Trung tuần tháng 8/2014, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã lần lượt công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014. Theo đó, tỉ lệ nợ xấu hầu hết đều tăng, thậm chí là tăng cao, nhất là đối với ngân hàng lớn lâu nay vốn duy trì tỉ lệ nợ xấu ở ngưỡng an toàn 3% mà NHNN đưa ra.
VietinBank cho biết, năm nay nợ xấu tăng 1,5 lần so với năm ngoái, chiếm 2,53% tổng dư nợ, tương đương 9.575 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 lên tới 3.172 tỷ đồng
Các ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng có mức nợ xấu tăng lên 3,09%, ở mức hơn 9.030 tỉ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng gần 71% trong 6 tháng lên gần 4.770 tỉ đồng. Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) thì có tỉ lệ nợ xấu tăng lên 3,1%.
Tính đến hết quý II Oceanbank có 1.258 tỷ đồng dư nợ được coi là nợ xấu trên tổng dư nợ 30.986 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 4,05%. Tuy nhiên, nếu tính cả phần dư nợ 303 tỷ đồng phát sinh trong năm 2013 được phân loại thu hồi và trích lập theo hướng dẫn của NHNN là nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu của Oceanbank là 5,03%.
Mặc dù nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng gia tăng nhưng công ty mua bán nợ VAMC có vẻ như vẫn chưa thực sự hoạt động tích cực.Theo lãnh đạo của VAMC, kể từ khi thanh lập tới nay công ty này mới mua được gần 55.000 tỷ đồng nợ xấu từ 35 tổ chức tín dụng.
Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, số nợ xấu mà VAMC mua vào đạt khoảng 16.000 tỉ đồng, còn rất xa với mục tiêu 70.000-100.000 tỉ đồng nợ xấu của cả năm 2014. Trong số 55.000 tỷ đồng nợ xấu mua vào mới chỉ có 1.400 tỷ đồng được xử lý, chưa thấm vào đâu so với số nợ mua vào.
VAMC đang thực sự gặp khó khi bán nợ xấu
Nguyên nhân
Về nguyên nhân nợ xấu của ngân hàng tăng bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, do kinh tế vĩ mô. Trong thời gian gần đây, kinh tế vĩ mô đã tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, và đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc gia tăng nợ xấu ở các ngân hàng.
Về phía các ngân hàng Các ngân hàng cho vay nhưng thẩm định sơ sài, không nắm được các thông tin chính xác về khách hàng nên mới dẫn đến tình trạng nợ xấu. Hay có những tiêu cực trong hệ thống ngân hàng như tình trạng sở hữu chéo, rồi Chính phủ chỉ định cho vay như trường hợp Vinashin, Vinalines... mới dẫn đến việc nợ xấu gia tăng.
Lý giải về việc nợ xấu thì gia tăng nhưng các ngân hàng lại dè dặt trong việc bán nợ xấu cho VAMC, PGS.TS Trần Huy Hoàng, Nguyên Trưởng khoa Ngân hàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết, bản chất hoạt động của công ty mua bán nợ xấu là kéo dài thời gian xử lý nợ xấu chứ không phải là có một nguồn khác để giải quyết nợ xấu này.
"Ví dụ như ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC thì VAMC sẽ phát hành trái phiếu. Trái phiếu này ngân hàng sẽ mang đến NHNN để sử dụng làm tài sản đảm bảo, vay của NHNN. Nhưng khi trái phiếu đến hạn thì ngân hàng thương mại vẫn phải nhận lại nợ xấu để xử lý, cho nên bán nợ xấu của VAMC chỉ kéo dài thời gian, giảm áp lực nợ xấu chứ không thể giải quyết được các khoản nợ xấu này", PGS. Hoàng cho biết.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc dịch vụ tài chính, ngân hàng của EY Việt Nam cho rằng, sở dĩ các ngân hàng không mặn mà bán nợ cho VAMC, vì sau khi bán nợ, ngân hàng phải vẫn phải chịu trách nhiệm chính xử lý nợ. Nếu bán nợ thành công, ngân hàng phải trích lại một phần phí cho VAMC. Chưa kể, sau bán nợ, mỗi năm, ngân hàng lại phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho khoản nợ đó.
Trong khi đó, với hành lang pháp lý chưa đầy đủ, nhiều quy định vừa ban hành đã bộc lộ tính bất hợp lý, VAMC đang cần rất nhiều hỗ trợ từ phía cơ quan có thẩm quyền để có thể hoàn thành trọng trách của mình.
Một điều rất quan trọng để VAMC có thể mua đứt bán đoạn nợ là VAMC phải có tiền. Hơn 52.000 tỷ đồng nợ họ đã mua đều bằng "giấy". Việc bổ sung vốn từ nguồn ngân sách để VAMC có nguồn lực mua nợ theo cơ chế thị trường vẫn đang được xem xét. NHNN đã có đề nghị "xin" một khoản tiền khiêm tốn ban đầu cấp cho VAMC mua nợ nhưng Bộ Tài chính chưa gật. Có lẽ trong tình hình ngân sách chưa hết co kéo, những người quyết định lo rằng sẽ có ý kiến phản đối việc "lấy tiền của dân đi mua nợ" cho ông chủ ngân hàng. Nhưng nếu không có động tác này, các khoản nợ vẫn luẩn quẩn ở chân ngân hàng.
Quốc Hưng (Tổng hợp)