Tác nghiệp giữa trùng khơi

(Kinhdoanhnet) - Đối với những người làm báo, được tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là một niềm khát khao cháy bỏng, không dễ gì có được. Thế nhưng, trong chuyến đi này, chúng tôi được đồng hành tác nghiệp cùng nhiều nhà báo đã may mắn đến với quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc hai đến ba lần. Với họ, mỗi chuyến đi không chỉ là một trải nghiệm mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo...

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015), phóng viên website Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc trò chuyện cùng các nhà báo sau chuyến tác nghiệp tại Trường Sa.

Xúc cảm Trường Sa

Với phóng viên trẻ Mai Vinh (Báo Tuổi trẻ TP.Hồ Chí Minh), đây là lần đầu tiên anh được đến quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 tác nghiệp vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm của các nhà báo để đem đến những hình ảnh sinh động, những bài viết nóng hổi về cuộc sống của quân và dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Tác nghiệp giữa trùng khơi - Ảnh 1
Những phóng viên tác nghiệp ở Trường Sa

Mai Vinh chia sẻ: Làm nghề báo, chuyến công tác nào cũng khiến tôi thích, cảm thấy thú vị. Nhưng Trường Sa là điểm đến luôn khiến tôi mong ước từ khi mới bước vào nghề. Không phải ở đó có những đề tài thú vị có thể đăng tải trên báo mà nơi đó không dễ có cơ hội đến Trường Sa. Cái tên Trường Sa quá quen thuộc nhưng tôi chưa một lần chạm chân lên những đảo nổi, đảo chìm nên tôi càng háo hức chờ đón cơ hội được lên đường đến Trường Sa.

Đến nơi ấy rồi mới hiểu hai chữ "chủ quyền" nó thiêng liêng đến nhường nào đối với mọi người dân Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là bất khả xâm phạm, vì đó là mảnh đất mà những bậc tiền nhân đã đổ mồ hôi, xương máu đi tìm và xác lập thuộc về Việt Nam trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Khác với phóng viên trẻ Mai Vinh, nhà báo Nguyễn Việt Hòa (Báo Hải Dương) – người đã có tới ba lần được đi công tác trên các vùng biển đảo của đất nước, nhưng đây là lần đầu tiên đến với Trường Sa thân yêu. Việt Hòa kể lại: Hai lần trước tôi đi công tác tại vùng 5 và các nhà giàn vùng 2. Mỗi vùng biển của Tổ quốc có những sự khác biệt về cảnh quan, tài nguyên cũng như con người. Song, ấn tượng về các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi biển, đảo luôn sâu sắc, đặc biệt là ở Trường Sa. Điều kiện sống trên các đảo ở Trường Sa mặc dù còn khó khăn, khắc nghiệt nhưng đi đến đâu tôi cũng bắt gặp những nụ cười thân thiện. Cái cách những người lính kể về những khó khăn vất vả ấy một cách nhẹ nhàng như hơi thở, như cuộc sống này vốn thế khiến tôi cảm động vô cùng. Chị chia sẻ: Trong chuyến đi này, may mắn tôi được tới Sinh Tồn Đông. Khi vừa lên đảo, tôi đã nhận được điện thoại của một chiến sỹ ở đây, do người bạn của tôi cho số. Thời gian trên đảo không nhiều, tôi chỉ kịp gặp bạn trong giây lát. Bạn tặng tôi một con ốc biển để nhớ về đảo Sinh Tồn Đông. Đứng dưới gốc cây bàng vuông (loài cây đặc trưng trên đảo) mà tôi bồi hồi như gặp lại người quen cũ, vì tôi biết đã có những người lính ngồi đọc thơ tôi dưới tán cây này. Chiến sỹ tặng tôi con ốc biển hẳn cũng đã biết đến tôi trước khi tôi tới đây. Đó là kỷ niệm mà tôi không thể nào quên.

Còn với nhà báo Đào Vân Hương (Báo Quân đội nhân dân) được đến với Trường Sa - vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc là mơ ước cháy bỏng của tôi trong cuộc đời làm báo. Và khi được đặt chân lên những hòn đảo giữa bốn bề sóng nước ấy, tôi đã được gặp những hình ảnh rất đỗi bình dị và thân quen. Đó là những mái chùa cong cong, những lớp học với tiếng trẻ ê a học bài lẫn trong tiếng sóng biển, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Và hình ảnh sâu đậm nhất là những người chiến sĩ với nước da đen sạm vì sóng gió đang vững chắc tay súng trên những đảo nổi, đảo chìm trên quần đảo Trường Sa. Họ, dù là những người chiến sĩ ở độ tuổi 18 - đôi mươi, hay là những cán bộ chỉ huy mái tóc điểm bạc, đã nhiều năm gắn bó với biển cả, đều có một đặc điểm chung, họ đến từ mọi miền quê trên khắp cả nước, đã nguyện gắn bó với biển cả quê hương, thực hiện nhiệm vụ vô cùng gian khổ nhưng rất đỗi vinh quang là tiếp bước cha anh bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Đối với nhà báo Bùi Bình Thiết, trong chuyến đi, ông “lân la” khắp các hòn đảo, nhà giàn nơi đoàn đến để gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ và người dân để khai thác những đề tài mới, hấp dẫn. Ông tâm sự: Tôi may mắn được đi Trường Sa ba lần, mỗi lần lại cho tôi một ấn tượng mới mẻ. Riêng lần này, ấn tượng có ngay từ những giờ đầu tiên trên đường ra đảo. Đó là, khi ngồi trên con tầu to hơn, hiện đại hơn đi gần 36 tiếng đồng hồ trên trùng dương mênh mông, xanh thẳm đã cho tôi một cảm giác sung sướng, tự hào được sở hữu một vùng biển rộng lớn, giàu có... càng nhớ rõ hơn câu nói của Bác Hồ... "Ngày nay ta có biển có trời”.

