Dồn dập lên sàn
Mới đây, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội - MIC (HoSE: MIG) sẽ chính thức đưa 130 triệu cổ phiếu lên giao dịch phiên đầu trên HoSE vào ngày 21/1 với giá tham chiếu 15.550 đồng/cp. Tương ứng mức định giá hơn 2.000 tỷ đồng.
MIC từng nộp hồ sơ đăng kí niêm yết lên HOSE vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, vì thị trường chứng khoán vẫn trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh, công ty quyết định chờ thời điểm tốt hơn để chuyển sàn.
Cổ phiếu MIG được giao dịch trên UPCoM từ tháng 5/2017 và bắt đầu tăng mạnh từ tháng 12/2020, từ dưới 12.000 đồng/cổ phiếu lên khoảng 18.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng khoảng 50%.
Tính từ thời điểm đầu năm 2020, cổ phiếu MIG đã tăng khoảng 64%. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 76.000 cổ phiếu/ ngày.
Chốt phiên giao dịch ngày 12/12021, thị giá cổ phiếu MIG ở mức 17.800 đồng/cp, ghi nhận tăng 180% kể từ khi niêm yết.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc chính thức đưa 72,8 triệu cp PRE của Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI vào giao dịch ngày 24/12/2020 với giá tham chiếu 20.000 đồng/cp. Như vậy, Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI được định giá gần 1.500 tỷ đồng.
Chốt phiếu giao dịch ngày 15/1/2021, thị giá cổ phiếu PRE ở mức 18.700 đồng/cp, ghi nhận giảm 2% so với ngày đầu tiên niêm yết.
PRE được thành lập vào tháng 7/2011, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tái bảo hiểm, kinh doanh đầu tư tài chính, là công ty thành viên của PVI Holdings, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Công ty tăng vốn điều lệ lên 668 tỷ đồng và thông qua chủ trương cổ phần hóa từ tháng 10/2013. Gần 5 năm sau đó, hồi tháng 9/2018, PRE tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 728 tỷ đồng và duy trì đến thời điểm hiện tại.
Tại thời điểm 08/05/2020, PRE có 2 cổ đông lớn gồm Công ty mẹ PVI (73.11% vốn) và ông Nguyễn Phúc Anh (9.88% vốn).
Tương tự, ngày 8/1/2021 vừa qua, 80 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã lên sàn UPCoM mã chứng khoán AIC với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.400 VND/cổ phiếu.
VNI được thành lập ngày 23/04/2008 với vốn điều lệ 800 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và đầu tư tài chính. Tính đến 5/11/2020, doanh nghiệp này không có cổ đông nào nắm giữ trên 5% cổ phần.
Chốt phiên giao dịch ngày 15/1/2021, thị giá cổ phiếu AIC dừng ở mức 28.700 đồng/cp, ghi nhận tăng 98% so với ngày đầu tiên niêm yết.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đang làm ăn ra sao?
MIG được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trải qua 5 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của MIG lên 1.300 tỷ đồng kể từ năm 2019 đến nay và tổng tài sản là 5.522 tỷ đồng. MIG có duy nhất 1 cổ đông lớn là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) với tỷ lệ sở hữu vốn là 69.58%.
Xét về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2017 -2019, doanh thu phí bảo hiểm và lợi nhuận trước thuế tại MIG có sự tăng trưởng đều. Tuy nhiên, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2020 đi lùi 15%.
Cụ thể, theo BCTC hợp nhất quý 3/2020, sau 9 tháng đầu năm 2020, MIG có lãi trước thuế và sau thuế đều giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt còn gần 123 tỷ đồng và hơn 98 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc sụt giảm này là do tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ phải trả chiếm gần 73% trong tổng nguồn vốn của MIG, ghi nhận hơn 3.849 tỷ đồng, chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ hơn 2.488 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm.
Mới đây, MIG vừa công bố lợi nhuận trước thuế năm 2020 ước đạt 242 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm đạt 3.157 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ 2019 và gấp tới 4 lần so với bình quân thị trường.
Tại PRE, tình hình kinh doanh những năm gần đây khá tích cực. Doanh thu thuần qua các năm dao động trong khoảng 600 - 700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm quanh mức 400-600 tỷ đồng.
Cụ thể năm 2016, PRE ghi nhận doanh thu thuần đạt trên 673 tỷ đồng, lãi trước thuế gần 138 tỷ đồng thì đến năm 2019, doanh thu thuần lúc này lên mức 687 tỷ đồng, lãi trước thuế 170 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 23%.
Tuy nhiên, nợ phải trả của PRE ngày càng tăng. Nếu như năm 2016, nợ phải trả của công ty chiếm 2.671 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,45 lần thì đến ngày 30/9/2020, tổng dư nợ tồn đọng đã lên đến 3.624 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là hơn 4 lần, tỷ lệ nợ phải trả chiếm hơn 80% tổng nguồn vốn của PRE.
Đáng chú ý, mục tiền và các khoản tương đương tiền tại PRE liên tục giảm mạnh qua các năm. Tính đến 30/9/2020, giảm 59% so với hồi đầu năm, chỉ còn vỏn vẹn 34,7 tỷ đồng.
Mới đây, ông Trịnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc PVI Re cho biết dù chưa hết năm 2020 nhưng PVI Re tự tin sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra cho năm 2020 ở cả doanh thu và lợi nhuận. Tổng doanh thu dự kiến vượt kế hoạch trên 5%.
Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế sẽ đạt tối thiểu 180 tỷ đồng, vượt 12% so với mức kế hoạch 160 tỷ đồng được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua từ đầu năm.
Còn tại AIC, giai đoạn 2017 -2019 ghi nhận lợi nhuận trồi sụt qua các năm. 9 tháng đầu năm 2020, VNI lãi ròng hơn 4 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính lại giảm 30%, xuống còn hơn 61 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương gần 116 tỷ đồng, tuy nhiên con số này đã giảm 50% so với cùng kỳ. Trong đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh riêng quý 3/2020 âm hơn 59 tỷ đồng dù cùng kỳ năm ngoái chỉ âm 3,5 tỷ đồng do tiền chi cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh.
Tương tự như MIG, PRE, nợ phải trả của AIC liên tục tăng qua các năm. Tính đến 30/9/2020, tỷ lệ nợ phải trả chiếm 67% trong tổng nguồn vốn của AIC, ghi nhận 1.687 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính của AIC mấy năm trở lại đây.
Vnfinance/SHTT
In bài viết