Cụ thể, DLG đầu tư mua và sở hữu Mass Noble thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu với tỷ lệ hoán đổi 1:1,4. Theo đó DLG đã phát hành gần 20 triệu cổ phiếu cho các cổ đông của Công ty Mass Noble với giá hoán đổi 12.500 đồng/cp và nắm quyền điều hành Mass Noble.
Tỷ lệ này được tính dựa trên cơ sở định giá và đàm phán giữa các bên. Đức Long đã đàm phán và thỏa thuận mua lại 97,73% Mass Noble với giá 11,7 triệu USD – thấp hơn so với giá trị sổ sách của công ty là khoảng 14 triệu USD, quy chiếu theo tỷ giá ngày chốt, giá trị thương vụ tương đương 249 tỷ đồng. Trong thương vụ này DLG còn ghi nhận mức thặng dư vốn cổ phần khoảng 50 tỷ đồng.
Sở hữu Mass Noble, DLG được lợi gì?
Trong thương vụ này, DLG được cho là có lợi hơn bởi doanh nghiệp này “mua” cổ phiếu Mass Noble chỉ với giá 0,41 USD trong khi giá sổ sách của cổ phiếu này lại là 0,5 USD. Không chỉ vậy, giá cổ phiếu DLG trên thị trường hiện tại chỉ ở mức 7.500 – 8.800 đồng, thấp hơn mức giá 12.500 đồng nhiều.
Ngoài ra với việc mua lại Mass Noble, Đức Long Gia Lai cũng đã chính thức nhận được Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với số vốn 249 tỷ đồng mà không cần huy động tiền mặt. DLG chỉ phát hành thêm cổ phần để hoán đổi và chấp nhận pha loãng cổ phiếu mà thôi.
Được biết Mass Noble là một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử ANSEN của Mỹ có trụ sở tại Hong Kong, nhà máy đặt tại Thành phố Đông Quảng, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây là nhà máy sản xuất quy mô lớn chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm điện tử viễn thông công nghệ cao. Thị trường tiêu thụ tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hàng năm nhà máy mang về khoản doanh thu 75 triệu USD/năm.
Quý II.2015, DLG sẽ hợp nhất doanh thu và lợi nhuận của nhà máy. Do đó, tổng mức doanh thu và lợi nhuận của DLG sẽ đạt được mức tăng trưởng đột biến.
Minh Anh (TH theo Trí thức trẻ; Vietstock; Gafin)