Khép lại phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8, cổ phiếu SMC của Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC giảm kịch biên độ với mức thanh khoản vượt mức trung bình 20 phiên, qua đó đóng cửa tại mức 11.500 đồng/cp.
Sau khi giảm về mức giá trên, vốn hóa của Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (Thép SMC) hiện chỉ còn hơn 846 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu SMC đã giảm sàn liên tục trong vòng 3 phiên trở lại đây. Nhìn rộng hơn, chỉ trong khoảng 3 tuần giao dịch, SMC đã chia đôi khi giảm một mạch từ vùng đỉnh 20.500 đồng về mức giá hiện tại. Đà giảm của SMC đã đẩy nhiều nhà đầu tư “xa bờ” bởi từ cuối tháng 4 cho tới giữa tháng 7, cổ phiếu này đã tăng hơn 100%.
Việc cổ phiếu SMC bị "cắt đôi" được cho là phản ánh kết quả kinh doanh “bết bát” của Thép SMC trong quý vừa qua. Kết thúc quý II, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 2.240 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Thép SMC thu lãi gần 100 tỷ đồng từ việc bán trụ sở tại địa chỉ 681 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, bấy nhiêu là chưa đủ để kéo doanh nghiệp này thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ. Quý II/2024, Thép SMC lỗ ròng 107 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 6 trong vòng 8 quý vừa qua.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Thép SMC ghi nhận 4.469 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 40% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 65 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 408 tỷ đồng.
Được biết, năm 2024, SMC đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 13.500 tỷ đồng, lãi sau thuế 80 tỷ đồng. Như vậy, sau hai quý, công ty đã thực hiện được 81% kế hoạch lợi nhuận.
Mặc dù gần như hoàn thành kế hoạch kinh doanh chỉ sau nửa năm, song kết quả này chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý tài sản và bán khoản đầu tư tài chính, không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Không chỉ kinh doanh thua lỗ, Thép SMC cũng đang phải "ngậm trái đắng" khi nắm giữ lượng lớn cổ phiếu HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.
Tại thời điểm cuối quý II, tổng giá trị tài sản của Thép SMC đạt 5.193 tỷ đồng, giảm 16% so với ngày 1/1. Hàng tồn kho giảm 11% xuống 746 tỷ đồng. Quý vừa qua, Thép SMC đã rót hơn 157 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào nhiều công ty. Trong đó, công ty rót hơn 104 tỷ đồng vào Xây dựng Hoà Bình, trích lập dự phòng 24 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 6, HĐQT Xây dựng Hoà Bình đã thông qua phương án phát hành hơn 73 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ hiện hữu của công ty với các chủ nợ. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp
Số lượng cổ phiếu dự kiến được phân phối cho Thép SMC để hoán đổi nợ là gần 10,49 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 3% sau đợt chào bán. Đáng nói, sau khi nhận án hủy niêm yết, cổ phiếu HBC liên tục “trượt dài” trong các phiên gần đây.
Ngoài ra, Thép SMC còn ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng lên tới hơn 1.948 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cũng lên tới hơn 557 tỷ đồng. Trong danh sách nợ xấu của công ty này vẫn là các tên tuổi quen thuộc như Hưng Thịnh hay Novaland.
Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của Thép SMC, lãnh đạo công ty cho biết khoản trích lập nợ xấu sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận. Do đó, công ty đang làm việc quyết liệt với Novaland và các đối tác khác.
Vị lãnh đạo này cũng khẳng định rằng Thép SMC nhất định phải xử lý trong năm nay, có thể là trước thời điểm ngày 30/6: "Các phương án xử lý nợ bao gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ. Nếu khả thi, SMC đều chấp nhận. Mục tiêu là phải xử lý trong năm nay để không phải trích lập thêm".
Ở phía bên kia bảng cân đối, tổng dư nợ của Thép SMC tại thời điểm cuối quý II ghi nhận gần 4.330 tỷ đồng, gấp 5 lần vốn chủ sở hữu (863 tỷ đồng). Dư nợ vay tài chính ở mức 2.507 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn. Trong 6 tháng đầu năm, công ty phải trả gần 106 tỷ đồng tiền lãi vay.
Với tình hình tài chính ở mức đáng báo động, dòng tiền lớn đã rời bỏ cổ phiếu SMC chỉ trong thời gian ngắn. Xét trên góc độ phân tích kỹ thuật, cổ phiếu SMC hiện đang có xu hướng tiến về vùng nền giá 10.000 đồng/cp. Tại đây, cổ phiếu có thể tích lũy lãi và bắt đầu nhịp hồi phục trong thời gian tới.
Vietnamfinance
In bài viết