Tái cơ cấu ngân hàng: Còn nhiều khó khăn

(Kinhdoanhnet) - Muốn tái cơ cấu, các NH cần phải tăng vốn điều lệ để có thể xử lý những vấn đề rủi ro trong hoạt động, cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh.

Những khó khăn về thị trường, nợ xấu hiện nay không nằm ngoài dự kiến của các chuyên gia ngân hàng, bởi vào cuối năm 2013 nhiều chuyên gia đã đưa ra các dự báo xung quanh những vấn đề này. Mặc dù các NH đang rất nỗ lực để giải quyết những vấn đề liên quan đến nợ, tăng trưởng, kiểm soát rủi ro nhưng càng giải quyết thì mức độ khó khăn càng tăng lên, lớn hơn so với dự báo, bởi yêu cầu đảm bảo an toàn, hiệu quả đặt ra cho ngành NH mỗi ngày một cao. Mặc dù các NHTM đã nỗ lực hy sinh lợi nhuận trích lập dự phòng, bán nợ xấu cho VAMC, xử lý thu hồi bằng tiền và phát mãi tài sản nhưng kết quả thu được không nhiều.

Từ đầu năm đến nay, các NHTM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực xử lý nợ xấu khoảng 8.000 tỷ đồng trong tổng số 47.000 tỷ đồng nợ xấu của các NH. Lí giải cho việc nợ xấu không giảm, đại diện NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, do nợ xấu vẫn phát sinh từ các khoản vay cũ trước đây khi DN không bán được hàng để trả nợ vay.

Chưa kịp giải quyết vấn đề nợ xấu, các NH giờ đây tiếp tục đối mặt với vấn đề mới là sẽ áp dụng chuẩn Basel II với hàng loạt quy định khắt khe hơn khiến áp lực đối với các NHTM càng lớn hơn. Vì thực tế, khi được hỏi về vấn đề áp chuẩn Basel II, nhiều NHTM cũng sốt sắng công bố đã thực hiện thử nghiệm, do nợ xấu tăng mạnh nên hầu hết các NH đều áp dụng những nguyên tắc quản lý, đặc biệt là quản trị rủi ro có phần tương đồng với Basel II. Thậm chí, một số NH áp dụng ngay những quy tắc trong Basel II để thực hiện dù còn 4 năm nữa mới đến lộ trình phải áp dụng.

Nợ xấu vẫn là khó khăn lớn nhất với các ngân hàng
Nợ xấu vẫn là khó khăn lớn nhất với các ngân hàng

 

Khó tăng vốn

Với các vấn đề đang diễn ra, theo lãnh đạo một NH, giải pháp để xử lý tốt nợ xấu cũng như áp dụng chuẩn Basel II là các NH buộc phải tái cơ cấu mạnh mẽ hơn. Muốn tái cơ cấu, các NH cần phải tăng vốn điều lệ để có thể xử lý những vấn đề rủi ro trong hoạt động, cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh.

Từ năm 2013 đến nay, rất nhiều NH đã công bố kế hoạch tăng vốn nhưng vẫn chưa thực hiện được do giá cổ phiếu của nhiều NH đang giao dịch dưới mệnh giá, cổ tức kém hấp dẫn trong khi lộ trình lên sàn vẫn chưa rõ ràng, cụ thể. Đó là chưa kể trong khi áp lực sáp nhập, hợp nhất giữa các NH nhỏ ngày càng nóng không hấp dẫn nhà đầu tư tham gia góp vốn.

Đang trong giai đoạn nỗ lực tái cơ cấu, ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB cho biết, để nâng cao tiềm lực tài chính, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, SCB có kế hoạch gọi thêm 2.000 - 3.000 tỷ đồng từ cổ đông nước ngoài. Thế nhưng, khi thị trường khó khăn, việc gọi vốn nước ngoài không phải lúc nào cũng như mong đợi.

Từng thất bại trong kế hoạch gọi vốn, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank chia sẻ, trước diễn biến thị trường hiện nay, không dễ đạt mức giá bán phù hợp. Kể lại câu chuyện, ông Bình cho biết HĐQT DongA Bank đã lập hồ sơ xin tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 17/12/2013 - ngày văn bản cho tăng vốn của NHNN hết hiệu lực, nguồn tiền chuẩn bị chưa kịp nên cổ đông đã đề nghị HĐQT DongA Bank cho gia hạn thời gian nộp tiền mua cổ phiếu, với khoảng 700 tỷ đồng. Đến nay, DongA Bank vẫn chưa có thông báo mới nào về việc tăng vốn điều lệ.

Tương tự, Eximbank cũng không thể hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ, cho dù là nguồn vốn để phát hành từ việc chia cổ phiếu thưởng và chi trả cổ tức. Cụ thể, theo Nghị quyết ĐHCĐ năm 2013, Eximbank sẽ phát hành trên 756 tỷ đồng để tăng vốn lên trên 13.111 tỷ đồng vào cuối năm 2013. Nhưng đến nay, khi năm tài chính 2013 đã đi qua, Eximbank vẫn chưa triển khai được kế hoạch tăng thêm vốn…

DNNN chưa thoái vốn khỏi ngân hàng

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 20/6, số vốn mà các DNNN thoái khỏi lĩnh vực ngân hàng là 73 tỷ đồng. Đây quả là một con số khiêm tốn, so với tổng vốn đầu tư ngoài ngành lên tới hàng nghìn tỷ đồng của các "ông lớn".

Chỉ tính sơ bộ, đến thời điểm ngày 30/6, EVN còn giữ 16,2% cổ phần của ABBank, PVN nắm 20% cổ phần của OceanBank. Hay như Viettel là cổ đông lớn nhất nắm gần 15% cổ phần của Ngân hàng Quân Đội (MB) và nắm 33% cổ phần của Công ty Tài chính Vinaconex-Viettel. VNPT hiện đang giữ 8,95% vốn của ngân hàng (theo báo cáo thường niên 2013 của Maritimebank).

Hay mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết tổng số vốn tập đoàn này đầu tư vào SHB và SHS (CTCK mà SHB nắm cổ phần chi phối) là 400 tỷ đồng…

 Khi mà công cuộc tái cơ cấu ngân hàng vẫn đang diễn ra thì các Tập đoàn Nhà nước vẫn bình chân như vại. Các DNNN mặc dù muốn bán cổ phần của mình tại các ngân hàng nhưng họ vẫn đang tìm đối tác phù hợp để giảm lỗ. Với những ngân hàng đã niêm yết thì họ chờ TTCK khởi sắc, giá cổ phiếu lên cao thì mới bán để giảm lỗ hoặc giảm thiểu tối đa khoản tiền phải trích lập dự phòng rủi ro. Còn với những ngân hàng chưa niêm yết thì càng có cơ hội là phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính, nên không đi đâu mà vội.

Như vậy, có thể thấy công cuộc tái cơ cấu ngân hàng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.

Quốc Hưng (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục