Sôi động hoạt động thu hồi nợ của khối ngân hàng

9 tháng đầu năm 2022, ngân hàng tăng tốc thu hồi công nợ và xử lý nợ xấu với nhiều hoạt động đấu giá tài sản.

 

Sôi động hoạt động thu hồi nợ của khối ngân hàng - Ảnh 1

9 tháng đầu năm 2022, chứng kiến hoạt động tăng tốc thu hồi, xử lý nợ xấu của nhiều ngân hàng. Do đó, thị trường nợ chứng kiến nhiều trường hợp đấu giá nợ xấu ‘lạ đời’ như tài sản đảm bảo là cả đàn gà 3 thế hệ (gà ông bà, bố mẹ và gà con), đặc biệt trứng gà cũng được mang ra bán đấu giá.

Thậm chí, nhiều khoản nợ xấu được đấu giá ngót chục lần vẫn chưa tìm được khách mua. Thị trường bất động sản đi xuống, thanh khoản sụt giảm đã tác động rõ rệt đến hoạt động xử lý nợ của các ngân hàng.

Đơn cử như Agribank thông báo bán đấu giá lần 28 khoản nợ của doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng. Trong lần đấu giá mới nhất, Agribank đưa ra giá khởi điểm chỉ đúng bằng nợ gốc, bỏ qua hơn 356 tỷ đồng tiền lãi…

Đầu tháng 11/2022, Vietcombank thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Thiên Tân (bất động sản). Đây là lần thứ bảy, Vietcombank tổ chức đấu giá khoản nợ này. Trước đó, Vietcombank đã nhiều lần rao bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen Việt Nam với giá khởi điểm giảm hơn 172 tỷ đồng so với thông báo bán đầu giá hồi đầu tháng 11/2021.

Báo cáo tài chính quý 3/2022 tại một số ngân hàng chỉ rõ hoạt động thu hồi nợ xấu chậm lại rõ rệt so với năm trước.

Chẳng hạn tại ngân hàng MB, 9 tháng đầu năm 2022 thu từ các khoản nợ đã xử lý giảm tới 30% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.244 tỷ đồng.

Hoạt động thu hồi nợ xấu tại MB (nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022).
Hoạt động thu hồi nợ xấu tại MB (nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022).

Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 8/2022, tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 4,99%, giảm mạnh so với mức 6,3% cuối năm 2021.

Thực tế, một trong những lý do chính khiến hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chậm là thị trường mua bán nợ vẫn chưa hình thành.

Sau 1 năm ra mắt, Sàn giao dịch nợ xấu vẫn hoạt động khá ì ạch. Mặc dù các ngân hàng bước đầu đã rao bán nợ trên sàn, song tổng giá trị thu hồi nợ thành công còn rất khiêm tốn (khoảng 770 tỷ đồng). Trong khi đó, website để ngân hàng đăng thông tin bán tài sản đảm bảo nợ xấu cũng chưa được hoàn thiện.

Để thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó bổ sung nhiều quy định để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Theo NHNN, hiện nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là công ty có chức năng mua bán nợ duy nhất do Chính phủ thành lập được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. NHNN nên bổ sung thêm cả Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) vào đối tượng được áp dụng các cơ chế của Nghị quyết 42/2017/QH14.

NHNN cũng đề nghị mở rộng phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng các cơ chế xử lý tại Nghị quyết 42/2017/QH14 theo hướng cơ chế xử lý nợ xấu áp dụng đối với cả các khoản nợ xấu phát sinh từ thời điểm ngày 15/8/2017 trở về sau (nợ xấu sẽ được xác định theo các quy định hiện hành của NHNN về phân loại nợ và bỏ Phụ lục về xác định nợ xấu kèm theo Nghị quyết 42/2017/QH14).

Ngoài ra, để tổ chức tín dụng yên tâm bán nợ, NHNN đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quy định thẩm định giá các khoản nợ xấu. Hiện chưa có quy định cụ thể về các phương pháp thẩm định giá các khoản nợ, nên các tổ chức tín dụng lúng túng trong xác định mức giá khởi điểm khi cho mua bán nợ.

 

Hà Phương

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục