Số phận 2 "ông vua" xây dựng sau khi dính phải "lời nguyền" nội chiến

Hoạt động kinh doanh ổn định, tăng trưởng theo cấp số nhân, Coteccons và Hoà Bình đều quay đầu làm ăn sa sút ngay sau khi xảy ra nội chiến lãnh đạo thượng tầng.

Quá khứ huy hoàng

Từ số vốn điều lệ ban đầu chỉ 15,2 tỷ đồng, sau hơn 5 năm, khi CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (đầu năm 2010), vốn điều lệ đã tăng lên tới 307,5 tỷ đồng, tức gấp 20 lần.

Không chỉ mở rộng quy mô vốn, kết quả kinh doanh của Coteccons cũng khiến nhiều doanh nghiệp cùng ngành phải ghen tị khi giữa vững đà tăng dựng đứng trong suốt 14 năm (2006-2019) hoạt động dưới trướng nguyên Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương.

Ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới khoảng những năm 2008-2013, ngành xây dựng và bất động sản trong nước bị suy thoái nặng nề nhưng Coteccons vẫn duy trì được kết quả kinh doanh ấn tượng của mình với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn.

Coteccons trúng thầu chính toà nhà Landmark 81.

Coteccons trúng thầu chính toà nhà Landmark 81.

Trên thị trường chứng khoán, CTD cũng chễm trệ nằm tại vị trí một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán với hơn 300.000 đồng/cổ phiếu.

Liên tục ghi dấu ấn đậm nét ở những công trình lớn, Coteccons vươn lên vị thế dẫn đầu ngành xây dựng Việt Nam từ năm 2013. Đặc biệt, Coteccons đã vượt qua các nhà thầu nước ngoài như Lotte, Sang Yong để trở thành nhà thầu chính tòa nhà Landmark81 cao thứ 10 thế giới và cao nhất Việt Nam.

Là tên tuổi một chín một mười sánh đôi cùng Coteccons, là đối thủ nặng ký luôn trong tình trạng tranh đấu “ngôi vương” ngành xây dựng, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC) cũng là một cái tên quen thuộc.

35 năm hình thành và phát triển, Xây dựng Hoà Bình dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải đã hoàn thiện hàng trăm công trình lớn bé trải dài khắp từ Bắc vào Nam.

Dự án Toà nhà Văn phòng VinFast do Xây dựng Hoà Bình làm thầu chính.

Dự án Toà nhà Văn phòng VinFast do Xây dựng Hoà Bình làm thầu chính.

Trong suốt ba thập kỷ từ 1988 – 2018, Hòa Bình thực hiện hóa kết quả kinh doanh với sự tăng trưởng đều theo chu kỳ 5 năm, doanh thu tăng đều đặn cứ 5 năm gấp 5 lần.

Cụ thể, kể từ năm 2008, công ty có doanh thu 700 tỷ đồng thì đến giai đoạn năm 2013 tăng lên 3.500 tỷ đồng. Con số này tiếp tục nhảy vọt theo chu kỳ 5 năm, đạt ngưỡng hơn 18.000 tỷ đồng vào năm 2018. Bước sang 2019, Hoà Bình đạt doanh thu kỷ lục trong lịch sử Tập đoàn với 18.609 tỷ đồng doanh thu thuần.

… và khi dính “lời nguyền” nội chiến

Cùng có xuất phát điểm là những công ty hoạt động trong ngành xây dựng, cạnh tranh công bằng để nắm lấy ngôi vương của ngành, cùng có sự tăng trưởng ổn định và gắn liền với tên tuổi của một vị lãnh đạo doanh nghiệp.

Sự tương đồng ấy của Coteccons và Hoà Bình dường như là chưa đủ khi chỉ khác thời điểm nhưng cả 2 công ty đều vướng vào cuộc chiến cổ đông nội ngoại.

Năm 2012, Coteccons nhen nhóm sự xuất hiện đầu tiên của nhóm cổ đông ngoại Kusto Group (nắm 25%). Khi bất động sản khó khăn do khủng hoảng tài chính, sức ép lớn buộc Coteccons quyết định nhận đầu tư để đổi mới mô hình kinh doanh. Việc bán cổ phần cho Kusto Group, thu tiền về giúp doanh nghiệp bứt phá một vài năm sau, nhưng cũng từ đó những bất đồng nội bộ manh nha.

Kusto Group là một tập đoàn tư nhân quốc tế đa ngành có trụ sở tại Singapore với các lãnh đạo chủ chốt đều đến từ Đông Âu, các đối tác của Kusto cũng là các nhân vật quyền lực trong giới kinh doanh.

Ông Nguyễn Bá Dương và ông Talgat Turumbayev đại diện cho Coteccons và Kusto ký hợp tác chiến lược năm 2012.

Ông Nguyễn Bá Dương và ông Talgat Turumbayev đại diện cho Coteccons và Kusto ký hợp tác chiến lược năm 2012.

Đến năm 2018 tỉ lệ cổ phiếu nắm giữ của nhóm này mở rộng lên hơn 36% và từ đây quan hệ đối tác dần chuyển sang đối đầu, mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông ngoại mà đại diện là Kusto và nhóm cổ đông nội mà đại diện là ông Lê Bá Dương xảy ra khi không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Từ đó, liên tiếp những cuộc “vạch mặt” doanh nghiệp được diễn ra, cả hai phe cùng đấu qua lại khi công khai những thông tin tiêu cực về đối phương.

Nhóm cổ đông của Kusto cho rằng có nhiều lợi ích đáng ra thuộc về Coteccons đang bị mất vào tay nhóm công ty tuy trên danh nghĩa nằm trong Coteccons Group - nhưng thực chất là những công ty có cổ phần của một số người trong ban lãnh đạo thời điểm đó của Coteccons.

Giữa bối cảnh Covid-19, phía Kosto gửi công văn triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, trong đó nhấn mạnh “Các hành vi quản trị, quản lý và điều hành liên quan tới xung đột lợi ích của đội ngũ lãnh đạo Coteccons giữa các công ty trong Coteccons Group đã gây thiệt hại cho khoản đầu tư của chúng tôi khi giá cổ phiếu giảm đáng kể và quyền cổ đông của chúng tôi bị vi phạm nghiêm trọng.”

Trong khi đó, Ban lãnh đạo của Coteccons cũng phản pháo cho rằng những cáo buộc vô căn cứ trong thông cáo báo chí của Kusto đã và đang gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiệm trọng đến giá cổ phiếu CTD và hoạt động sản xuất kinh doanh công ty.

Đặc biệt, Coteccons cho biết Ricons, Unicons hay bất cứ đơn vị nào khác cũng chỉ là một trong số rất nhiều nhà thầu phụ của Coteccons và không có sự xung đột lợi ích với Conteccons như cáo buộc của Kusto.

Mâu thuẫn được đẩy lên cao trào vào quý III/2020 với kết cục có phần cay đắng là ông Nguyễn Bá Dương chấp nhận rút khỏi HĐQT Coteccons và bán bớt cổ phần, không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp.

Trong bức thư gửi cán bộ công nhân viên Coteccons như một lời chia tay, ông Nguyễn Bá Dương viết: “Ta của mỗi ngày, mỗi phút trôi qua đều khác với ta trong quá khứ. Tôi cũng như các bạn, cũng có cảm giác chần chừ không muốn bước ra khỏi vùng an toàn, đôi lúc không dám chấp nhận rủi ro… Nhưng nếu không đương đầu với thách thức thì không thể lớn lên được. Mỗi lần vấp ngã là một lần chúng ta học được cách làm sao để đi nhanh hơn”.

Chủ tịch HĐQT Coteccons Bolat Duisenov thuyết trình tại Đại hội thường niên Coteccons tổ chức hồi tháng 4/2020.

Chủ tịch HĐQT Coteccons Bolat Duisenov thuyết trình tại Đại hội thường niên Coteccons tổ chức hồi tháng 4/2020.

Đối với câu chuyện ở Hoà Bình, cuộc chiến nội bộ giành quyền lực dù nảy nở trong tâm thế khác thì vẫn có một vài điểm tương đồng với Coteccons.

Rời ghế Chủ tịch để "dọn đường" cho con trai vào vị trí CEO vào ngày 14/12/2022, khi đó, Chủ tịch Lê Viết Hải khẳng định quyết định tiến cử con trai làm Tổng Giám đốc được tất cả Thành viên HĐQT của Hoà Bình đồng thuận vì đây là sự thay đổi tích cực nhằm giúp người điều hành phát huy hết vai trò.

Ông Hải cho biết sau khi từ nhiệm sẽ lập Hội đồng sáng lập để tham mưu, tư vấn và phản biện cho HĐQT và ban điều hành, những gì chiến lược và trọng yếu mà HĐQT đưa ra phải được sự đồng ý của Hội đồng sáng lập.

Ông Nguyễn Công Phú - người dự kiến ngồi vào vị trí Chủ tịch lúc đó - đã cam kết lãnh đạo công ty trên nguyên tắc đồng thuận.

Hòa Bình Corp khi đó nhận định: "Sự phối hợp giữa ông Lê Viết Hải trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Sáng lập và Tiến sĩ Nguyễn Công Phú trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ tập trung sức mạnh và trở thành bệ đỡ hậu thuẫn cho thế hệ trẻ kế thừa của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phát huy năng lực và đưa Hòa Bình chuyển mình sang giai đoạn mới, phát triển mạnh mẽ và bền vững."

Ông Lê Viết Hải (trái) và ông Nguyễn Công Phú (phải).

Ông Lê Viết Hải (trái) và ông Nguyễn Công Phú (phải).

Mọi việc dường như đã đi đúng quỹ đạo của nó và trôi qua êm đềm nếu ngày 31/12/2022, Hoà Bình không phát đi thông báo do ông Lê Viết Hải ký với nội dung hoãn thi hành mọi quyết định thay đổi nhân sự đã thông qua trước đó (bao gồm 2 quyết định miễn nhiệm ông Lê Viết Hải và bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú).

Ngay sau đó, phía ông Nguyễn Công Phú đã phản bác lại quyết định trên và chia sẻ rộng rãi trên báo chí rằng ông Hải lạm quyền để đơn phương đưa ra Nghị quyết, đồng thời tiết lộ nhiều thông tin tiêu cực, “tố” Xây dựng Hoà Bình có những nghi vấn vi phạm trong quản lý tài chính.

Cuộc đấu tố giữa hai nhóm cổ đông tại Hoà Bình chỉ kết thúc sau khi ngày 13/2/2023, ông Nguyễn Công Phú chính thức gửi đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT tại Hoà Bình, uỷ quyền toàn bộ cho ông Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết của HĐQT.

Khi nhà vua "ngã ngựa"

Ban lãnh đạo lục đục nội bộ, tranh giành đấu đá lẫn nhau khiến nhà đầu tư hoang mang dẫn tới kết quả mà ai cũng nhìn thấy, cổ phiếu CTD và HBC đều lao dốc sau cuộc chiến “vương quyền”.

Trên thị trường, giá cổ phiếu CTD không ngừng giảm và về mức thấp nhất, chưa đến 50.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 3/2019. Đến nay, dù đã trải qua nhiều đợt điều chỉnh, cổ phiếu này cũng mới chỉ có thể vươn lên giao dịch loanh quanh vùng giá trên dưới 60.000 đồng/cổ phiếu, cách xa so với thời hoàng kim 300.000 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến thị giá cổ phiếu CTD (Ảnh: TradingView).

Diễn biến thị giá cổ phiếu CTD (Ảnh: TradingView).

