Sự thật về detox thải độc cơ thể: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ đáng sợ cho tim, xương, đại tràng!

Detox nổi lên trong thời gian gần đây như một phương pháp giảm cân và thải độc cơ thể. Nhưng detox có thực sự hiệu quả không? Hãy cùng xem chuyên gia dinh dưỡng nói gì về detox.

Detox nổi lên trong thời gian gần đây như một phương pháp giảm cân và thải độc cơ thể. Nhưng detox có thực sự hiệu quả không? Hãy cùng xem chuyên gia dinh dưỡng nói gì về detox.

Sự thật về detox thải độc cơ thể: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ đáng sợ cho tim, xương, đại tràng! - Ảnh 1

Detox được quảng bá rộng khắp là một biện pháp thải độc cơ thể nhanh chóng với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, detox không phải lúc nào cũng là quyết định tốt nhất cho sức khỏe của bạn - và nó thực sự có thể gây hại cho sức khỏe, theo các chuyên gia dinh dưỡng Mỹ.

Dưới đây là những điều bạn cần biết về lý do tại sao detox có thể không hiệu quả và những rủi ro detox có thể gây ra cho sức khỏe của bạn, theo một bài viết đăng trên trang tin tức Insider (Mỹ).

Sự thật về detox thải độc cơ thể: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ đáng sợ cho tim, xương, đại tràng! - Ảnh 2

Detox được quảng bá rộng khắp là một biện pháp thải độc cơ thể nhanh chóng.

Detox là gì?

Detox thực chất là một biện pháp y tế nhằm loại bỏ các hóa chất độc hại như ma túy và rượu ra khỏi cơ thể.

Hiện tại, phương pháp detox duy nhất được khuyến cáo và giám sát về mặt y tế là chelation – thải độc tố và kim loại nặng ra khỏi cơ thể qua đường tiểu tiện.

Chuyên gia dinh dưỡng ở Texas (Mỹ), Denise DelPrincipe, nói với Insider: "Bạn cần kiểu detox này khi cơ thể tích tụ một thứ gì đó như chì và máu của bạn đang phải lọc chất độc đó khắp cơ thể".

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, trào lưu detox nổi lên như một biện pháp loại bỏ các độc tố có thể tích tụ từ lối sống không lành mạnh, như uống rượu hoặc ăn đồ ngọt.

Detox theo trào lưu kiểu thường được quảng cáo là có tác dụng: giảm cân, tăng năng lượng, điều trị táo bón, giảm nhức đầu, giảm đau cơ hoặc mệt mỏi.

Các kiểu detox thường gặp

Có nhiều kiểu detox khác nhau, mỗi loại đều được ‘khoe’ là có lợi ích sức khỏe:

- Kiêng ăn: Detox kiểu này bao gồm kiêng ăn trong thời gian dài. Ý tưởng là bạn "tạm nghỉ" tiêu thụ các loại thực phẩm có thể gây tích tụ độc tố trong cơ thể.

- Chế độ ăn toàn chất lỏng: Người detox kiểu này chỉ ăn chất lỏng hoặc nước ép cụ thể trong một khoảng thời gian. Mục đích thường là giảm cân.

- Tập thể dục quá sức hoặc thường xuyên xông hơi: Người detox kiểu này mong muốn thải độc qua đổ mồ hôi nhiều.

- Sử dụng thuốc nhuận tràng: Một số người có thể sử dụng thuốc nhuận tràng để cố gắng "tự làm trống" và làm sạch đại tràng.

Sự thật về detox thải độc cơ thể: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ đáng sợ cho tim, xương, đại tràng! - Ảnh 3

Trong thời gian gần đây, trào lưu detox nổi lên như một biện pháp loại bỏ các độc tố có thể tích tụ từ lối sống không lành mạnh, như uống rượu hoặc ăn đồ ngọt.

Vì sao detox không hiệu quả?

Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào chứng minh các phương pháp detox theo trào lưu trên có hiệu quả.

McKenzie Caldwell, chuyên gia dinh dưỡng tại North Carolina (Mỹ), nói với Insider: "Ngoài việc đáp ứng nhu cầu rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt hằng ngày, detox thực sự không có lợi ích bổ sung nào".

Trên thực tế, cơ thể bạn có hệ thống giải độc riêng, trong đó có các cơ quan chịu trách nhiệm thải độc tố ra ngoài:

- Đường tiêu hóa: bài tiết các chất cặn bã.

- Gan: hệ thống lọc chính giúp xử lý và bài tiết chất thải ra khỏi cơ thể.

- Thận: bài tiết các chất lỏng dư thừa qua nước tiểu.

Mặc dù ban đầu, một số người có thể giảm cân khi thực hiện detox, nhưng việc giảm cân này thường không bền vững vì nó không xử lý tận gốc vấn đề - thường là chế độ ăn không lành mạnh.

Bác sĩ Jason McKnight, phó giáo sư lâm sàng tại Trường Y của Đại học Texas A&M (Mỹ), nói rằng thông thường, những người có chế độ ăn không lành mạnh có khi detox sẽ ăn nhiều rau và uống nhiều nước hơn – chính điều này có thể giúp họ giảm cân lúc đầu.

Ông McKnight nói: "Một tuần sau, khi bạn quay lại thói quen ăn uống cũ, bạn sẽ tích tụ lại chất lỏng đó và tăng cân trở lại khá nhanh".

Theo McKnight, một nguyên tắc nhỏ trong giảm cân là những cân được giảm nhanh thường tăng nhanh trở lại; những cân giảm chậm hơn và bền vững thường sẽ không quay lại.

Sự thật về detox thải độc cơ thể: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ đáng sợ cho tim, xương, đại tràng! - Ảnh 4

Mặc dù ban đầu, một số người có thể giảm cân khi thực hiện detox, nhưng việc giảm cân này thường không bền vững.

Rủi ro khi detox

McKnight nói thêm: "Bất cứ khi nào bạn ép cơ thể mình chịu đựng hàng loạt cú sốc ngẫu nhiên kiểu này, nó có thể có những tác động lâu dài".

Dưới đây là một số rủi ro sức khỏe liên quan đến detox:

Hạn chế calo nghiêm trọng có thể gây ra một loạt các tác động tiêu cực đến sức khỏe

Trung bình, đàn ông trưởng thành nên tiêu thụ từ 2.000 đến 3.000 calo; phụ nữ từ 1.600 đến 2.400 mỗi ngày.

Các phương pháp detox kiêng ăn hoặc detox chỉ ăn thức ăn dạng lỏng làm giảm đáng kể lượng calo nạp vào.

Khi bạn thiếu hụt calo trong một thời gian dài, sức khỏe của xương có thể bị ảnh hưởng. Điều này cũng có thể phá vỡ cân bằng điện giải – nguy cơ khiến các cơ co lại.

Delprincipe cho biết: "Tim đập nhờ sự cân bằng điện giải, cụ thể là giữa kali và natri. Khi điều đó bị gián đoạn, các vấn đề có thể xảy ra", chẳng hạn như các vấn đề về tim như nhịp tim nhanh.

Mặc dù điều này có thể không thành vấn đề khi detox ngắn hạn, nhưng nó có thể xảy ra nếu bạn liên tục detox nhiều lần trong năm.

Lạm dụng thuốc nhuận tràng có thể gây hại cho đại tràng

Lạm dụng thuốc nhuận tràng có thể gây viêm, làm rối loạn chức năng tự nhiên của đại tràng, nơi hấp thụ nước và phân hủy thức ăn.

Mcknight nói: "Dưới góc độ kính hiển vi và góc độ tế bào, chúng ta thực sự có thể thấy những thay đổi bên trong đại tràng của những người dùng thuốc nhuận tràng để detox".

Lạm dụng thuốc nhuận tràng cũng có thể gây nhiễm trùng đại tràng, hội chứng ruột kích thích (IBS) và có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.

Ngoài ra, những người lạm dụng thuốc nhuận tràng kích thích có thể trở nên phụ thuộc vào chúng. McKnight nói: "Nếu họ bỏ thuốc, chức năng đường ruột của họ sẽ chậm lại và họ có thể không thể đi tiêu thường xuyên".

Sự thật về detox thải độc cơ thể: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ đáng sợ cho tim, xương, đại tràng! - Ảnh 5

Ảnh minh họa

Detox bằng nước ép làm tăng lượng đường trong máu

Nếu bạn đang detox bằng nước ép rau củ quả, bạn không tiêu thụ thực phẩm rắn, giàu chất dinh dưỡng. Điều này có nghĩa là cơ thể bạn không có năng lượng lâu dài. Thay vào đó, nước ép khiến lượng đường trong máu tăng đột biến trong một khoảng thời gian ngắn trước khi giảm xuống.

Những thay đổi về lượng đường trong máu này có thể đặc biệt nguy hiểm nếu bạn mắc bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề về tim hoặc gan.

Kết luận

Trào lưu detox được quảng bá là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như giảm cân và thải độc cho cơ thể. Tuy nhiên, detox có thể khiến giảm cân trong thời gian ngắn, không bền vững và cuối cùng gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm đại tràng. Các chế độ ăn theo mốt hầu như không bao giờ là cách để duy trì giảm cân hoặc tăng cường sức khỏe tổng thể của bạn.

McKnight cho biết: "Cách tốt hơn là thay đổi lối sống lành mạnh hơn bằng cách ăn nhiều trái cây, rau và chất xơ; không đưa những chất có thể được xem là độc hại vào cơ thể".

(Nguồn: Insider)

 

Trà My

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục