Cây sung có tên khoa học là Ficus racemosa L., thuộc họ dâu tằm. Quả sung mọc thành chùm ở thân hoặc cành già, khi chín có màu đỏ, vị ngọt. Quả non hơi chát và nhiều nhựa. Quả sung không những dùng để ăn mà còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.
Quả sung có nhiều công dụng tuyệt vời với sức khỏe
Theo nghiên cứu hiện đại, quả sung có chứa glucose, saccarose, quinic acid, shikimic acid, oxalic acid, citric acid, malic acid, auxin, các nguyên tố vi lượng như canxi, phot pho, kali... và một số vitamin như C, B1... Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm bước đầu cho thấy, quả sung có tác dụng nhuận tràng, hạ huyết áp và phòng chống ung thư.
Trong y học cổ truyền, quả sung vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện, tiêu thũng giải độc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn, phong thấp....
Trong chương trình Ngon và lành (VTC14), ông Trần Khánh Hoành, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Nghệ An, cho biết: "Quả sung có thể chữa táo bón, giảm béo, hạ colesterol, tăng thể lực, giảm đau, giảm ho, đồng thời phòng được tiểu đường và ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Đặc biệt, tuy là món ăn dễ tìm, dễ chế biến nhưng trong quá trình sử dụng cũng cần lưu ý để lựa chọn sung đảm bảo vệ sinh. Cụ thể:
- Sung phải là những quả được hái tươi xanh, không nên hái sung quá già.
- Nên chọn những quả sung còn nguyên chùm, quả to vừa, đồng đều, không bị dập nát. Cầm cuống cắt các quả sung vào một chậu nước pha dấm loãng để ngâm cho sung ra bớt nhựa, vớt ra xả lại với nước rồi để ráo.
- Để sung muối được ngon quan trọng nhất là cách pha dung dịch ngâm sung. Nếu muốn dùng để ăn dần thì các bạn cũng thái mỏng sung, pha loãng hỗn hợp dấm đường nước mắm tỏi ớt với nước lọc rồi ngâm với sung. Với dụng cụ đựng, tốt nhất các bạn nên dùng lọ thủy tinh, trữ trong ngăn mát tủ lạnh có thể để được 3 tháng mà sung vẫn giữ nguyên được chất lượng cũng như độ giòn.
Dương Yến (Theo SK&ĐS, VTC)