Cũng theo ông, những giờ phút ở đảo, tôi được gặp gỡ trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ trên đảo, những người đã cho tôi một hình ảnh đẹp của anh "Bộ đội Cụ Hồ", vượt mọi gian khó, ngày đêm luyện  tập sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển trời của Tổ quốc. Và tôi được tiếp xúc trò chuyện với những gia đình sống trên đảo (mà chuyến đi lần trước, năm 2005 chưa có). Họ là những hộ dân của xã đảo Song Tử Tây, Thị trấn Trường Sa của huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Tất cả đều yên vui, đầm ấm, gắn bó tình quân dân. Đặc biệt là các cháu nhỏ. Mai đây, những công dân nhỏ tuổi này sẽ trở thành những người lính tinh nhuệ, những ngư dân cường tráng và những công chức gương mẫu, tham gia vào hệ thống chính quyền, tiếp tục quản lý vĩnh hằng biển đảo.

Trách nhiệm của nhà báo

Trong những ngày tác nghiệp giữa trùng khơi, ở Trường Sa và nhà giàn DK1, cánh báo chí chúng tôi có dịp thâm nhập thực tế, cảm nhận được biển đảo quê hương như thế nào. Cảm nhận được ý thức bảo vệ chủ quyền của mỗi người dân Việt Nam với biển, đảo quê hương ra sao và hiểu biết được tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sỹ trên khu vực nhà giàn DK1. Mỗi phóng viên chúng tôi, chuyến đi không chỉ là một trải nghiệm mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ tuyên truyền nhiều hơn về Trường Sa để người dân cả nước tin tưởng, yên tâm hơn với những cột mốc chủ quyền trên quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc ở biển Đông. Đồng thời cũng giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo hiểu rõ hơn tấm lòng của đồng bào trong đất liền luôn luôn bên cạnh cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa và nhà giàn DK1 với tinh thần “Trường Sa vì cả nước, cả nước hướng về Trường Sa”.

Là phóng viên một tờ báo Đảng địa phương, nhà báo Nguyễn Việt Hòa tự thấy mình có trách nhiệm phản ánh về tình hình biển, đảo cho người dân trong tỉnh được biết. Những năm qua, Báo Hải Dương rất quan tâm đến chủ đề biển đảo, năm nào cũng cử phóng viên đi tác nghiệp ở khắp các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chuyến đi này, nhiệm vụ của tôi không chỉ là viết bài. Tôi là một thành viên trong đoàn công tác của tỉnh có trách nhiệm như một cây cầu nối giữa Trường Sa với đất liền. Trước khi tham dự chuyến đi, đoàn đã đi thăm, tặng quà tất cả các gia đình ở Hải Dương có con em đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Khi đến các đảo, đoàn đã có nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, gặp gỡ các cán bộ, chiến sỹ là người con của tỉnh Hải Dương ở đây để động viên các cán bộ, chiến sỹ tâm công tác.

Nhà báo Bùi Bình Thiết: Không chỉ nhà báo nhiều năm trong nghề mà với bất cứ nhà báo nào thì Trường Sa cũng đều là đề tài thời sự hấp dẫn, bởi Trường Sa gắn bó với dân tộc. Nơi đây, cuộc sống và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của người lính đảo chuyển động từng ngày, từng giờ. Là người cầm bút, tôi như còn một “mối nợ” với Trường Sa. Hình hài của những hòn đảo thân thương, máu thịt với đất liền, những vọng gác chủ quyền với cán bộ chiến sĩ, với người dân và những cháu nhỏ sống ở đó sẽ luôn là những thành tố, nhân vật sống động, hấp dẫn của hôm nay, ngày mai, đi suốt cuộc đời sáng tác của tôi. Vì vậy, nếu được nhắn nhủ bộ đội trên quần đảo Trường Sa, điều tôi mong muốn và gửi niềm tin nơi các anh là hãy phát huy truyền thống kiên cường bất khuất, thông minh sáng tạo của cha ông thực hiện “dĩ bất biến” là bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, Trưởng đoàn công tác số 9 ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa - năm 2015 cho rằng: Các phóng viên báo, đài trong chuyến đi này hết sức năng động, không quản ngại khó khăn tác nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi và lên cả nhà giàn DK1 gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ, khai thác tư liệu. Với tình hình Biển Đông phức tạp như hiện nay, chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí phải vào cuộc thực sự tuyên truyền để cho mọi người dân kể cả kiều bào ta ở nước ngoài hiểu rõ tính chính nghĩa và tính pháp lý, tính lịch sử của các vùng biển chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngô Xuân Lộc

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục