Số phận ba khu đất vàng ở TP.HCM

Ba khu đất vàng liên quan đến ông Nguyễn Văn Hiến đã được cơ quan chức năng thu hồi 1, còn 2 khu đang được VKS đề nghị thu hồi.

VKS Quân sự Trung ương vừa hoàn tất cao trạng, chuyển Tòa án quận sự Quân chủng Hải quân mở phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và 7 bị can liên quan đến vụ sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất (số 2, số 7-9, số 9-11) trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1 (TPHCM). Ông Nguyễn Văn Hiến bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Năm 2006, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân (QCHQ) thống nhất phương án hợp nhất khu đất trên. Công ty Hải Thành được giao tổ chức hợp tác với các doanh nghiệp trên ba khu đất trên nhưng đảm bảo giữ vững quyền, đúng quy định pháp luật và có lợi cho Quân chủng.

Số phận ba khu đất vàng ở TP.HCM - Ảnh 1
Khu đất số 7 - 9 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP. HCM sau nhiều năm vẫn bị bỏ trống.


Tại khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng rông 3.531m2, Công ty Hải Thành đã liên danh với Công ty Yên Khánh xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại.

Công ty Hải Thành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, còn Công ty Yên Khánh góp 288 tỷ đồng để làm dự án. Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án không được thực hiện, quyền sử dụng đất tại đây đã được đem đi thế chấp tại ngân hàng lấy về số tiền 717 tỷ đồng.

Tháng 8/2018, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng vào cuộc điều tra. Đến cuối năm 2019, khu đất vàng này bị UBND TP.HCM thu hồi.

Khu đất thứ hai nằm tại địa chỉ số 2 Tôn Đức Thắng hiện đang là tòa tháp VPBank. Tại dự án này, ban đầu Công ty Hải Thành liên danh với Công ty Cảnh Hưng. Nhưng sau nhiều lần thay đổi đơn vị góp vốn, doanh nghiệp liên danh này có sự tham gia của Công ty TNHH Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam (Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam).

Số phận ba khu đất vàng ở TP.HCM - Ảnh 2
Tòa pháp VPBank - số 2 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP. HCM được cho nằm trên đất quốc phòng.


Sau khi ổn định cơ cấu sở hữu, dự án với dòng vốn từ VPBank nhanh chóng được triển khai trên phần đất có diện tích 2.190 m2, quy mô 27 tầng cao và 4 tầng hầm.

Khu đất thứ 3 nằm tại địa chỉ 9-11 Tôn Đức Thắng hiện đang là tòa tháp Techcombank, Công ty Hải Thành đã liên danh với Công ty Mai Anh và Công ty TCO Việt Nam.

Trong đó, Công ty Mai Anh là thành viên của Tập đoàn Hoa Lâm, do bà Trần Thị Lâm làm chủ. Và bà Lâm cũng chính là đại diện pháp luật của công ty liên danh này.

Năm 2018, TCO Việt Nam chuyển hết cổ phần tại liên danh này cho cá nhân bà Nguyễn Thị Thu Hà (thường trú tại Mai Dịch, Hà Nội).

Số phận ba khu đất vàng ở TP.HCM - Ảnh 3
Tòa nhà biểu tượng của Teckcombank số 9-11 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP. HCM liệu có bị thu hồi?


Vốn điều lệ của công ty liên danh này hiện đang là 1.050 tỷ đồng, trong đó, Công ty Hải Thành chiếm tỷ lệ 23,63% cổ phần (tương đương 248 tỷ đồng), Công ty Mai Anh chiếm tỷ lệ 26,37% cổ phần (tương đương 277 tỷ đồng); bà Nguyễn Thị Thu Hà chiếm tỷ lệ 50% cổ phần (tương đương 525 tỷ đồng).

Liên quan đến 2 khu đất số 2 và số 9-11 Tôn Đức Thắng, VKS Quân sự Trung ương cho rằng cần thu hồi vì các doanh nghiệp khai thác do hành vi phạm tội của các cán bộ Quân chủng Hải quân và Công ty Hải Thành.

Trước đó, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra cũng đã yêu cầu UBND TPHCM, Sở TN&MT TPHCM không làm thủ tục phát mại tài sản, mua bán, chuyển nhương, tặng, cho cả 3 khu đất này vì cho rằng đây là đất quốc phòng.




Theo Ngọc Khánh/ Báo Đất Việt

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục