Tập đoàn Bamboo Capital không có trái phiếu đáo hạn năm 2023
Được biết đến là một ‘đại gia’ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi đã ký kết với các đối tác quốc tế trong mảng năng lượng như Leader Energy, SP Group hay Sembcorp Utilities, CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (Mã: BCG) được thành lập từ năm 2011. Doanh nghiệp khởi đầu với hai lĩnh vực chính là dịch vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn M&A, huy động vốn và cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin, phát triển dự án.
Đến năm 2012, công ty mở rộng kinh doanh với việc bổ sung các mảng hoạt động gồm thương mại, nông nghiệp và đầu tư M&A. Năm 2019, công ty trải qua một đợt tái cấu trúc và tập trung vào 4 mảng hoạt động chính, bao gồm sản xuất và nông nghiệp; phát triển hạ tầng và bất động sản, xây dựng và thương mại; năng lượng tái tạo. Sau đó lấn sân sang tài chính, bảo hiểm.
Trước những tham vọng lớn của Tập đoàn Bamboo Capital thì câu hỏi được đặt ra là doanh nghiệp sẽ lấy vốn từ đâu để hiện thực hóa những tham vọng ấy.
Năm 2022, CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (Mã: BCG) doanh thu thuần đạt 4.532 tỷ đồng, tăng 75% so với 2021. Nhờ các quý trước có lãi nên cả năm Bamboo Capital lãi sau thuế 546 tỷ đồng, bằng 55% cùng kỳ.
Với kết quả trên, doanh nghiệp này đã thực hiện được 62,5% kế hoạch về doanh thu và 25% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Xét về dòng tiền, năm 2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại Bamboo Capital âm hơn 2.747 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm gần 4.952 tỷ đồng (năm 2021 chỉ âm hơn 971 tỷ đồng). DO đó dòng tiền thuần trong kỳ âm hơn 425 tỷ đồng trong khi năm 2021 dương hơn 140 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, Tập đoàn Bamboo Capital đang rót 3.869 tỷ đồng vào các đơn vị khác, trong đó hơn 1.017 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang và 970 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư và Phát triển Sơn Long.
Tính đến 31/12/2022, doanh nghiệp này vay nợ tổng cộng 14.934 tỷ đồng, tăng 1.253 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó dư nợ trái phiếu là 8.793 tỷ đồng, còn lại là vay ngân hàng và các đối tượng khác. Năm 2022, BCG phải trả gần 1.382 tỷ đồng chi phí lãi vay, lãi trái phiếu. Năm 2023, Tập đoàn Bamboo Capital không có khoản trái phiếu nào đến hạn.
Như vậy, BamBoo Capital sử dụng đòn bẩy tài chính, chào bán cổ phiếu, huy động trái phiếu để bổ sung vốn lưu động.
Bamboo Capital muốn bán bớt vốn tại công ty con, hủy rót tiền vào bảo hiểm AAA
Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Tập đoàn Bamboo Capital vừa thông qua việc bán 7 triệu cổ phiếu trong tổng 33,68 triệu cổ phiếu đang sở hữu tại CTCP Phát triển Nguyễn Hoàng. Giá bán là 10.000 đồng/cp. Nếu thương vụ thành công, BCG có thể thu về 70 tỷ đồng.
Theo giới thiệu, CTCP Phát triển Nguyễn Hoàng được thành lập năm 2000, đến năm 2015, Nguyễn Hoàng được BCG M&A và tái cơ cấu. Nguyễn Hoàng chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ gỗ tại khu vực miền Trung, đồ gỗ nội và ngoại thất của Nguyễn Hoàng được xuất sang các thị trường như Mỹ, châu Âu, Australia, Singapore,… Địa chỉ công ty đặt tại Khu Công nghiệp Nhơn Hòa, xã Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định
Vốn điều lệ của Nguyễn Hoàng là 600 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 12/2022, BCG đang nắm 57,57% tỷ lệ lợi ích của Nguyễn Hoàng, giảm so với 69,23% tại cuối quý III/2022.
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 của Nguyễn Hoàng cho thấy, tổng tài sản của công ty là 671 tỷ đồng, trong đó 285 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn, chiếm 42%. Hàng tồn kho 142 tỷ đồng, gấp 2,9 lần ngày đầu năm. Nợ phải trả ở mức 187 tỷ đồng, trong đó chiếm 45% là nợ đi vay, tương đương 84 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối 2021 là 2,4 tỷ.
Về tình hình kinh doanh, năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất đã kiểm toán của Nguyễn Hoàng là 228 tỷ đồng, lãi sau thuế 1,2 tỷ đồng. Theo công bố của BCG, doanh thu năm 2022 của Nguyễn Hoàng chiếm khoảng 6,8% doanh thu của tập đoàn, tương ứng 313 tỷ đồng. Năm 2022, Nguyễn Hoàng đặt mục tiêu doanh thu 650 tỷ đồng, lợi nhuận 60 tỷ đồng.
Trước đó, Tập đoàn Bamboo Capital hủy việc rót 355 tỷ đồng vào Bảo hiểm AAA.
Cụ thể, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Bamboo Capital thông qua nghị quyết điều chỉnh phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán 266,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Đây là lần thứ hai công ty thay đổi mục đích.
Phương án sử dụng vốn mới điều chỉnh bao gồm 7 khoản mục, trong đó 6 khoản được giữ nguyên, riêng số tiền 355 tỷ đồng theo kế hoạch công bố tháng 12/2022 là dự kiến "Góp vốn vào Bảo hiểm AAA" được thay đổi thành "Cho Công ty TNHH Indochina Hội An Beach Villas vay".
Theo kế hoạch ban đầu, BamBoo Capital dự định dùng 1.315 tỷ đồng trong tổng số tiền 2.667 tỷ đồng từ đợt chào bán để thực hiện góp vốn vào Bảo hiểm AAA. Đến tháng 12/2022, tập đoàn muốn giảm số vốn góp này tại công ty bảo hiểm xuống 355 tỷ đồng, tức giảm gần 1.000 tỷ so với kế hoạch ban đầu.
Bảo hiểm AAA là công ty hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ, được thành lập vào tháng 5/2005 và ra mắt thị trường vào đầu tháng 11/2006. Đơn vị này được Bamboo Capital mua lại vào tháng 12/2021, với mục đích hỗ trợ cho tập đoàn trong việc huy động vốn và tài trợ dự án. Tính đến cuối năm 2022, BCG đang nắm 78,71% tỷ lệ lợi ích tại công ty bảo hiểm này.
Bên cạnh đó, Bamboo Capital cũng muốn góp vốn thêm 500 tỷ đồng vào CTCP BCG Energy, nâng tổng giá trị vốn góp của tập đoàn lên 3.203 tỷ đồng, chiếm 71,18% vốn điều lệ của công ty năng lượng này.
Việc rót vốn của Bamboo Capital nhằm bổ sung vốn hoạt động bao gồm nhưng không giới hạn việc bổ sung vốn lưu động, thanh toán các khoản nợ, bổ sung tiền để đầu tư vào các công ty thực hiện dự án thông qua hình thức góp vốn và/hoặc hợp tác đầu tư. Dự kiến việc góp vốn sẽ được BCG thực hiện trong quý IV này.
Thông qua BCG Energy, Bamboo Capital phát triển mảng năng lượng - một trong những trụ cột kinh doanh chính của tập đoàn, bên cạnh bất động sản, xây dựng hạ tầng,... Mục tiêu BCG Energy đề ra từ đầu năm là sẽ triển khai 300 MW cánh đồng điện mặt trời, 150 MW điện mặt trời áp mái và 500 MW điện gió.
BCG Energy lên tiếng về việc có mặt trong danh sách 54 công ty chậm trả nợ trái phiếu?
Ngày 21/02/2023 Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố danh sách 54 công ty chậm trả lãi, gốc trái phiếu trong Thông báo số 306/TB-SGDHN trong đó có Công ty Cổ phần BCG Energy - một thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital.
Đến ngày 24/02, BCG Energy đã ra thông cáo lý giải nguyên nhân của việc thay đổi thời hạn thanh toán trái phiếu cho đối tác Hanwha Energy.
Theo BCG Energy, ngày 4/9/2019, BCG Energy đã phát hành trái phiếu chuyển đổi, mã trái phiếu BONDBE/2019.01 cho Hanwha Energy Corporation Singapore Pte Ltd. Gói trái phiếu chuyển đổi trên trị giá 115.750.000.000 đồng (tương đương 5 triệu USD), được dùng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại thị trường Việt Nam theo thỏa thuận chiến lược giữa hai bên. Trái phiếu sẽ đáo hạn sau 3 năm kể từ ngày phát hành, tức ngày 4/9/2022, và có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu của BCG Energy trong trường hợp Hanwha Energy lựa chọn chuyển đổi, trong trường hợp này phía BCG Energy sẽ không có nghĩa vụ thanh toán thêm.
Trong giai đoạn trái phiếu sắp đến hạn, những thay đổi về điều kiện thị trường cũng như việc chưa có một chính sách dài hạn về năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cùng với đó là những biến động về kinh tế toàn cầu khiến Hanwha Energy quyết định không chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Thay vào đó, Hanwha Energy và BCG Energy đã thương thảo việc chuyển đổi một phần khoản trái phiếu thành khoản nợ với kỳ hạn thanh toán cuối cùng được thay đổi đến ngày 30/06/2023. Sau khi hai bên cùng đạt thỏa thuận về thời gian thanh toán, BCG Energy tiến hành công bố thông tin lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội theo quy định pháp luật. Đó cũng là lý do khiến BCG Energy có mặt trong danh sách các công ty thay đổi thời hạn trả nợ gốc trái phiếu mà HNX công bố gần đây.
|
Sở hữu trí tuệ
In bài viết