn tập đoàn, vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước Covid-19 (năm 2019). Số này tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 165.000 tỷ đồng, chiếm gần 9% tổng thu ngân sách của cả nước.

Trong đó, doanh thu công ty mẹ đạt 270.000 tỷ đồng, tăng 237% so với thời kỳ trước Covid-19. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 35.100 tỷ đồng, tăng 45%.

Với kết quả này, Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu tài chính theo kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ sau 4 năm 2021-2024. Trong đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 3,5 triệu tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch 5 năm, đạt mức tăng trưởng 16,7%/năm; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 600.000 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch 5 năm, tăng trưởng 21,2%/năm.

Năm 2025, mục tiêu và quan điểm nhất quán được tập thể lãnh đạo, người lao động Petrovietnam xác định là: "Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia: Đổi mới từ cốt lõi - Phát triển mô hình vượt trội - Hội nhập chuỗi toàn cầu - Nâng tầm tri thức năng lượng - Bứt phá trong tăng trưởng - Tạo bước chuyển xanh bền vững

Gia Linh

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục