Tái cơ cấu ngân hàng: DNNN vẫn chần chừ

(Kinhdoanhnet) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 20/6 số vốn mà các DNNN thoái khỏi lĩnh vực ngân hàng là 73 tỷ đồng, chỉ là phần lẻ so với con số hàng nghìn tỷ đồng mà các DNNN đầu tư vào ngành ngân hàng.

Tái cơ cấu ngân hàng đang là vấn đề với mọi ngân hàng nhưng với các ngân hàng mà Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là các cổ đông lớn thì quá trình này phụ thuộc nhiều vào chính các DNNN.

Thoái vốn chẳng được bao nhiêu

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 20/6 số vốn mà các DNNN thoái khỏi lĩnh vực ngân hàng là 73 tỷ đồng, chỉ là phần lẻ so với con số hàng nghìn tỷ đồng mà các DNNN đầu tư vào ngành ngân hàng. Tính đến thời điểm ngày 30/6, EVN còn giữ 16,2% cổ phần của ABBank, PVN nắm 20% cổ phần của OceanBank. Hay như Viettel là cổ đông lớn nhất nắm gần 15% cổ phần của Ngân hàng Quân Đội (MB) và nắm 33% cổ phần của Công ty Tài chính Vinaconex-Viettel. VNPT hiện đang giữ 8,95% vốn của ngân hàng (theo báo cáo thường niên 2013 của Maritimebank).

Hay mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết tổng số vốn tập đoàn này đầu tư vào SHB và SHS (CTCK mà SHB nắm cổ phần chi phối) là 400 tỷ đồng…

Tại sao Nghị quyết 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN đã được ban hành 5 tháng rồi mà tiến trình thoái vốn vẫn cứ chậm?

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã liên hệ với rất nhiều DNNN, như PVN, Viettel, EVN, VNPT, Vinacomin, Vinalines, Vinatex… để ngỏ ý muốn mua số cổ phần ngân hàng mà những DN này đang sở hữu. Theo ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, nguyên nhân các thương vụ mua bán vốn đầu tư vào ngân hàng chưa được thực hiên nhiều bởi theo Nghị quyết 15/NQ-CP, việc thoái vốn tại công ty đầu tư tài chính, ngân hàng, ngoài SCIC đảm nhận, các ngân hàng thương mại nhà nước cũng được quyền mua lại, hoặc chuyển giao phần vốn này về Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, những đơn vị “lỡ” đầu tư đang “đứng giữa ngã ba đường”, không biết bán cho ai để có lợi nhất.

Bên cạnh đó, dù nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn đầu tư vào ngành ngân hàng nhưng họ đang nghe ngóng động thái từ Chính phủ cũng như giải pháp nợ xấu. Vì thế việc liên hệ với các đối tác nước ngoài còn khá khó khăn.

Tái cơ cấu ngân hàng: DNNN vẫn chần chừ - Ảnh 1

Cái giá DNNN muốn?

Theo Nghị quyết 15/NQ-CP, giá SCIC mua được xác định theo giá thị trường, nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giảm giá đầu tư đã được trích lập. Tại thời điểm chuyển nhượng khoản đầu tư cho SCIC, nếu đơn vị nào chưa trích lập, hoặc trích lập chưa đủ dự phòng, thì phải trích lập bổ sung đầy đủ.

Với giá giao dịch trên thị trường OTC của ABBank hiện nay là 5.600 đồng/cổ phiếu và giả sử EVN mua cổ phiếu ABBank với giá 10.000 đồng/cổ phiếu thì EVN phải trích lập dự phòng là 4.400 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tỷ lệ 16,2%/vốn điều lệ là 4.800 tỷ đồng thì EVN phải trích lập dự phòng một số tiền không phải là nhỏ.

Nếu phải bán cho SCIC thì vẫn còn một năm nữa. Vì thế nhiều DNNN có ý chờ đợi thị trường khởi sắc mới bán để giảm lỗ, hoặc giảm số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro cũng là nguyên nhân khiến việc mua bán chưa được thực hiện. Ngoài ra, nhiều đơn vị hy vọng, thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ tung vốn để mua lại ngân hàng nhỏ, nhờ đó, họ sẽ bán được khoản đầu tư tài chính “hời” hơn so với bán cho SCIC.

Với những ngân hàng đã niêm yết thì họ chờ TTCK khởi sắc, giá cổ phiếu lên cao thì mới bán để giảm lỗ hoặc giảm thiểu tối đa khoản tiền phải trích lập dự phòng rủi ro. Còn với những ngân hàng chưa niêm yết thì càng có cơ hội là phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính, nên không đi đâu mà vội.

Khi mà các DNNN vẫn cứ chần chừ thì ngân hàng lại đang chạy đua với thời gian, tái cơ cấu. Vì thế, việc xác định được một cổ đông chiến lược mới sẽ nhanh chóng giúp họ hoàn thiện một chiến lược phát triển phù hợp.

Việc tái cơ cấu kết thúc càng sớm, ngân hàng càng có nhiều thời gian để phát triển, mở rộng trên thị trường. Quan trọng hơn, đây chính là thời cơ để bứt phá, lớn mạnh nếu có nhân tố mới, động lực mới.

Quốc Hưng (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục