Tập đoàn Đạt Phương: Nợ chiếm phần lớn nguồn vốn, trúng gói thầu nghìn tỷ, tiết kiệm nhỏ giọt

Là doanh nghiệp nhiều lần vi phạm thuế và trúng thầu sát giá, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương vừa trúng gói thầu 1.174 tỷ đồng tại Nam Định, chỉ tiết kiệm cho ngân sách hơn 1 tỷ đồng. Hiện tại, nợ phải trả của Đạt Phương là 3.776 tỷ đồng và đang chiếm phần lớn nguồn vốn.

Gói thầu nghìn tỷ, tiết kiệm nhỏ giọt

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu là Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (Đạt Phương Group, Mã HOSE: DPG) với giá trúng thầu 1.174,029 tỷ đồng, giảm 1,129 tỷ đồng sau đấu thầu (0,96%); thời gian thực hiện hợp đồng 18 tháng, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Dự án trên là 1 trong 15 công trình được thí điểm áp dụng cơ chế thưởng hợp đồng theo Nghị định 15/2023/NĐ-CP nên Chủ đầu tư sẽ động viên, đôn đốc Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công trình để được thưởng hợp đồng.

Tập đoàn Đạt Phương: Nợ chiếm phần lớn nguồn vốn, trúng gói thầu nghìn tỷ, tiết kiệm nhỏ giọt - Ảnh 1

Như Tài chính Doanh nghiệp đã thông tin ở bài viết "Tập đoàn Đạt Phương muốn làm dự án 1.175 tỷ đồng tại Nam Định", những năm gần đây, Đạt Phương liên tiếp trúng hàng chục gói thầu với tổng trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhiều gói chỉ tiết kiệm sát mức 0% so với giá dự toán. Tính chung cả năm 2022, doanh nghiệp này đã trúng 5 gói thầu tổng trị giá 4.526 tỷ đồng.

Kinh doanh lao dốc

Đáng chú ý, hoạt động đầu tư tài chính của Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương kém hiệu quả, kinh doanh đi xuống, nợ phải trả chiếm 62,7% cơ cấu nguồn vốn. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank).

Tập đoàn Đạt Phương: Nợ chiếm phần lớn nguồn vốn, trúng gói thầu nghìn tỷ, tiết kiệm nhỏ giọt - Ảnh 2

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Đạt Phương đạt 6.020 tỷ đồng, giảm 119 tỷ đồng so với đầu năm (thời điểm đầu năm là 6.139 tỷ đồng).

Mảng kinh doanh bất động sản của Đạt Phương đầu tư cũng lao dốc về doanh thu trong năm nay, từ gần 289 tỷ đồng trong quý 2/2022 xuống còn vỏn vẹn 13,7 tỷ đồng trong quý 2/2023.

Cùng đó, tổng nợ phải trả của Đạt Phương ở mức 3.776 tỷ đồng, chiếm phần lớn cơ cấu nguồn vốn của công ty. Trong đó, nợ vay tài chính ở mức 2.586 tỷ đồng, có 998 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 1.588 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.

Cầm cố tài sản của cổ đông

Để đảm bảo các hoạt động kinh doanh và dòng tiền, Đạt Phương đã phải “nhờ cậy” vào việc đi mượn tài sản của cổ đông có trả phí để cầm cố cho khoản vay và phát hành trái phiếu.

Tập đoàn Đạt Phương: Nợ chiếm phần lớn nguồn vốn, trúng gói thầu nghìn tỷ, tiết kiệm nhỏ giọt - Ảnh 3

Cụ thể, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, Đạt Phương cho biết tính tới ngày 30/6/2023, ông Lương Minh Tuấn (Chủ tịch Đạt Phương) và ông Phạm Kim Châu (Phó Chủ tịch Đạt Phương) dùng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình để bảo đảm cho khoản vay của Công ty tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển – Chi nhánh Thăng Long với số dư nợ gốc và tiền lãi cùng các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ số nợ gốc này tối đa là 18.141.000.000 VNĐ.

Ngoài ra, ông Lương Minh Tuấn, ông Trần Anh Tuấn và ông Phạm Kim Châu cũng dùng cổ phần của công ty thuộc sở hữu của mình để làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu của công ty. Tính tới ngày 30/6/2023, Đạt Phương đang có 62.99.554 cổ phiếu phổ thông đang lưu hành.

Vi phạm thuế, dự án trọng điểm bị thu hồi

Cụ thể, đầu năm 2023, Cục Thuế TP Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Tập đoàn Đạt Phương gần 235 triệu đồng do vi phạm trong kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn Đạt Phương bị xử lý vi phạm về thuế.

Cuối tháng 1/2022, Cục Thuế TP Hà Nội cũng đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Tập đoàn Đạt Phương số tiền 14,5 triệu đồng. Đồng thời, công ty phải nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp thiếu vào ngân sách nhà nước là 72,8 triệu đồng và khoản tiền chập nộp 6,5 triệu đồng.

Trước đó, cuối tháng 12/2020, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng đã ra quyết định xử phạt công ty này do khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp (theo tỷ lệ 20% trên số thuế truy thu) hơn 139 triệu đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị truy thu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân năm 2019 lần lượt gần 625 triệu đồng và hơn 71 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn phải trả tiền chậm nộp thuế hơn 57 triệu đồng.

Tiếp đến, cuối tháng 9/2019, Tập đoàn Đạt Phương cũng đã bị Cục Thuế Hà Nội xử phạt và truy thu hơn 90 triệu đồng cũng với hành vi khai sai thuế.

Về dự án, cuối năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) do Tập đoàn Đạt Phương làm chủ đầu tư.

Được biết, khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương là một dự án trọng điểm của Tập đoàn Đạt Phương có quy mô 183,87ha. Trong đó, đất dự án khoảng 179,3ha và đất hạ tầng tuyến đường Thanh Niên ven biển khoảng 4,57ha.

Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương được biết đến là doanh nghiệp có tiếng hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình giao thông, thuỷ điện trong nước.

Đơn vị được thành lập ngày 12/3/2002, trụ sở tại Toà nhà Handico, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội), do ông Trần Anh Tuấn làm người đại diện pháp luật. Năm 2018, Đạt Phương niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán DPG.

Viết Dinh

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục