SHB sẽ thay thế VVF đưa SeABank… ra tòa?

(Kinhdoanhnet) – Hiện VVF và SHB đã ký hợp đồng nguyên tắc về sáp nhập hai tổ chức tín dụng, trong đó đồng ý tiếp nhận nguyên trạng, bao gồm cả những khoản nợ xấu của VVF chuyển giao sang để tiếp tục xử lý thu hồi.

Ngày 27/11 vừa qua, Công ty CP tài chính Vinaconex - Viettel (VVF) đã tiến hành họp Đại hội cổ đông bất thường thông qua phương án sáp nhập giữa VVF vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1 (tức 1 cổ phiếu VVF đổi lấy 1 cổ phiếu SHB, mệnh giá 10.000 đồng/CP).

Đồng thời, HĐQT cũng xin ủy quyền được quyết định các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập này như phê duyệt đề án sáp nhập, hợp đồng sáp nhập và các tài liệu liên quan theo đúng quy định của NHNN và pháp luật, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của VVF và cổ đông, ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục khác để tiến hành sáp nhập thành công.

Hiện VVF đang có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tương ứng 100 triệu cổ phiếu. Như vậy theo phương án sáp nhập, SHB sẽ phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu để hoán đổi hết số cổ phiếu VVF.

Hiện, SHB có vốn điều lệ là 8.865 tỷ đồng, tương ứng 886,5 triệu cổ phiếu. Nếu sáp nhập thành công, số cổ phiếu hoán đổi cho VVF sẽ chiếm tỷ lệ 11,28% vốn điều lệ hiện tại và khoảng 10,13% vốn điều lệ mới (sau sáp nhập là 9.865 tỷ đồng).

Trước đó vào ngày 27/10, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn số 590/NHNN-TTGSNH chấp thuận chủ trương việc Công ty tài chính VVF sáp nhập vào Ngân hàng SHB.

Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại SHB vẫn chưa tổ chức ĐHCĐ bất thường để xin ý kiến về chủ trương nhận sáp nhập Công ty VVF.

Mới đây, lãnh đạo VVF đã tiết lộ thêm, hiện hai bên đã ký hợp đồng nguyên tắc về sáp nhập hai tổ chức tín dụng, trong đó có điều khoản SHB đồng ý tiếp nhận nguyên trạng, bao gồm cả những khoản nợ xấu của VVF chuyển giao sang để tiếp tục xử lý thu hồi.

Như vậy có nghĩa là SHB cũng sẽ tiếp nhận luôn khoản nợ xấu của VVF tại Ngân hàng SeABank, tiếp tục theo đuổi vụ kiện này.

Được biết hơn 3 năm về trước, VVF đã mua toàn bộ lô trái phiếu doanh nghiệp trị giá 150 tỷ đồng do Vina Megastar phát hành (kỳ hạn 1 năm). Lô trái phiếu này được ngân hàng SeABank bảo lãnh theo cam kết tại Thư bảo lãnh thanh toán trái phiếu ngày 24/11/2011.

Tuy nhiên đến hạn thanh toán, Vina Megastar không trả được nợ. VVF đã lên tiếng với SeABank về khoản nợ trên nhưng phía ngân hàng này không đồng ý trả bởi cho rằng thư bảo lãnh do bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc SeABank, ký theo ủy quyền của bà Lê Thu Thủy, Quyền Tổng Giám đốc không có giá trị pháp lý do ký vượt quyền hạn.

SeABank không đồng ý trả 150 tỷ đồng bảo lãnh trái phiếu của Vina Megastar cho VVF.
SeABank không đồng ý trả 150 tỷ đồng bảo lãnh trái phiếu của Vina Megastar cho VVF.

Ngay sau đó VVF đã phải gửi công văn lên Ngân hàng Nhà nước nhờ can thiệp tuy nhiên do bà Nguyễn Thị Hương Giang lúc đó đang nằm trong diện điều tra, khởi tố vụ án lừa đảo tại Vina MegaStar, nên cụ tranh chấp của VVF đành phải ngừng lại một thời gian.

Thời gian qua, VVF và SeABank cũng đã tìm nhiều cách để giải quyết vụ việc này tuy nhiên vẫn chưa có phương án nào được chấp nhận.

Do áp lực tái cơ cấu lựa chọn hướng sáp nhập, lãnh đạo VVF đã buộc phải khởi kiện SeABank ra tòa để sớm xử lý dứt điểm, thu hồi nợ xấu.

Tính đến hết quý II/2014, doanh thu lũy kế của VVF đạt 42,9 tỷ đồng, chỉ bằng 36,64% cùng kỳ năm 2013. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 15,48 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn hơn 15 tỷ đồng.

Hiện VVF có hơn 600 cổ đông, trong đó, có 5 cổ đông lớn nhất, gồm: Tổng Công ty Vinaconex (sở hữu 33% vốn), Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel (sở hữu 32%), BIDV (nắm 5%), MB (năm 10%), Quỹ VPcapital (nắm 5%).

Theo lãnh đạo của VVF cho biết tới đây Tổng Công ty Vinaconex sẽ tiến hành thoái hết 33% vốn điều lệ tại VVF không tham gia ngân hàng.

Hoàng Anh (TH theo TBKD)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục