Sẽ thanh tra, xử lý nghiêm ngân hàng ép khách mua bảo hiểm trái quy định

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam (tỉnh Bến Tre) liên quan đến tình trạng ngân hàng thương mại bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn. 

Thời gian qua, NHNN cũng đã nhận được phản ánh về tình trạng một số nhân viên ngân hàng bắt khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, chỉ giải ngân nếu khách mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm, nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không được bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm.

Sẽ bị thanh tra, xử lý nghiêm ngân hàng ‘ép’ khách mua bảo hiểm sai quy định.
Sẽ bị thanh tra, xử lý nghiêm ngân hàng ‘ép’ khách mua bảo hiểm sai quy định.

Các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Đồng thời, lồng ghép nội dung thanh tra việc thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động này vào kế hoạch thanh tra hàng năm.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục có văn bản chỉ đạo về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng. Trong đó, chỉ đạo các ngân hàng phải hướng dẫn, niêm yết, công bố công khai tại trụ sở, các chi nhánh, phòng giao dịch về các sản phẩm bảo hiểm, quyền và lợi ích hợp pháp, điều kiện/điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm.

NHNN cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến đại lý bảo hiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. 

Nhiều ngân hàng "ép" khách mua bảo hiểm khi vay vốn

Tháng 3/2022, anh N.V.H (sinh năm 1983) đã tìm đến Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Chi nhánh Thăng Long ở số 3 đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để vay số tiền 400 triệu đồng.

Tại đây, theo anh H cho hay, hồ sơ của anh đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được ngân hàng cho vay vốn. Điều này thể hiện bằng văn bản do BIDV Chi nhánh Thăng Long gửi tới anh H ngày 15/3 cho biết “ngân hàng đồng ý cho vay". Tuy nhiên, sau đó ngân hàng cho biết sẽ chỉ đồng ý giải ngân nếu anh H mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ trị giá lên tới 300 triệu đồng, chi phí đóng năm đầu là 15 triệu đồng.

Được biết, gói hiểm nhân thọ trên lại là của Công ty BIDV Metlife, đây là một liên doanh giữa Công ty TNHH MetLife (thuộc Tập đoàn MetLife) và Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV).

Sau đó, để tiếp tục vay vốn, a H đã bị trừ trực tiếp 15 triệu đồng phí đóng năm đầu gói bảo hiểm nhân thọ trong thẻ tín dụng. Sau đó, anh H mới tiếp tục được vay tiền của ngân hàng BIDV.

Tương tự, giữa tháng 10/2021 anh L.Đ.A (Hà Nội) đến chi nhánh ngân hàng TPBank trên đường Hoàng Đạo Thúy để vay 600 triệu đồng mua ô tô phục vụ nhu cầu kinh doanh của gia đình, nhưng để tiếp cận được khoản vay này, anh phải mua gói bảo hiểm nhân thọ theo yêu cầu của nhân viên ngân hàng.

Anh L.Đ.A cho biết, quá trình hoàn tất hồ sơ, anh được nhân viên duyệt hồ sơ yêu cầu mua gói bảo hiểm nhân thọ khoảng 20 triệu. Nhưng do cả gia đình 4 người đã mua đầy đủ bảo hiểm nên anh từ chối. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng thuyết phục anh mua thêm.

Anh L.Đ.A và cho biết, do bị “ép” phải mua bảo hiểm mới được vay vốn nên anh đã phải chuyển sang vay ở một ngân hàng khác.

Tháng 4/2022, tại Đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Á Châu ACB, cổ đông ngân hàng này đã phản ánh bị nhân viên tại chi nhanh Tp. HCM "ép" mua bảo hiểm.

Cổ đông này cho biết, dù không có nhu cầu nhưng nhân viên vẫn tư vấn và thậm chí là "ép" khách hàng mua các loại bảo hiểm. Vì vậy, cổ đông mong muốn ban lãnh đạo ngân hàng chấn chỉnh lại việc này.

Câu chuyện "ép" khách mua bảo hiểm không chỉ dừng lại ở nhưng ngân hàng trên, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nghiêm cấm hành vi "ép" khách mua bảo hiểm trái phép.

Thực tế, gần đây, hàng loạt thương vụ hợp tác giữa ngân hàng thương mại với công ty bảo hiểm đã được ký kết, với hàng nghìn tỷ đồng phí trả trước của hãng bảo hiểm cho ngân hàng.

Tuy nhiên, lợi nhuận thu về từ bán bảo hiểm khiến một số ngân hàng đẩy mạnh kinh doanh mảng này bằng cách áp chỉ tiêu đến từng nhân viên. Điều đó tạo ra áp lực cho cán bộ, và khi bị áp lực thì các cán bộ có thể tìm mọi cách để có thể bán được bảo hiểm.

Hoàng Nhung

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục