Tập đoàn Bảo Việt hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022
Tập đoàn Bảo Việt (BVH) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 (trước soát xét). Theo đó, tổng doanh thu Công ty Mẹ đạt 1.565 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.065 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 5% và 3,4% so với năm 2021. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản Công ty Mẹ đạt gần 17.581 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 17.302 tỷ đồng, đều giảm 7% so với đầu năm.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 lại cho thấy kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Cụ thể, quý 4/2022, Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc gần 11.240 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí nhượng tái bảo hiểm giảm 49%, còn hơn 773 tỷ đồng. Vì vậy, doanh thu bảo hiểm thuần tăng 11%, đạt hơn 10,588 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Bảo Việt tiếp tục là gánh nặng với hơn 10.998 tỷ đồng, tăng 15% khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng lỗ thêm 396 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức lỗ gần 410 tỷ đồng trong quý 4.
Đặc biệt, lợi nhuận hoạt động tài chính mang về hơn 2.140 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, doanh thu tài chính tăng 15% nhờ lãi tiền gửi tăng 32%, đạt gần 1,537 tỷ đồng và lãi đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu tăng 17%, đạt hơn 940 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lãi đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm đến 97%, còn hơn 4 tỷ đồng.
Kết quả, Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 chỉ giảm 38% so với cùng kỳ, còn hơn 352 tỷ đồng nhờ hoạt động tài chính.
Tính chung cả năm 2022, lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm tại Bảo Việt chỉ đạt gần 103 tỷ đồng, giảm tới 83% so với năm trước. Trong khi đó lợi nhuận đầu từ tài chính đạt gần 8.081 tỷ đồng, tăng 3%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.603 tỷ đồng, giảm 21% so với năm trước. So với kế hoạch lợi nhuận đã đề ra, Tập đoàn Bảo Việt vẫn hoàn thành mục tiêu.
Số dư nợ dài hạn tại Tập đoàn Bảo Việt vượt quá tài sản dài hạn
Bên cạnh kết quả kinh doanh, bức tranh tài chính tại Tập đoàn Bảo Việt cũng không mấy sáng sủa.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, tổng tài sản của Bảo Việt tính đến 31/12/2022 hơn 201.610 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 58% với mức hơn 117.332 tỷ đồng, tăng 18%; Tài sản dài hạn chiếm 42% đạt hơn 84.277 tỷ đồng, tăng 20%.
Tuy có tăng quy mô nhưng nguồn vốn tại Tập đoàn Bảo Việt lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả chiếm đến 89%, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 11%.
Cụ thể, tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của Bảo Việt ghi nhận hơn 180.319 tỷ đồng, tăng thêm 32.846 tỷ đồng, tương đương tăng 22% so với đầu năm. (Nợ phải trả phần lớn là dự phòng nghiệp vụ dài hạn hơn 147.381 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm). Trong khi đó vốn chủ sở hữu lại giảm 4% xuống còn 21.291 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Bảo Việt là 8,46 lần.
Đáng lưu ý, số dư nợ dài hạn tại Bảo Việt vượt quá tài sản dài hạn hơn 63.483 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022. Tình trạng nợ dài hạn vượt quá tài sản dài hạn tại Bảo Việt đã kéo dài nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Điểm sáng trong bức tranh tài chính là nợ vay tại Bảo Việt đã giảm mạnh. Cụ thể, tính đến 31/12/2022, dư nợ vay ngắn hạn ghi nhận hơn 981 tỷ đồng và nợ vay dài hạn hơn 91 tỷ đồng, lần lượt giảm 61% và 66% so với đầu năm.
Trong năm 2022, Tập đoàn Bảo Việt đã chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 30,261% trên mệnh giá cổ phiếu, tương đương tổng số tiền chi trả hơn 2.246 tỷ đồng cho các cổ đông.
Như vậy, tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông của BVH từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến nay lên tới gần 11.700 tỷ đồng. Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô vốn và tài sản hàng đầu trong các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo Việt luôn thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư.
Về các lĩnh vực kinh doanh, trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ, tổng doanh thu của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đạt 11.145 tỷ đồng, tăng trưởng 5,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 246 tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2021.
Trong mảng bảo hiểm nhân thọ, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ ghi nhận mức tăng trưởng khả quan 10,1% của tổng doanh thu, đạt 41.677 tỷ đồng. Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục duy trì dẫn đầu về tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ. Lợi nhuận sau thuế đạt 975 tỷ đồng, tăng trưởng 11,4% so với năm 2021.
Trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đạt 898 tỷ đồng doanh thu và đạt 210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đây thực sự là kết quả tích cực trong tình hình thị trường chứng khoán năm 2022 nhiều biến động.
Trong lĩnh vực quản lý quỹ, Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt (BVF) thể hiện vai trò là một trong những công ty quản lý quỹ đầu ngành khi tăng trưởng cả về quy mô tài sản quản lý, kết quả kinh doanh và đầu tư. Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản quản lý ròng của BVF đạt 107.997 tỷ đồng, tăng trưởng 12,1% so với thời điểm 31/12/2021. Tổng doanh thu năm 2022 của BVF đạt 133,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trước kiểm toán đạt 52 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16% và 20,9% so với năm 2021.
Đầu năm 2023, các quỹ mở của BVF đạt mức tăng trưởng đáng kể so thời điểm cuối cùng năm 2022: Các quỹ mở cổ phiếu của BVF – Quỹ đầu tư Cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF) và Quỹ đầu tư Cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) đã đạt được mức tăng trưởng lần lượt là 5,7% và 11,9% trong tháng đầu tiên của năm. Quỹ đầu tư Trái phiếu Bảo Việt (BVBF) vẫn giữ vững mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư trên cơ sở tận dụng hiệu quả các cơ hội đầu tư lãi suất cố định.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết