Trong báo cáo giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình chiều 29/9 cho biết, hiện NHNN đã chấp thuận chủ trương Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) sáp nhập Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Trước thềm sáp nhập mới đây Southern Bank đã công bố thông tin tài chính của quý cuối năm 2013, tuy nhiên kết quả của 9 tháng đầu năm 2014 vẫn được ngân hàng này giữ kín.
Southern Bank trở thành “gánh nặng” lớn của SacomBank?
Đối với kết quả kinh doanh của năm 2013, nhiều chỉ tiêu lớn của Southern Bank đều đi xuống. Cụ thể trong quý IV/2013 việc mua vàng để tất toán chứng chỉ tiền gửi đã dẫn đến rủi ro khiến cho ngân hàng này bị lỗ hơn 120 tỷ đồng.
Thêm vào đó, việc hạch toán và thực hiện trích lập dự phòng dồn vào quý cuối này cũng khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng rất lớn. Mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Southern Bank trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là gần 390 tỷ đồng, nhưng với chi phí dự phòng 372 tỷ đồng khiến tổng lợi nhuận trước thuế chỉ còn lại gần 18 tỷ đồng cho cả năm.
Ngoài ra một yếu tố nữa cũng khiến cho lợi nhuận của ngân hàng này đi xuống trong năm 2013 là tín dụng tăng trưởng âm, giảm 2,7%. Trong khi đó, nợ xấu năm 2013 là 1.605 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng dư nợ, tăng 288 tỷ đồng so với năm 2012.
Vốn điều lệ của ngân hàng tính đến thời điểm 31/12/2013 chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng. Theo Hội đồng quản trị Southernbank cho biết do tình hình thị trường tài chính không thuận lợi, việc tăng vốn không mang lại hiệu quả nên Southernbank quyết định tạm thời chưa tăng vốn mặc dù tại thời điểm đầu năm Southernbank đặt mục tiêu tăng vốn lên 4.500 tỷ.
Trong 3 quý đầu năm 2014, báo cáo tài chính vẫn được ngân hàng này cất giấu khá kỹ nên khó có thể biết được tình hình hoạt động của Southern Bank đã có cải thiện chưa, hay vẫn đang tiếp tục đi xuống trầm trọng.
Thêm nữa liệu rằng khi sáp nhập vào với Sacombank, ngân hàng này có giúp cho Sacombank tăng trưởng và phát triển ổn định hơn hay lại bị kéo lùi, do sáp nhập thêm một ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao, không tiềm năng như Southern Bank?
Theo nhiều chuyên gia đánh giá về mặt tích cực, thương vụ M&A này sẽ giúp Sacombank có thêm nguồn lực vượt qua các ngân hàng khác trong khối ngân hàng tư nhân để trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về tín dụng (thị phần đạt 5,2%), huy động (thị phần đạt 5,4%) và hệ thống chi nhánh. Đây còn là yếu tố chính giúp Sacombank thành công trong lĩnh lực ngân hàng bán lẻ đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, mặt tiêu cực của thương vụ này là quản lý rủi ro không hiệu quả và tình hình kinh doanh không tốt của Southern Bank sẽ là một gánh nặng lớn cho Sacombank trong thời gian tới đây.
Đánh giá về thương vụ M&A Sacombank - Southern Bank, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, cho dù Sacombank là ngân hàng đã lớn mạnh, nhưng khi phải “gánh” Southern Bank, ngân hàng này sẽ có khó khăn nhất định giai đoạn đầu, ít nhất trong 2 - 3 năm sau sáp nhập.
Như vậy nếu thương vụ M&A này hoàn tất, có thể Sacombank sẽ phải cần một thời gian khá dài để tiến hành tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, củng cố trước khi bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới với đối tác chiến lược nước ngoài.
Hoàng Anh (TH)