Năm 2014 đã dần khép lại, các ngân hàng đang phải chạy đua nhau để có thể nhanh chóng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm, vì vậy thời gian qua hàng loạt các nhà băng đã liên tục tung ra các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn, thậm chí “siêu” rẻ nhằm hút khách hàng.
Chỉ cần gõ nhanh từ khóa “vay vốn lãi suất ưu đãi” chỉ trong vòng 0,32 giây đã có đến 530.000 kết quả hiện ra. Cơn bão khuyến mại, đại hạ giá lãi suất khi vay vốn của các ngân hàng đang tạo ra khiến cho nhiều khách hàng lúng túng không biết nên lựa chọn gói vay nào cho có lợi nhất.
Thêm vào đó thời điểm Tết Nguyên đán đang tới gần nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng cao, nắm bắt được điều này nhiều ngân hàng đã rầm rộ triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn để hút khách hàng.
Có thể kể đến như tại ngân hàng Phương Đông vừa qua cũng đã triển khai chương trình ưu đãi cho vay tiêu dùng "OCB - Vay nhanh và rẻ”. Khi tham gia chương trình, khách hàng sẽ được lực chọn một trong các phương án: Vay từ 12 tháng trở xuống lãi suất 10,5%/năm; Vay từ trên 12 tháng đến 24 tháng, cố định lãi suất năm thứ nhất 9,5%/năm; Vay từ trên 24 tháng trở lên, cố định lãi suất năm thứ nhất 9%/năm; Vay từ 48 tháng trở lên, khách hàng có thêm một chọn lựa đó là lãi suất cố định 9,99% trong suốt 3 năm (36 tháng) đầu.
Hay như tại Sacombank cũng đang triển khai chương trình cho vay với mức lãi suất chỉ từ 6,88%/năm. Ngoài ra còn một số ngân hàng khác như VIB, ACB, Vpbank, MB, Tienphongbank, HDbank… cũng đang liên tục triển khai các gói ưu đãi cho vay tiêu dùng với lãi suất hấp dẫn.
Trên thực tế, nếu như để ý kỹ về điều khoản vay, khách hàng sẽ thấy lãi suất vay ưu đãi tại các ngân hàng chỉ được áp dụng trong một khoảng thời gian đầu tiên, còn các tháng sau đó, lãi suất sẽ điều chỉnh theo thị trường. Tuy nhiên do đứng trước một rừng lựa chọn về tín dụng nên nhiều cá nhân thường không xem kỹ các điều khoản hợp đồng, các ưu đãi được nhận, thời hạn… trước khi ký kết. Vì vậy, khi hết thời hạn ưu đãi lãi suất cho khoản vay, các ngân hàng tăng lãi suất vô tội vạ, hoặc có những điều khoản khó dễ trong hợp đồng mà tới khi ký kết xong xuôi họ mới vỡ lẽ và bức xúc.
Trao đổi về vấn đề này ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, cho rằng thời điểm hiện nay nếu khách hàng thực sự có nhu cầu vay vốn thì nên lựa chọn những sản phẩm tín dụng phù hợp, nếu không cần thiết thì không nên vay. Tuy nhiên, trong bất kỳ hợp đồng vay vốn nào, khách hàng phải luôn luôn lưu ý các điều kiện vay vốn, các loại khoản phí như thanh toán trước hạn, phí chậm thanh toán...
“Nếu đã vay vốn thì phải lưu ý kỹ ngoài lãi suất ưu đãi thì lãi suất thả nổi được tính như thế nào nên ghi trong hợp đồng. Ngoài ra, phải biết nếu thanh toán trước hạn thì phí bồi hoàn lãi suất ưu đãi ra sao, phí phạt trước hạn là bao nhiêu... để tránh ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ” - ông Minh nói.
Khách hàng phải xem xét kỹ hợp đồng trước khi ký kết với ngân hàng.
Còn theo đánh giá của TS.Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng cho biết hiện các ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi rất hấp dẫn thu hút khách hàng. Tuy nhiên nếu như nhìn nhận vấn đề sâu hơn thì có thể thấy những chương trình này thực không có lợi nhiều cho người đi vay. Bởi các mức lãi suất hỗ trợ chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, sau đó, lãi suất được ngân hàng nhanh chóng điều chỉnh theo lãi suất thị trường. Do đó, T.S.Hiếu cảnh báo khách hàng khi vay các gói hỗ trợ cần quan tâm khi hết thời gian hỗ trợ lãi suất, lãi suất vay vốn sẽ được điều chỉnh trở lại dựa trên nguyên tắc nào và lãi suất dự kiến là bao nhiêu, có phải tính thêm các khoản lệ phí nào khác không tránh “sập bẫy” các hợp đồng tín dụng. Trên thực tế đã có không ít cái “bẫy” mà nhà băng giăng ra cho khách hàng, tuy nhiên điều này đã ít nhiều làm giảm niềm tin của khách hàng, của doanh nghiệp với ngân hàng.
Hoàng Anh (TH)