SHB và những lần tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu khiến cổ đông "nóng mặt"

Từ một ngân hàng có vốn điều lệ 400 triệu đồng, sau gần 24 năm phát triển, giờ vốn điều lệ của SHB đã đạt tới hơn 12.000 tỷ. Nhưng thực tế, số vốn này hầu hết được SHB lấy từ việc sáp nhập và phát hành cổ phiếu. Việc tăng vốn liên tục bằng phát hành cổ phiếu khiến giá cổ phiếu SHB nhiều thời điểm giảm thê thảm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Nhơn Ái, được thành lập ngày 13/11/1993 và chính thức đi vào hoạt động ngày 12/12/1993 với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 400 triệu đồng, cùng 8 nhân viên nghiệp vụ.

Thế nhưng, SHB đã tạo lên "kỳ tích" trong việc tăng vốn trong những năm gần đây.

Năm 2006: Tăng vốn 1.250 lần

Đến ngày 11/9/2006, Ngân hàng TMCP Nông thôn Nhơn Ái được chuyển đổi mô hình hoạt động lên ngân hàng TMCP Đô thị và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) với số vốn điều lệ là 500 tỷ đồng, tăng 1.250 lần so với khi mới thành lập. 

Đây là bước khởi đầu trong việc thay đổi diện mạo SHB. Đó là chuyển đổi mô hình hoạt động từ ngân hàng nông thôn sang ngân hàng đô thị, tăng vốn điều lệ và chính thức “khởi nghiệp” tại khu vực phía Bắc bằng việc chuyển trụ sở chính ra Hà Nội.

SHB và những lần tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu khiến cổ đông "nóng mặt" - Ảnh 1

Năm 2009: Niêm yết cổ phiếu trên sàn

Ngày 14/08/2007, SHB được UBCKNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 1.500 tỷ đồng, từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng (tăng 4 lần), thông qua việc phát hành 150 triệu cổ phiếu ra công chúng. Trong đó, SHB sẽ chào bán cho cổ đông hiện hữu 70 triệu CP, với giá 10.000đồng/CP, theo tỷ lệ 1: 1,4 lần (cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được mua thêm 1,4 cổ phần). Đồng thời, chào bán 80 triệu CP cho đối tác chiến lược và CBCNV, với giá10.600đ/CP.

Ngày 20/4/2009, 50 triệu cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội chính thức được giao dịch tại TTGDCK Hà Nội, đây là cổ phiếu thứ 2 của ngành ngân hàng niêm yết tại TTGDCK Hà Nội. 

Vào tháng 10/2010, SHB tiếp tục chào bán 150 triệu cổ phiếu với tổng số cổ phiếu đã phân phối là 149.751.907 cổ phiếu, chiếm 99,84% tổng số cổ phiếu được phép phát hành (do SHB đang nắm giữ 248.093 CP quỹ nên theo quy định không được quyền mua). Vì vậy, vốn điều lệ SHB ghi nhận đến thời điểm này là 3.497,5 tỷ đồng, tăng gần 75%. 

Năm 2012: Sáp nhập Habubank, tăng vốn lên gần 9 nghìn tỷ

Tháng 5/2011, SHB chuyển đổi gần 15 triệu trái phiếu chuyển đổi. Kết quả có 13.182.764 trái phiếu (tương ứng mệnh giá 1.318 tỷ đồng) trên tổng số 14.976.620 trái phiếu đã chuyển đổi thành cổ phiếu. Tỷ lệ chuyển đổi là 1:10, tức mỗi trái phiếu được nhận cổ phiếu với kỳ hạn 1 năm và lãi suất là 10,48%/năm. 

Qua đó, vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội – SHB đã tăng từ 3.947,5 tỷ đồng lên 4.815,8 tỷ đồng, tương đương mức tăng 22%.

Đến tháng 8/2012, SHB hoàn tất thủ tục sáp nhập các đơn vị của Habubank, thay đổi pháp nhân về một mối. Sau sáp nhập, SHB “mới” tăng vốn điều lệ khủng 4.050 tỷ đồng ( gần gấp đôi) lên 8.865,8 tỷ đồng và gần 5.000 nhân viên.

Năm 2015: Tăng vốn "khủng" qua phát hành cổ phiếu

Ngày 17/7/2015, SHB được NHNN chấp thuận việc SHB tăng vốn điều lệ từ 8.865,8 tỷ đồng lên 9.486 tỷ đồng, tương đương gần 7%, thông qua hình thức phát hành 62 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 1:0,07 để trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu năm 2014. 

SHB và những lần tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu khiến cổ đông "nóng mặt" - Ảnh 2

Việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức nằm trong lộ trình tăng vốn điều lệ của SHB trong năm 2015 đã được đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 23 (tổ chức hồi tháng 4/2015) biểu quyết thông qua với tỷ lệ nhất trí cao và mới đây đã được Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận.

Ngày 16/12/2016, SHB tiếp tục được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 9,486 tỷ đồng lên 10,197 tỷ đồng thông qua việc phát hành 100 triệu cổ phiếu ra công chúng để hoán đổi cổ phiếu nhằm thực hiện giao dịch sáp nhập Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF).

Năm 2017: Cổ đông muốn nhận tiền thay cổ phiếu

Ngày 12/1/2017, VVF chính thức ký bàn giao và sáp nhập vào SHB với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và tổng tài sản có tại thời điểm bàn giao là hơn 1.040 tỷ đồng. Sau khi sáp nhập, vốn điều lệ của SHB đạt 11.196,8 tỷ đồng. 

Cùng với đó, SHB cũng đã được NHNN Việt Nam cấp phép thành lập Công ty Tài chính tín dụng tiêu dùng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (viết tắt là Công ty tài chính tiêu dùng SHB).

Ngày 15/9/2017, NHNN đã ban hành văn bản chấp thuận việc SHB tăng vốn điều lệ từ 11.196,8 tỷ đồng lên 12.036 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông và HĐQT của SHB thông qua.

Được biết, kể từ năm 2015, SHB đã không trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông mà trả bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Lý giải về vẫn đề này, Chủ tịch HĐQT SHB - ông Đỗ Quang Hiển cho biết: “SHB là một trong những ngân hàng được chia cổ tức và chia cổ tức bằng cổ phiếu, đây cũng là lợi ích bền vững cho ngân hàng và các cổ đông. Sau khi đại hội phê chuẩn sẽ tiến hành chia ngay, chia sớm theo đúng quy định pháp luật.”

Theo thống kê, từ đầu năm 2016 đến nay, giá cổ phiếu SHB giao dịch trên sàn không quá 8.300 đồng/cp. Thậm chí có lúc giảm chỉ còn 4.000 đồng/cp. 

Như vậy, sau 2 năm liền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với mức giá áp vẫn cứ là 10.000 đồng/CP, trong khi cổ phiếu của SHB hiện chỉ có mệnh giá khoảng 8.000 đồng thì các cổ đông chính là người bị thiệt. Vì thế, tại ĐHCĐ thường niên năm 2017, nhiều cổ đông SHB có nguyện vọng đề nghị trả cổ tức bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu.

Theo Vnfinance.vn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục