Sheldon Adelson: Tuổi thơ bán báo dạo mưu sinh tới ông trùm đế chế sòng bạc lớn nhất nước Mỹ

Xuất thân nghèo khó chỉ với hai bàn tay trắng, ông Sheldon Adelson tạo nên đế chế sòng bạc lớn nhất thế giới Las Vegas Sands và sở hữu khối tài sản cỡ 35 tỷ USD, giàu thứ 38 tại Mỹ.

Tỷ phú Seldon Adelson qua đời đêm 11/1 (giờ địa phương) ở tuổi 87, do các biến chứng liên quan đến bệnh ung thư hạch. Cuộc đời vị tỷ phú này lắm sóng gió nhưng cũng không ít cơ may.

Xuất thân nghèo khó, vất vả mưu sinh

Ông Sheldon Gary Adelson sinh ngày 4/8/1933 tại Dorchester, một thị trấn nghèo gần thành phố Boston-Mỹ. Cha của ông là người Do Thái có gốc từ Ukraine di cư sang còn mẹ ông là người nhập cư Anh. Nguồn thu nhập của gia đình ông bấy giờ đến từ nghề lái taxi của cha và cửa hàng đan lát nhỏ của mẹ.

Cả gia đình 5 người gồm bố mẹ và 3 anh em phải dùng chung một phòng ngủ. Xuất thân khiêm tốn nên ngay từ nhỏ, Adelson đã có ý thức vượt khó và chăm chỉ kiếm tiền.

Còn nhỏ Adelson bán báo dạo khi lớn lên, ông chuyển tới New York học đại học nhưng sau đó bỏ học và trở thành cộng tác viên cho một tờ báo.

Sheldon Adelson: Tuổi thơ bán báo dạo mưu sinh tới ông trùm đế chế sòng bạc lớn nhất nước Mỹ - Ảnh 1

Ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson

Năm 16 tuổi, Sheldon Gary Adelson vay 10.000 USD từ người chú để đầu tư kinh doanh máy bán kẹo tự động. Sau đó, ông gia nhập quân đội rồi khi xuất ngũ, ông bắt đầu dò dẫm những bước đi đầu tiên trong hành trình tìm kiếm sự giàu có.

Adelson với số vốn ít ỏi tiếp tục nuôi giấc mơ kinh doanh nhiều thứ từ dụng cụ nhà tắm đến bán keo xịt tẩy gương, kinh doanh dịch vụ du lịch… Do thiếu kinh nghiệm, vốn ít nên rất nhiều lần Adelson trắng tay nhưng đó là những bài học quý giá để ông xây dựng cơ nghiệp bạc tỷ về sau.

Sự nghiệp của Sheldon Gary Adelson bắt đầu vào năm 1979, khi ông nắm bắt được sự phát triển bùng nổ của công nghệ. Ông cùng 4 đối tác bắt đầu tổ chức triển lãm thương mại máy tính ở Las Vegas có tên Comdex. Thời điểm đó, máy tính vẫn chưa phổ biến trong các hộ gia đình, triển lãm đã thu hút hàng ngàn đến tham quan, mua sắm. Những năm 1980 và 1990, đây là triển lãm máy tính hàng đầu của Mỹ và ông Adelson đã kiếm được 500 triệu USD từ việc bán lại Comdex.

 

55 tuổi mới dấn thân vào kinh doanh sòng bạc

Quyết định bán Comdex cho một công ty Nhật Bản với giá 862 triệu USD đã giúp Adelson dồn sức hiện thực hóa ý tưởng xây khách sạn, sòng bạc và tổ hợp giải trí mà ông nung nấu từ rất lâu.

Ông cũng đã bắt đầu để mắt tới kinh doanh cờ bạc, khách sạn và tổ hợp giải trí tại Las Vegas và gặt hái được rất nhiều thành công. Năm 1989, ông Adelson mua lại khách sạn, sòng bạc Sands và một trung tâm hội nghị. Năm 1996, ông đã đập bỏ khách sạn Sands và ba năm sau xây lại khách sạn kiêm sòng bạc Resort Venetian trị giá 1,5 tỷ USD. Đến năm 2003, khách sạn này có tới 8.000 phòng và một sòng bạc có kích thước bằng hai sân bóng đá.

Mặc dù vậy, bước ngoặt thổi bùng khối tài sản của Adelson lại nằm ở quyết định mở rộng đế chế sang châu Á với việc thành lập tập đoàn Sands Macau. Đó là năm 2002, Adelson bỏ ra gần 300 triệu USD để xây dựng một Casino Sands theo kiểu Las Vegas và chính thức đi vào hoạt động sau 2 năm.

Sheldon Adelson: Tuổi thơ bán báo dạo mưu sinh tới ông trùm đế chế sòng bạc lớn nhất nước Mỹ - Ảnh 2

The Sands Hotel & Casino vào năm 1995. Ảnh: Santi Visalli/Getty

Đây đích thị là "mỏ vàng" giúp ông trùm sòng bạc giàu lên nhanh chóng. Kể từ khi Sands Macau hiện diện tại Macau năm 2004, khối tài sản cá nhân của ông trùm sòng bạc đã tăng gấp 14 lần và sau khi phát hành ra công chúng, mỗi giờ, Adelson bỏ túi được 1 triệu USD.

Chỉ sau vài năm hoạt động, ông đã biến Macau trở thành thị trường cờ bạc lớn nhất thế giới và là một trong những trung tâm du lịch, hội thảo, nghỉ dưỡng, giải trí hấp dẫn hàng đầu thế giới. Adelson cũng là người đầu tiên giành được giấy phép kinh doanh sòng bạc tại Singapore.

Las Vegas Sands trở thành công ty đại chúng tại phố Wall vào năm 2004. Doanh thu từ cổ phiếu của Las Vegas Sands cũng là một thành công vượt sức tưởng tượng. Năm 2006. Tạp chí Forbes ước tính khối tài sản mà Adelson nắm giữ là 20,5 tỷ USD và trở thành người giàu thứ ba thế giới.

Năm 2007, ông Adelson mở tiếp các khách sạn kiêm sòng bạc lớn như Venetian Macau trị giá 2,4 tỷ USD. Đây là tòa nhà lớn thứ 7 thế giới, với một khu vui chơi được ví như thiên đường rộng gần bằng 10 sân bóng đá. Sau đó ông cho xây dựng thêm các khách sạn và sòng bạc ở Macau, Singapore, Pennsylvania và Las Vegas.

Ngoài danh hiệu ông trùm sòng bạc, Adelson còn được giới khởi nghiệp kính nể khi tính đến thời điểm hiện tại, ông đã tự tay xây dựng được khoảng 50 công ty kinh doanh khác nhau và trở thành một tỷ phú tự thân, nhà khởi nghiệp điển hình tại Mỹ.

Những góc khuất riêng tư

Sòng bạc vốn là loại hình kinh doanh nhạy cảm, thường bị gắn mác với nhiều tệ nạn nên cuộc đời Adelson cũng vướng phải không ít tai tiếng. Ông trùm sòng bạc từng vướng vào những cáo buộc và tin đồn về việc Macau dụ gái mại dâm đến khu nghỉ dưỡng. Adelson phải lên tiếng phủ nhận, thậm chí dọa sẽ kiện kẻ tung tin đồn nhảm.

Cuộc sống gia đình của ông trùm không mấy yên ả. Adelson trải qua hai cuộc hôn nhân. Ông kết hôn với người vợ đầu tiên, Sandra, vào thập niên 1970 và ly hôn năm 1988. Cả hai chỉ có 3 người con nuôi là Mitchell, Gary và Shelley.

Sheldon Adelson: Tuổi thơ bán báo dạo mưu sinh tới ông trùm đế chế sòng bạc lớn nhất nước Mỹ - Ảnh 3

Ông Adelson và vợ, Miriam. Ảnh: Getty Image

Ông kết hôn với người vợ thứ hai Miriam Adelson là một bác sĩ chuyên cai nghiện ma túy đến từ Israel vào năm 1991. Bà cũng từng ly hôn và làm việc tại New York. Cặp đôi sống tới hiện tại và có hai người con trai Adam và Matan.

Vài chục năm trở lại đây, Adelson trở thành đối tượng bị kiện tụng bởi bạn bè và chính con cái mình. Năm 1997, hai người con trai nuôi là Mitchell và Gary đã kiện cha mình với cáo buộc lừa tiền. Họ nói đã bị cha mình lừa khi nghe lời khuyên các con bán cổ phần tại công ty của cha mà không cung cấp đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã thua kiện.

Cả Mitchell và Gary và đều bị nghiện. Năm 2005, Mitchell (đã kết hôn và có 3 con) bị chết đột ngột do sốc thuốc.

Adelson cho biết, cuộc sống tinh thần của ông đã thực sự thức tỉnh sau những chuyến đi đầu tiên tới đất nước Israel. Mảnh đất này thôi thúc ông chi mạnh tay hơn cho các hoạt động từ thiện, đặc biệt là hỗ trợ tài chính cho sự nghiệp của người Do Thái. Adelson và vợ đã đóng góp hàng trăm triệu USD cho nghiên cứu y tế, giáo dục và các hoạt động từ thiện khác ở Mỹ và Israel.

Tỷ phú Adelson còn được biết đến là một trong những người ủng hộ có sức ảnh hưởng với Tổng thống Donal Trump. Năm 2008, ông chi gần 30 triệu USD ủng hộ các ứng cử viên Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Năm 2016, ông chi 20 triệu USD ủng hộ chiến dịch tranh cử của Donald Trump. Trong năm 2020, ông Adelson và vợ đã đóng góp 218 triệu USD cho các ứng cử viên Đảng Cộng hòa, trong đó có hơn 90 triệu USD ủng hộ ông Trump.

 

Hà Ly

Doanhnhanvn
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục