Sức ép lớn đối với môi giới BĐS trong thời gian tới
Theo ông Đoàn Chí Thanh – Phó Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng Hội ra đời sẽ góp phần đưa hoạt động giới môi giới từng bước được chuyên nghiệp. Ông Thanh cho biết, Từ sau năm 2000 chúng ta mới có cái gọi là thị trường BĐS thật sự, rồi mới có các loại sổ đỏ, sổ hồng, đủ loại giao dịch nhà ở. Từ đó thị trường cũng xuất hiện những người hoạt động môi giới như chúng tôi với tên gọi là “cò”. Từ những “cò” này chuyển mình thành nhiều đại gia, do một bộ phần có thể nhìn trước được thời cuộc và rất nhạy bén khi thị trường BĐS mới chớm hình thành.
Thị trường phát triển khởi sắc từ 2006, các chủ đầu tư lại “ôm” hết mọi việc từ hoạch định kế hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dự án và tự bán sản phẩm luôn. Khi đó môi giới muốn gặp chủ đầu tư là rất khó. Tuy nhiên, khi thị trường lao dốc từ năm 2007-2008 đã đẩy các nhà phát triển BĐS gặp vô vàn khó khăn. Đây cũng là thời điểm được gọi là thị trường của những người đi mua, thị trường của những nhà môi giới chuyên nghiệp quyết định chứ không phải là nơi hoạt động của các nhà môi giới “đứng đường”.
Chúng ta đã thấy rõ một sự sàng lọc rất lớn ở lĩnh vực môi giới BĐS khi thị trường đóng băng kéo dài. Chỉ những nhà môi giới hoạt động chuyên nghiệp, bài bản mới tạo được tính cạnh tranh mạnh mẽ, tạo lập được thị trường - ông Thanh phân tích.
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng cho rằng, Ngay sau khi có những thông tin về quy định bỏ giao dịch bất động sản qua sàn, qua khảo sát, các giao dịch nhà ở qua sàn vẫn được tin tưởng cao. Sắp tới nếu có sự thay đổi lớn nhất cũng chỉ là sự sàng lọc những nhà môi giới làm ăn thiếu chuyên nghiệp, làm ăn lôm côm. Nói là giao dịch BĐS không bắt buộc qua sàn nhưng thực tế để bán hàng, bản thân các chủ đầu tư cũng phải bỏ kinh phí để xây dựng một đội ngũ bán hàng, tư vấn của riêng. Chi phí này chắc chắn cao hơn so với nhờ qua sàn sẵn có.
Chúng ta biết rằng cuộc sống ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều có sự phân công xã hội rất rõ nét. Từ đó cho thấy, các nhà phát triển dự án cần tập trung xây dựng dự án để đúng cam kết và đảm bảo chất lượng, việc đầu ra cho sản phẩm hãy để các nhà môi giới BĐS giải quyết. Việc mua bán nhà không phải qua sàn chắc chắn sẽ xuất hiện một lớp nhà đầu tư mới. Đó là các công ty môi giới BĐS đã có thị trường sẽ chuyển sang đầu tư dự án để tự phân phối trực tiếp đến tay khách hàng.
Theo ông Thanh, các giao dịch BĐS trên thị trường không nhất thiết phải thông qua sàn sẽ không tạo ra nhiều thay đổi lớn trên thị trường BĐS trong thời gian tới. Các khách hàng mua nhà giờ quen tìm đến những đơn vị môi giới chuyên nghiệp, hoạt động bài bản và đảm bảo cung ứng cho khách hàng những sản phẩm nhà ở đạt chất lượng cao.
Nhận định về nghề môi giới, GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, nghề môi giới là một nghề gắn với sự phát triển của thị trường, đó là một chỉ số để thông báo rằng thị trường lúc này đang nóng hay là đang lạnh.Với người tiêu dùng muốn mua nhà từ chủ dự án, anh ta chỉ viết thông tin có 1, còn nếu tiếp xúc với người môi giới, anh ta sẽ biết thông tin đến 10 và lựa chọn 1. Chính vì vậy mà nghề môi giới luôn luôn tồn tại, luôn luôn tạo nên sức mạnh của thị trường. Cái cốt lõi của nghề môi giới chính là vấn đề thông tin và nó làm cho thị trường sôi động cũng chính là ở vấn đề thông tin. Làm môi giới mà không có thông tin thì chắc chắn sẽ không làm được.
Thị trường bất động sản muốn phát triển, nghề môi giới phải cực kỳ chuyên nghiệp, nó sẽ tạo cho thị trường hoạt động rất tốt và tạo ra hiệu quả rất cao. Trên thực tế ở các nước phát triển hoạt động môi giới mang lại lợi ích cực kỳ tốt cho người làm và cho toàn thị trường.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ, DDDN)