Tăng tỷ giá thực sự tốt?

(Kinhdoanhnet) -Thực tế hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp bị lỗ nặng vì chênh lệch tỷ giá. Đó là mặt trái của câu chuyện tỷ giá mà ít người chú ý tới.

Ngày 14/7 NHNN bất ngờ nâng giá mua ngoại tệ tại Sở Giao dịch lên tới 21.200 đồng/USD (tăng gần 100 đồng/USD), duy trì giá bán ra ở mức 21.400 VND/USD để "đỡ" tỷ giá không giảm thêm.

Trước đó gần 1 tháng, ngày 18/6, NHNN đã quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD, tương ứng tăng thêm 1% sau gần 1 năm "neo" tỷ giá.

Tăng tỷ giá thực sự có lợi cho xuất khẩu?

Năm 2014, Thống đốc NHNN cam kết tỷ giá sẽ không tăng quá 2% và quyết định tăng 1% vừa qua là lần đầu tiên NHNN tiến hành điều chỉnh tỷ giá của năm 2014.

Có một thực tế là tỷ giá ngoại tệ nhiều năm qua thường được tăng đều đặn và tăng "theo kế hoạch" - ngược lại với đà giảm tỷ giá nhất thời, không theo kế hoạch - là để hỗ trợ xuất khẩu (XK), các doanh nghiệp (DN) XK.

Đó là cách giải thích của nhà điều hành mỗi lần tỷ giá "nhúc nhích" từ 1 - 2%, được khá nhiều chuyên gia, DN tán thành, thậm chí còn yêu cầu tỷ giá phải được điều chỉnh ở biên độ cao hơn.

Những ngành hàng XK thủy sản, gạo, cà phê, cao su… mong muốn tỷ giá được điều chỉnh tăng ở mức 3 - 5%/năm để gia tăng lợi nhuận hoạt động đến mức cao nhất có thể.

Tăng tỷ giá thực sự tốt? - Ảnh 1
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thu mua ngoại tệ

Tuy nhiên, cách giải thích ấy có thể là một chiều về "thành tích" tăng tỷ giá của NHNN. Khi tỷ giá ngoại tệ tăng, các DN XK sẽ được thêm lợi nhuận, nhưng ngược lại, họ sẽ phải mất nhiều VND hơn để mua USD phục vụ nhập khẩu (NK) nguyên vật liệu, thiết bị...

Khi cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam là tương đối cân bằng, thì việc tăng tỷ giá không có nhiều ý nghĩa. Nói cách khác, tăng tỷ giá để hỗ trợ XK cũng không khác gì "móc túi" doanh nghiệp nhập khẩu để làm lãi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Còn chưa rõ DN XK sẽ có phần lãi từ chênh lệch tỷ giá cao hơn chi phí tăng thêm hay không? Qua nhiều đợt tăng tỷ giá, đến giờ, chưa có báo cáo nào của cơ quan chuyên trách đánh giá tác động của việc tăng tỷ giá tới kết quả kinh doanh của DN, trong khi thực tế có khá nhiều DN bị lỗ nặng vì chênh lệch tỷ giá. Đó là mặt trái của câu chuyện tỷ giá mà ít người chú ý tới.

Nếu đã định thúc đẩy XK thì về nguyên tắc, NHNN phải duy trì một tỷ giá cao hơn trước đây (tức làm tiền đồng yếu đi).  Trong bối cảnh cung ngoại tệ tăng mạnh thì NHNN càng phải tích cực mua ngoại tệ với tỷ giá cao hơn trước sao cho tỷ giá tiền đồng trong hệ thống ngân hàng và trên thị trường tăng thêm quanh quẩn 1 điểm phần trăm, mới tạo thuận lợi cho xuất khẩu đúng như ý muốn.

Tuy nhiên mức nâng giá mua USD mới đây vẫn thấp hơn mức mà các ngân hàng niêm yết trước khi NHNN điều chỉnh tỷ giá 1%. Tức là NHNN vẫn không muốn đồng VND yếu đi so với USD, nói cách khác NHNN đang hỗ trợ XK một cách nửa vời.

Mục tiêu là ổn định sản xuất, kiềm chế lạm phát.

 NHNN nâng cao giá mua vào USD đã khiến tích lũy ngoại tệ tăng rất nhanh. Theo NHNN, bình quân mỗi tháng đầu năm 2014, cơ quan này mua vào tới 2 tỷ USD. Đồng thời, việc điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% vào ngày 18/6 có thể khiến xu hướng bán ngoại tệ cho NHNN còn mạnh thêm. Việc NHNN mua vào lượng USD này đã tránh để thị trường tự điều tiết với nguồn cung lớn ngoại tệ, từ đó giúp bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, để mua vào được 10 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm này thì cũng có khoảng 210.000 tỷ VND được bơm ra thị trường, cho các NHTM qua nghiệp vụ thị trường. Nhưng NHNN không cho biết số tiền này có được đưa vào sản xuất hay không. Còn thực tế, tín dụng vẫn tăng chậm từ đầu năm 2014 đến nay. Các NHTM chủ yếu "tập trung" mua trái phiếu Kho bạc Nhà nước, thay vì bơm vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, một lượng lớn tiền đồng được tung ra thị trường như vậy sẽ gây áp lực lạm phát đối với nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá lần này không đáng lo ngại đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đề ra, bởi lạm phát đang lạm phát ở mức thấp, CPI tháng 5 chỉ tăng 1,08% so với cuối năm 2013.

Song những ngày gần đây, giá USD giao dịch tại ngân hàng đã tiếp tục đi xuống (đã giảm gần 100 VND/USD), giá USD trên thị trường tự do còn giảm sâu hơn. Do tỷ giá mới được điều chỉnh tăng nên để cân bằng thị trường thì dường như giải pháp duy nhất chặn đà đi xuống của giá USD là NHNN tiếp tục tăng mua USD.

Mà với mục tiêu chính sách đặt kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu thì sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi chính sách tỷ giá của NHNN trên thực tế vẫn thiên về giữ ổn định tỷ giá để giảm áp lực lạm phát, thay vì để nó tăng lên nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Để hài hòa mục tiêu hỗ trợ XK và hạn chế lạm phát, NHNN một mặt tăng tỷ giá ngoại tệ, một mặt phát hành thêm trái phiếu, tín phiếu NHNN hoặc nâng mức dự trữ bắt buộc để hút bớt tiền đồng tăng thêm từ quá trình mua vào ngoại tệ trước đó.

Ngày 17/7, Kho bạc Nhà nước phát hành thành công 5000 trái phiếu Chính phủ, chứng tỏ Nhà nước cũng rất quan tâm tới luân chuyển tiền đồng.

Nếu thực hiện được như vậy thì NHNN không còn phải bận tâm đến khả năng xung đột mục tiêu chính sách, giữa ổn định vĩ mô (lạm phát) và hỗ trợ xuất khẩu nữa.

Trong những tháng tiếp theo của năm 2014, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bà Hồng cho biết thêm.

Có thể nói mức điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ mới đây nhằm mục đích ổn định thị trường. Khi mà các DN luôn phải căn cứ vào chính sách điều hành tiền tệ của NHNN để xây dựng cơ cấu giá thành sản xuất phù hợp, đảm bảo bình ổn và tránh rủi ro tỷ giá làm ảnh hưởng tới bài toán lợi nhuận.

Quốc Hưng (tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục