Tờ Nikkei cho biết, một số nhà bán lẻ Singapore đang chạy đua để tăng cường tự động hóa với cách dịch vụ. Một trong số đó là những cửa hàng tự thanh toán, giúp giảm đáng kể thời gian chờ đợi của khách hàng. Đối với các nhà bán lẻ, đây có thể là giải pháp lý tưởng nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động đang diễn ra, dẫn tới chi phí thuê nhân công rất cao.
Cửa hàng tự động, không người bán bùng nổ ở Đảo quốc Sư tử Singapore.
Cheers, một chuỗi cửa hàng tiện lợi địa phương, đã mở thí điểm một cửa hàng không nhân viên vào hồi tháng 7 trong khuôn viên một trường đại học. Cửa hàng có một khu vực lắp các máy bán thức ăn nóng tự động, từ cơm chiên cho đến pizza.
Điểm mấu chốt của cửa hàng dạng này là hệ thống thanh toán tự động. Bên cạnh đó, nhà khai thác cũng tận dụng tối đa dữ liệu số, bao gồm các video giám sát, để xác định hành vi mua bán của khách hàng cũng như tự động yêu cầu hàng bổ sung đồ để lấp đầy các kệ. Ngoài ra, để đảm bảo an ninh, người dùng cần tải sẵn ứng dụng và quét mã QR khi bước vào và đi ra khỏi cửa hàng.
NTUC FairPrice Co-operative, nhà điều hành chuỗi bán lẻ này cho biết, cửa hàng không nhân viên kết hợp với thanh toán không tiền mặt có thể tiết kiệm được 180 giờ thuê lao động một tuần. Dù đang trong quá trình thử nghiệm và thí điểm nhưng hệ thống cửa hàng này hứa hẹn sẽ sớm trở nên quen thuộc ở Singapore, quốc gia đang ngày càng thiếu lao động.
Không chỉ các nhà bán lẻ, hệ thống siêu thị ở Singapore cũng đã bắt đầu áp dụng công nghệ tự động hóa để giảm thiểu sự phụ thuộc vào con người. Đã có 63 trên 140 siêu thị thuộc hệ thống FairPrice có hệ thống tự thanh toán.
Các nhà bán lẻ ở Singapore buộc phải tự động hóa cửa hàng, siêu thị do áp lực từ cuộc khủng hoảng lao động. Trước đây, khu vực bán lẻ phụ thuộc khá nhiều vào lao động nước ngoài. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, chính phủ Đảo quốc Sư tử đã siết chặt việc cấp phép lao động nước ngoài dẫn đến việc ngành bán lẻ thiếu nhân lực và chi phí thuê mướn nhân công tăng vọt.
Trâm Anh