Tại Xây dựng Hoà Bình, năm 2022 thị giá cổ phiếu HBC giảm gần 80%, về cuối năm đang trên đà hồi phục thì doanh nghiệp lại xảy ra nội chiến quyền lực, lực bán tháo mạnh trong nhiều phiên giao dịch. Đến nay, cổ phiếu HBC vẫn chưa thể hồi lại mức giá cũ, chỉ còn giao dịch trong vùng giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.

Thậm chí, do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán với lý do lục đục nhân sự thượng tầng, cổ phiếu HBC còn bị HoSE cho vào diện kiểm soát. Đến ngày 23/5 tới đây, mã này sẽ bị chuyển sang diện hạn chế giao dịch vì vẫn chưa công bố thông tin theo quy định dù đã bị nhắc nhở nhiều lần.

Diễn biến thị giá cổ phiếu HBC (Ảnh: TradingView).

Diễn biến thị giá cổ phiếu HBC (Ảnh: TradingView).

Kết quả kinh doanh của hai ông lớn cũng bị ảnh hưởng rõ rệt. Từng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành xây dựng, có những năm lãi đến cả nghìn tỷ đồng, tuy nhiên chịu tác động bởi tái cấu trúc, thay đổi cơ cấu nhân sự khiến lợi nhuận của Conteccons lao dốc không phanh.

Bên cạnh đó, những hệ luỵ do dịch bệnh kéo dài cũng ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2019, lợi nhuận Coteccons “bốc hơi” một nửa, thu về vỏn vẹn 710 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Các năm tiếp theo, báo cáo tài chính của công ty tiếp tục công bố thông tin với những bước trượt dài của doanh nghiệp, năm 2020 lãi 334 tỷ đồng, năm 2021 lãi 24 tỷ đồng và tới năm 2022 xuống mức “đáy” 20,7 tỷ đồng.

Đến quý I/2023, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng tích cực đạt 3.129 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá vốn hàng bán ở mức cao cùng nhiều loại chi phí nối đuôi tăng mạnh khiến lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng bị bào mòn, giảm 24% xuống còn 22 tỷ đồng.

Số phận 2 "ông vua" xây dựng sau khi dính phải "lời nguyền" nội chiến - Ảnh 1

Đối với Hoà Bình, quý IV/2022 sau nội chiến nhân sự thượng tầng, kinh doanh dưới giá vốn, lỗ các khoán đầu tư và trích lập dự phòng nợ khó đòi khiến Hoà Bình báo lỗ kỷ lục hơn 1.215 tỷ đồng khiến kết quả kinh doanh cả năm 2022 cũng bị ảnh hưởng, lỗ hơn 1.138 tỷ đồng.

Đến quý I/2023, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khá khẩm hơn với 1.194 tỷ doanh thu thuần, giảm 60% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 445 tỷ đồng.

Theo đó, khoản lỗ luỹ kế của Hoà Bình cũng bị nâng lên thành hơn 1.137 tỷ đồng. Nợ phải trả của Xây dựng Hoà Bình tại cuối quý I/2023 ghi nhận 13.503 tỷ đồng, chiếm 86% tổng nguồn vốn và cao gấp 6 lần vốn chủ sở hữu.

Số phận 2 "ông vua" xây dựng sau khi dính phải "lời nguyền" nội chiến - Ảnh 2

Có thể thấy, dù ít dù nhiều thì việc lãnh đạo doanh nghiệp xảy ra tranh chấp, thiếu đồng thuận trong việc lãnh đạo công ty sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Đặc biệt đối với những doanh nghiệp niêm yết trên sàn, việc bộ máy thượng tầng lục đục sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường rơi vào tâm thế hoang mang, từ đó gây tác động đến thị giá cổ phiếu công ty. 

Thời điểm để các doanh nghiệp này có thể khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định trở lại sau biến động vẫn còn là một câu hỏi chưa rõ đáp án..

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục