Nguồn cung giảm nhưng giá vẫn tăng đều
“Sức khỏe thị trường bất động sản năm 2020 có thực sự xấu?”, đây là câu hỏi được rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản quan tâm.
Chia sẻ tại Hội thảo "Bắt mạch dòng tiền vào Bất động sản 2021" do Cafeland tổ chức, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở, CBRE Việt Nam cho rằng, nếu chỉ nhìn vào 2 thị trường lớn nhất là Tp.HCM và Hà Nội thì có thể thấy rõ nguồn cung đang sụt giảm mạnh.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2020, tại Tp.HCM, có hơn 9.200 căn hộ mới được chào bán, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số căn hộ được chào bán thành công cũng giảm hơn 60% so với 2019, chỉ đạt gần 8.900 căn.
Tình hình tại Hà Nội cũng không khá khẩm hơn khi số căn hộ mới được chào bán và bán thành công lần lượt đạt 10.711 và 10.943 căn, cùng giảm mạnh so với năm ngoái.
Tuy nhiên, khi nhìn rộng hơn ra các thị trường khác như Bình Dương hay Long An,... có thể thấy bức tranh khá trái ngược. Đơn cử như Bình Dương, thị trường này đón nhận hơn 8.200 căn hộ mới được chào bán, tăng gần 140% so với năm ngoái và là hiện tượng chưa từng có tiền lệ.
“Nếu như thị trường Tp.HCM sụt giảm thì những thị trường lân cận lại có sự thay đổi, trở thành khu vực thay thế và thu hút các chủ đầu tư. Đồng thời, lượng cung của toàn thị trường vẫn rất lớn”, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nhận định.
Đồng thời, dù kinh tế suy giảm nhưng tại tất cả các phân khúc, giá bất động sản vẫn không hề giảm mà có xu hướng tăng. Đơn cử tại Tp.HCM, một số khu vực - điển hình là Quận 9, nếu trước đây được xét vào phân khúc tầm trung thì hiện mặt bằng giá đã ngang phân khúc cao cấp.
Hay tại Bình Dương, giá bán căn hộ phân khúc tầm trung dao động từ 1.200-1.5000 USD/m2, đã tăng 20% so với cùng kỳ.
Một điểm đáng chú ý khác đó là dù cùng phân khúc nhưng hiện tại, giá căn hộ tại Hà Nội vẫn thấp hơn so với tại Tp.HCM một mức giá. Đồng thời, tại thủ đô cũng chưa xuất hiện nhóm sản phẩm thuộc phân khúc hạng sang nhưng được dự đoán có thể sẽ trở thành xu hướng trong những năm tới.
Những "thế lực" mới ở phía Đông
Cũng theo nhận định từ ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, việc phía Đông của Tp.HCM đang được đầu tư nhiều dự án hạ tầng cũng như thông tin mới về quy hoạch đã thu hút sự quan tâm của các chủ đầu tư. Mới đây nhất là việc phê duyệt thành lập Thành phố Thủ Đức được coi như một yếu tố sẽ khiến nhu cầu thị trường thay đổi và làm tăng độ hấp dẫn cho khu vực này.
“Theo dự báo của CBRE, trong khoảng 2020-2025, khu Đông vẫn là khu vực có yếu tố quyết định trọng điểm về sự phát triển của các nhóm sản phẩm, đặc biệt là nhóm căn hộ.
Nếu như năm 2015, khu Đông chỉ chiếm khoảng 34-35% tổng số sản phẩm được chào bán trên thị trường, với 25.000 căn hộ thì đến 2025, dự báo con số này có thể đạt ngưỡng 200.000 căn”.
Trong khi đó, thị trường Hà Nội cũng được dự đoán có sự dịch chuyển từ Tây sang Đông. Nếu như những năm trước, các dự án được mở rộng ở phía Tây thì dự báo 5 năm tới, thị trường phía Đông sẽ “nổi lên như một thế lực mới” tại Thủ đô.
Các dự án cầu kết nối đang và sắp được triển khai, kết nối bờ Tây và bờ Đông - vốn bị chia cắt bởi sông Hồng, sẽ tạo động lực lớn cho việc phát triển các dự án mới. Bên cạnh đó, khu vực trung tâm cũng còn rất ít quỹ đất để phát triển.
“Khi các dự án kết nối được thực hiện, khu phía Đông sẽ trở thành vùng phát triển mới và là yếu tố thúc đẩy cho toàn thị trường Hà Nội. Kỳ vọng đến 2025, lượng cung thị trường ở khu vực này sẽ chiếm khoảng 65.000 căn”.
Đánh giá về tiềm năng thị trường trong năm tới, vị sếp CBRE Việt Nam nhận định ngành bất động sản sẽ có khả năng phục hồi tích cực nhưng chưa có yếu tố đột biến. Tuy nhiên, các sản phẩm và chủng loại trên thị trường sẽ có xu hướng đa dạng hơn.
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết